Nam Kỳ anh hùng vang khúc tự hào

Cập nhật, 05:03, Thứ Bảy, 14/11/2020 (GMT+7)

24 đội tuyên truyền lưu động (TTLĐ) đến từ các tỉnh- thành của cả nước vừa hoàn thành chuyến lưu diễn trên 13 tỉnh- thành ở Nam Bộ. Những khúc ca tự hào làm sống lại khoảng thời gian 80 năm trước, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ oanh liệt diễn ra, nơi những người con ưu tú đã ngã xuống để thắp lên hào khí bất diệt của lòng yêu nước, của ý chí bất phục trước kẻ thù ngoại xâm… Những khúc ca tự hào không chỉ làm sống lại trang sử hào hùng mà còn khơi dậy tình yêu và tiếp lửa cho thế hệ trẻ hôm nay.

Hội thi lưu diễn qua nhiều tỉnh- thành tuyên truyền ý nghĩa lịch sử của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân.
Hội thi lưu diễn qua nhiều tỉnh- thành tuyên truyền ý nghĩa lịch sử của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân.

Khúc hùng ca sống lại những trang sử

Hội thi TTLĐ toàn quốc năm 2020 kỷ niệm 80 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, được khai mạc tại tỉnh Tây Ninh. Các nghệ sĩ tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân tại 32 điểm lưu diễn, của 13 tỉnh- thành ở Nam Bộ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân ở các địa phương đến xem.

Theo ông Nguyễn Công Trung- Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tham gia hội thi có hơn 500 diễn viên, tuyên truyền viên. Đây là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.

Chương trình tham gia hội thi tập trung đúng chủ đề, sinh động; từng tiết mục đặc sắc, mang đậm nét đặc trưng văn hóa vùng miền cả nước.

Thành công của hội thi còn có sự đóng góp tích cực của một hình thức nghiệp vụ khác đó là diễu hành xe cổ động với cờ hoa và các khẩu hiệu tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, góp phần nêu bật ý nghĩa và mục đích của hội thi.

Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh Vĩnh Long cùng các đoàn TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, Hải Dương và Quảng Nam dâng hương tại Bia Nam Kỳ khởi nghĩa (huyện Vũng Liêm).
Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh Vĩnh Long cùng các đoàn TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, Hải Dương và Quảng Nam dâng hương tại Bia Nam Kỳ khởi nghĩa (huyện Vũng Liêm).

Sự hòa quyện, đan xen giữa nghệ thuật và tuyên truyền khiến cho những câu chuyện lịch sử trở nên dễ hiểu hơn, gần gũi hơn. Trên sân khấu, hào khí của những ngày tháng oai hùng được kể bằng ánh sáng, bằng âm nhạc và những bài múa được dàn dựng công phu.

Những khúc tráng ca đi cùng năm tháng góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

Anh Nguyễn Hoàng Nam- Đội TTLĐ tỉnh Bến Tre- cho biết: “Là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, chúng tôi luôn cố gắng tận tâm, tận lực phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí độc lập tự cường vượt qua mọi khó khăn gian khổ, sự hy sinh của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do của dân tộc…”

Suốt 1 tuần lưu diễn qua các tỉnh thành, anh Nguyễn Duy Phương- Đội TTLĐ tỉnh Vĩnh Long có rất nhiều kỷ niệm. Anh chia sẻ: “Tham gia hội thi, được biểu diễn đi qua các tỉnh, chúng tôi được đón tiếp rất nồng hậu và đâu đâu cũng hừng hực khí thế Nam Kỳ trong những ngày đấu tranh lịch sử. Anh em có dịp giao lưu học hỏi kinh nghiệm để tiếp bước những truyền thống tốt đẹp”.

