Xem gameshow để trân quý giá trị thời gian

Cập nhật, 05:22, Thứ Bảy, 14/11/2020 (GMT+7)

 

“Ký ức vui vẻ” tái hiện lại cảnh nhảy sạp đầy thú vị.
“Ký ức vui vẻ” tái hiện lại cảnh nhảy sạp đầy thú vị.

Trong thời điểm mà các gameshow, truyền hình thực tế tràn lan với chương trình ca nhạc, hẹn hò, talk-show… thu hút hàng triệu lượt người xem thì có những gameshow đi ngược lại xu hướng truyền hình hiện tại. “Ký ức vui vẻ”, “Quán thanh xuân” với nội dung khơi dòng hoài niệm chạm vào cảm xúc của khán giả khi dùng cách tự đặt mình vào góc nhìn của khán giả để họ thật sự rung cảm.

Bật khóc ở “Ký ức vui vẻ”

Trong lễ trao giải Mai Vàng 2019, “Ký ức vui vẻ” được vinh danh với giải thưởng “Chương trình truyền hình được yêu thích nhất”. Vượt qua hàng loạt đối thủ, chương trình giành số lượt bình chọn vượt ngưỡng và chiến thắng.

Với 90 phút mỗi tập, “Ký ức vui vẻ” kể một cách nhẹ nhàng, dung dị những hồi ức theo chủ đề được nhà báo Lại Văn Sâm gợi ý; đan xen là những thử thách nho nhỏ dành cho các đội, từ thử thách chung, riêng đến thử thách quyết định, thỉnh thoảng có vài trò chơi dân gian.

Câu chuyện ở góc nhìn đa chiều từ kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao, khoa học kỹ thuật, giải trí… Mỗi chủ đề được thảo luận ở nhiều góc độ khác nhau: người đương thời, hoài niệm, người trẻ học hỏi… như một câu chuyện gia đình nhiều thế hệ và ấm cúng.

Ở “Ký ức vui vẻ”, người lớn được quay ngược dòng thời gian trở về thời gian khó, “năm Thìn bão lụt” nghe băng cassette, cơm độn bo bo không đủ mà ăn. Những người trẻ từng mất ăn mất ngủ với ứng dụng Yahoo, mê đắm chương trình Làn sóng xanh.

Những nhân vật đời thường với câu chuyện nghề đầy xúc động như bác đóng giày, bác ở ảnh viện, bác vẽ chân dung các nghệ sĩ. Khán giả còn có cơ hội gặp gỡ các nhân vật nổi tiếng như nghệ sĩ của đoàn phim Đất Phương Nam, Đồng tiền xương máu… gặp vận động viên thể hình Lý Đức, NSND Lê Khanh, “phù thủy lồng tiếng” Quách Hồ Ninh, danh thủ bóng đá Hồng Sơn, NSND Trần Tiến, người mẫu Hiền Mai…

ừ đó, những món ăn, những kỷ niệm khó quên, những câu chuyện chưa từng được kể của các nhân vật khách mời làm cho chương trình thêm sống động, tự nhiên, rộn tiếng cười.

Tất cả những bối cảnh, đạo cụ, phục trang, trang điểm… đều được ê-kíp cố gắng tái hiện một cách chân thực nhất.

Họ góp nhặt, tái hiện lại những mảnh ghép ký ức của đại đa số khán giả người Việt. Vì thế, đang là câu chuyện cũ đầy niềm vui, khán giả lại bật khóc vì lại gặp được những “vết sẹo” trong quá khứ để chúng ta trưởng thành như ngày hôm nay.

Khán giả lại được sống trong miền ký ức tươi đẹp, được cười, được khóc và được nhớ lại những gì của ngày hôm qua để rồi trân trọng cuộc sống của ngày hôm nay.

Qua 2 mùa thành công, chương trình “Ký ức vui vẻ” mùa 3 tiếp tục được phát sóng trên VTV3.

Một ngày ngồi ở “Quán thanh xuân”

Âm nhạc và những câu chuyện quá khứ hòa quyện ở “Quán thanh xuân”. Ảnh chụp từ màn hình
Âm nhạc và những câu chuyện quá khứ hòa quyện ở “Quán thanh xuân”. Ảnh chụp từ màn hình

Từ đầu năm 2019, chương trình “Quán thanh xuân” được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.

Việc gặp nhau và trò chuyện về điều gì đó ấm áp không chỉ là nhu cầu của những người lớn tuổi và có nhiều thời gian mà chính các bạn trẻ bây giờ cũng thích ngồi bên nhau.

“Quán thanh xuân” đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa các thế hệ, cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Không gian được bố trí mang hơi hướng hoài cổ, ban nhạc chơi trực tiếp, có phần ngẫu hứng chính giữa sân khấu, âm nhạc như một mạch xuyên suốt và duy trì không khí của chương trình.

“Quán thanh xuân” là nơi đưa mọi người tìm về thanh xuân của mình, được cùng nhau sống trong những khoảnh khắc của một thời đã qua đầy kỷ niệm. Khán giả xem truyền hình vì thế cũng sẽ tìm thấy hình ảnh thời thanh xuân của mình thông qua đó. Bởi vì ai cũng có một thời thanh xuân.

Đến “Quán thanh xuân” mỗi tháng 1 lần, người xem được lắng đọng khi chứng kiến 30 năm thăng trầm của phim truyền hình Việt, nhớ sao một Hà Nội thu nhỏ trong tàu điện leng keng ngày tháng cũ, nhìn thấy giá trị to lớn thế nào khi chiếc điện thoại xuất hiện trong “Alo, Quán thanh xuân xin nghe!” hay “Thương mãi bữa cơm nhà” trân quý hơn giá trị của gia đình…

Dù các phương thức ngày càng hiện đại, nhưng có những giá trị không bao giờ thay đổi và cần được giữ gìn, đó là kết nối tình thân giữa con người và con người.

Không đơn thuần tô hồng lại ký ức, ở “Quán thanh xuân”, người xem thấy “cái giá” để có được sự trưởng thành của một con người, của một thế hệ, của cả một đời sống xã hội. “Quán thanh xuân” dành cho mọi thế hệ, đến khi nào bạn có đủ câu chuyện, có đủ kỷ niệm cũng có thể trở thành người của “Quán thanh xuân”.

PHƯƠNG THƯ