Tản văn

Cây đủng đỉnh đỏng đảnh đong đưa

Cập nhật, 19:29, Chủ Nhật, 23/06/2019 (GMT+7)

Ngày trước, tại nhiều miền quê ở Nam Bộ, cây đủng đỉnh được xem là biểu tượng của hạnh phúc, tốt lành. Bởi ngoài vị thuốc được làm từ bông ra thì đủng đỉnh còn là vật liệu để xây rạp đám hỏi, cưới, thậm chí là thôi nôi,... Vì lẽ đó, người nhà quê thường cho rằng cây đủng đỉnh đỏng đảnh, kiêu sa.

Cũng phải thôi. Bởi đủng đỉnh đã làm tròn sứ mệnh cho một lần vui trọn vẹn của cô dâu và chú rể. Không có cây nào thay thế nó làm nghĩa vụ cao cả ấy. Đủng đỉnh mọc dại (chứ không trồng) ở những bờ sông, lẫn trong những đám mù u, dừa nước, chuối.

Cứ mỗi lần trong xóm có đám cưới là đám trai làng kéo nhau đi chặt hoa lá và bẹ đủng đỉnh về làm rạp. Cây và lá đủng đỉnh sẽ được làm cổng, sườn. Trong khi hoa thì trang trí cùng lá dừa để cho ra đời những tác phẩm như: chim công, phượng, rồng,… rất xuất sắc.

Đám cưới càng lớn thì đòi hỏi số lượng đủng đỉnh càng nhiều. Nhưng không hề gì. Đủng đỉnh mọc khắp nơi, chỉ cần phân công chia việc chỉ trong tích tắc là có ngay đủng đỉnh ở nhà gia chủ.

Đủng đỉnh đỏng đảnh chỉ được vài ngày thì mang đi bỏ vì tiệc tàn, ai về nhà nấy. Những cây đủng đỉnh non tơ, đương độ tươi xanh lại tiếp tục cái vòng tuần hoàn làm đẹp hôn nhân cho người khác.

Nhưng rồi dần dần, người nhà quê tiếp thu văn hóa thành thị, không còn nhờ thanh niên đi lùng kiếm đủng đỉnh khi có tiệc cưới.

Những bộ rạp sắt gọn nhẹ, đẹp, đơn giản được các công ty dịch vụ tiệc cưới cho thuê với giá tương đối rẻ (thay vì phải lo cơm nước cho thanh niên). Cây đủng đỉnh vì thế mất giá trị, không còn đỏng đảnh như ngày nay, đứng buồn trơ trọi đong đưa trước gió.

Giờ đủng đỉnh chỉ còn là biểu tượng, gợi cho những đôi vợ chồng ngày trước nhớ về một thời chất phác, gian khó. Nhiều đôi uyên ương bước vào tuổi trung niên, nghĩ về đám cưới ngày dựng rạp đủng đỉnh cây nhà lá vườn mộc mạc, chợt thấy nao lòng!

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG DUY