Bức tranh sinh động về vùng đất anh hùng

Với nhiều sắc thái mang đặc trưng vùng miền từng địa phương, các đội TTLĐ đã mang đến nhiều tiết mục ca múa nhạc đặc sắc đậm tính tuyên truyền, khái quát rõ nét những bức tranh sinh động về một đất nước Việt Nam anh hùng trong đấu tranh xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh Vĩnh Long cùng các đoàn TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, Hải Dương và Quảng Nam dâng hương tại Bia Nam Kỳ khởi nghĩa (huyện Vũng Liêm).
Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh Vĩnh Long cùng các đoàn TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, Hải Dương và Quảng Nam dâng hương tại Bia Nam Kỳ khởi nghĩa (huyện Vũng Liêm).

Những hình ảnh hào hùng của ngày tháng lịch sử Nam Kỳ khởi nghĩa cũng được tái hiện chân thực, giàu tính giáo dục truyền thống.

Ông Lê Thanh Hiền- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long- cho biết: Vĩnh Long trong khởi nghĩa Nam Kỳ là một trong những địa phương có làn sóng đấu tranh mạnh mẽ nhất và thu được những thành công có ý nghĩa to lớn. Khởi nghĩa Nam Kỳ tại Vĩnh Long diễn ra trên phạm vi rộng ở 3 quận: Châu Thành, Vũng Liêm và Tam Bình.

Phát huy tinh thần hào khí Nam Kỳ, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long đang thực hiện sự nghiệp đổi mới, xây dựng tỉnh nhà ngày một phát triển.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh diễn ra từ ngày 23- 26/9/2020 đã thành công tốt đẹp, đánh dấu một bước tiến mới của Vĩnh Long trên đường hội nhập và phát triển, cùng cả nước hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tỉnh Kon Tum với những tiết mục thể hiện nét đẹp của quê hương, đậm đà văn hóa vùng miền.
Tỉnh Kon Tum với những tiết mục thể hiện nét đẹp của quê hương, đậm đà văn hóa vùng miền.

Về với Vũng Liêm- quê hương cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt- người trực tiếp tham gia chỉ đạo phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa tại Vĩnh Long, các ca sĩ, diễn viên của các đội càng thêm tự hào và tâm huyết hơn trong từng tiếng nhạc, lời ca, điệu múa. Đây cũng là dịp để các tỉnh- thành quảng bá hình ảnh quê hương với bạn bè cả nước, đưa văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của các vùng miền về phục vụ nhân dân.

Cô Võ Thúy Nhi (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) xúc động nói: “Hồi nào tới giờ coi nhiều chương trình lắm nhưng các nghệ sĩ miền Trung, miền Bắc chỉ được thấy trên truyền hình thôi. Bữa nay trên vùng đất Nam Kỳ khởi nghĩa, được nghe người Quảng Nam, người Hải Dương hát quá tuyệt”.

Ở Quảng trường TP Vĩnh Long, đoàn Kon Tum ghi dấu ấn với màn trình diễn nhạc cụ và những điệu múa của dân tộc Tây Nguyên. Đoàn Hà Tĩnh lại gây xúc động với những câu hát “Em ở nơi mô” và “Về làng Sen mùa sen”. Qua mỗi tiết mục, các tỉnh- thành đã khái quát bức tranh quê hương đầy
sinh động.

Hào khí những ngày kháng chiến, truyền thống yêu nước, những thành tựu của đất nước thời kỳ đổi mới, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gương người tốt, việc tốt… được truyền tải sâu sắc qua từng chi tiết nhỏ.

Cùng với chiều dài lịch sử, Khởi nghĩa Nam Kỳ mãi mãi là niềm tự hào, là bài học cách mạng vô giá để giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau học tập noi theo để bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Thế hệ đi trước quên mình vì Tổ quốc, các anh trở thành khúc hát yêu thương: “Tôi đi tìm anh hỏi rừng cây rừng cây lặng im, hỏi vầng trăng vầng trăng im lặng. Bao cánh rừng bao con suối đã thấm máu các anh. Để hôm nay anh đã hóa thân trên những tượng đài vinh quang”. (“Tên anh khúc hát yêu thương”- nhạc sĩ Đinh Tiến Bình).