Tản mạn

Làm sao không tin cho được!

Cập nhật, 06:08, Thứ Bảy, 22/06/2019 (GMT+7)

Nhớ lần bác hàng xóm hỏi: “Làm nghề gì mà ngày nào cũng về tối vậy bây?” “Con làm báo bác ơi!”- tôi trả lời. Bác liền nói, “Nhà báo nói láo ăn tiền”. Không phải riêng bác và cũng không phải lần đầu mà chẳng biết bao lần rồi tôi nghe câu nói ấy. Nhưng sáng nào bác cũng có thói quen đọc báo. 

Cái tuổi thất thập mà chẳng cần đeo kính mỗi khi đọc. Nể thật. Bác đọc xong lại kể cho bác gái nghe những chuyện bác vừa đọc.

Bác gái hỏi: “Chuyện đó sao ông biết?” “Đây đây, báo đưa đây này”, bác minh chứng bằng việc đưa tờ báo cho bác gái xem. Không riêng gì bác, ai cũng hay nói câu “nhà báo nói láo ăn tiền”, nhưng… đều tin những gì in trên trang báo.

Làm sao không tin cho được!

Phóng viên phải chạy theo con nước nổi xem nó về hay chưa; chạy đến chỗ sạt lở xem lở đến đâu rồi, có ai bị ảnh hưởng hay không; lúc lại lênh đênh giữa muôn trùng sóng biển, khi cuốc bộ hàng cây số rồi ngủ lại ở nơi ấy, ăn cơm chực nhà dân.

Có những lúc phải đua với thời gian để chụp được một bức ảnh đẹp vì khoảnh khắc đẹp chỉ đến một lần thôi. Chẳng như, trong một phóng sự ảnh, có người hỏi tác giả, “sao anh không chụp ở nhiều góc khác nhau để được bộ ảnh sinh động hơn”. Anh bạn đồng nghiệp của tôi trả lời làm người nghe dành chút tình thương cho anh: “sợ khói bay mất”.

Chỉ cần con gió mồ côi len lén len lỏi vào chốn ấy thì xem như “xong”. Hai từ được một nhà báo diễn tả khi phỏng vấn được một câu mà đúc kết từ kinh nghiệm cả một đời của nhân vật mà nhà báo đang phỏng vấn- “Nó sướng”.

Và đây là cách nhìn của một nhà báo tâm huyết và đam mê nghề. Nhìn vào thúng lúa với hàng ngàn hạt lúa, đòi hỏi người phóng viên phải nhận ra được một hạt mang giá trị và nổi bật hơn những hạt còn lại.

Hay ngược lại phải tìm ra và vạch ra hạt lúa xấu, mang mầm bệnh đang nằm lẫn lộn trong ấy. Và mỗi tác giả thể hiện câu chuyện, sự việc với lối viết riêng, thể hiện ở hình thức ngôn ngữ.

Và người đọc cảm được sự duyên dáng, tình cảm yêu mến mà tác giả gửi gắm trong từng đứa con đẻ. Và có ai muốn sinh ra đứa con èo uột bao giờ, nếu để con không èo uột thì phải vác máy, sổ, viết mà đi.

Thế thôi chưa đủ, ngòi bút cảm xúc dù dạt dào đến đâu đi nữa cũng cần hít sâu và thở ra với phương cách mới, để có được hơi thở mới. Tác giả lại làm khó mình cốt để phục vụ bạn đọc, không để bạn đọc ngán.

Và nếu phóng viên là người trồng lúa, thu hoạch lúa, xay giã giần sàng thành hột gạo, thì biên tập viên là người lau bóng hột gạo ấy.

Biên tập viên giúp cho từ ngữ đẹp đẽ lên, câu từ súc tích hơn. Nói nghe đơn giản, nhưng không đơn giản thế. Biên tập phải có cách “gọt” riêng, và “gọt” từng miếng mỏng, từng chi tiết nhỏ của nội dung cho đến cả hình ảnh.

Và tôi nghĩ thiển cận, một người trồng một loại hoa yêu thích, biết tính cách và hương hoa của loại hoa ấy. Còn người biên tập phải hiểu hết từng tính cách và từng hương hoa của tất cả các loài hoa.

Thật không dễ dàng chút nào mà nếu dễ dàng thì sẽ có một khuôn khổ để áp dụng, một chương trình cụ thể dành cho biên tập, nhưng hoàn toàn không.

Biên tập viên chỉ cần bộ não và đồ nghề mài giũa thông tin để cho ra một tác phẩm hoàn thiện nhất có thể. Và đồ nghề đó chính là ngôn ngữ. Biên tập viên phải lao động “đổ cả mồ hôi não”.

Từ những nội dung và hình ảnh ấy, những kỹ thuật viên tự phác họa trong đầu để trình bày ra trang báo. Làm sao phân chia một cách rõ ràng giữa ranh giới, lãnh thổ của từng nội dung.

Nếu chưa rõ ràng thì kỹ thuật viên tỉ mỉ phân bố lại sao cho vừa chỗ, vừa nơi và quan trọng là chỗ nằm phải thích hợp trên trang.

Những tấm ảnh được xử lý đẹp mắt và tìm một nơi thích hợp để hình hài sản phẩm phù hợp nhất. Để khi bạn đọc nhìn vào dễ dàng thấy và dễ dàng tìm những vấn đề cần đọc. Và để có những trang báo đẹp mắt là cả quá trình lao động bằng trí óc của kỹ thuật viên!

Và một lần nữa những người đi tìm “cái xấu xí” nằm lăn lóc ở đâu đó trên trang mà kỹ thuật viên vừa trình bày. Vạch, lựa ở từng con chữ, có những con chữ bị “khuyết khuyết” thì thêm vào ngay.

Đi tìm nhặt những mảng miếng làm vướng víu bạn đọc. Để thôi bạn đọc “mất ngon”, như nhiều người ví “ăn cơm mắc phải sạn”.

Và đọc nhiều yêu con chữ nhiều hơn, với chữ và chữ nhưng con chữ này cận với chữ kia nó nhẹ nhàng gợi cảm, đẹp làm sao. Lúc lại khác, con chữ này nằm kề con chữ kia nhưng đọc vào như búa bổ đầu. Thú vị với con chữ vô cùng. Yêu con chữ vô cùng, con chữ ơi!

Sản phẩm hoàn chỉnh được in ra và người phát hành báo thức sớm để sáng báo đến tay độc giả. Thương cho những người với bước chân trong sương để đem tờ báo đến với bạn đọc.

Tờ báo đến tay độc giả là vậy đấy, cả một tâm huyết của đội ngũ làm báo và tình cảm chân thành gửi gắm ở từng con chữ. Làm sao không tin cho được!

MAI KHA