Mưu trí sáng tạo của anh Xã đội trưởng

Cập nhật, 19:29, Chủ Nhật, 23/06/2019 (GMT+7)

Năm 1971, tôi được Tiểu ban Thông Tấn Báo chí tỉnh Trà Vinh phân công về công tác ở huyện Càng Long. Khi đó, để kịp phản ảnh khí thế chiến đấu đánh lại âm mưu bình định cấp tốc của địch, mấy anh lãnh đạo huyện này gợi ý tôi xuống 3 xã: An Trường, Huyền Hội và Tân An là điểm nóng phong trào du kích chiến tranh đánh trả âm mưu nói trên của địch. 

Trước đó, vào những năm 1969 và 1970, dựa vào quân đông, vũ khí tối tân địch đóng thêm đồn bót, lấn chiếm nhiều vùng giải phóng, nên lúc này vùng kiểm soát của ta ở 3 xã này chỉ là những căn cứ lõm.

Ở xã Tân An, khi tôi đến cũng là lúc anh em địa phương “đau đầu” vì chưa tìm được cách đánh để ngăn chặn không cho địch làm con đường giao thông mới từ xã An Trường về xã Tân An, đoạn qua ấp An Định Giồng.

Với địch, nếu làm được con đường này thì tạo thêm thuận lợi để hành quân đánh phá vùng giải phóng hoặc ứng cứu kịp thời đồn bót ở khu vực này khi bị ta tấn công, bao vây.

Anh Tư Liêm bấy giờ là Bí thư Chi bộ xã Tân An. Khi gặp tôi ở ấp An Định Cầu anh đã tâm sự: “Thời gian qua, anh em du kích mình đã bí mật nhiều lần đột nhập vào An Định Giồng đặt mìn đánh xe ủi đất làm đường nhưng đều thất bại, vì địch dùng máy dò mìn phát hiện được hết.

Thấy vậy, sau này anh em nghĩ cách lấy bao ny lông quấn lại những trái mìn trước khi gài. Vậy mà cũng bị phát hiện.

Tính đến nay, địch đã lấy được gần chục trái mìn của anh em mình rồi. Khó khăn là vậy, nhưng dù thế nào tụi tui cũng nghĩ ra cách bẻ gãy kế hoạch làm con đường này của địch”.

Ở Tân An được 2 hôm thì được tin anh em du kích xã An Trường với mưu trí diệt được mấy tên lính Bình định. Vậy là tôi mang ba lô về ngay địa phương này để viết tin, bài và gửi về cơ quan để đưa về trên.

Trong lúc tôi ở An Trường nắm thêm tài liệu để phản ánh phong trào quần chúng nhân dân đoàn kết tham gia đào hầm, vót chông, xây dựng hàng rào làm chướng ngại, chống địch lấn chiếm bảo vệ vùng căn cứ cho anh em du kích bám dân, bám địa bàn thì nhận được tin du kích xã Tân An đốt cháy xe ủi đất. Thông tin này làm tôi thêm hồ hởi, ban đêm tôi từ ấp Sáu (xã An Trường) băng đồng về lại An Đình Cầu.

Thật là may mắn, khi tôi về đến đây là gặp được ngay anh Sáu Ẹo- Xã đội trưởng xã Tân An và cũng là người có đóng góp lớn trong sáng kiến chế mìn qua được máy dò mìn của giặc.

Nói về sáng kiến này, anh chàng đội gốc nông dân ấy chân tình kể lại: “Công trường huyện làm mìn vỏ đều bằng kim loại nên anh em tụi tui gài trái nào máy dò mìn của nó phát hiện trái nấy. Do đó, tôi nghĩ chỉ có loại mìn không có kim loại thì may ra mới tránh được “mắt thần” ấy của địch.

Nghĩ về điều này, tôi chợt nhớ lúc nhỏ chơi trò đánh giặc với mấy bạn cùng xớm có lần phe của tôi bị đối phương dùng rọi lửa rượt chạy muốn chết.

Sau đó mới biết họ dùng thun khoanh ngâm xăng; khi thun ngấm xăng nở to ra họ đem làm cây rọi, rồi châm lửa làm “vũ khí” để rượt phe tôi. Cây rọi đó gặp gió cũng không tắt và cháy rất lâu.

Qua đó tôi hé lên ý nghĩ chế mìn với thun ngâm xăng. Từ đó, tôi và anh em du kích làm thử bằng cách lấy 1 chai nhựa nhỏ bỏ thung khoanh vào đổ xăng ngâm.

Sau đó, khi thun nở đầy cứng chai nhựa, tôi sử dụng bộ phận phát hỏa của trái lôi đạp có sẵn và 1 ít thuốc nổ đặt vào chai nhựa. Xong xuôi tôi đem chai nhựa ra ngoài dùng cây đập lên cây kim hỏa. Kết quả là chai nhựa phát nổ lửa bùng lên cả thước vuông.

Từ thành công này, anh em tụi tui quyết định sử dụng can nhựa 10 lít rồi bỏ vào 3 ký thun khoanh và đổ xăng ngâm.

Trong lúc chờ thun ngấm xăng, tôi đi tìm cây trúc. Khi có trúc, tôi chọn lấy 1 ống to bằng ngón tay cái rồi đem phơi cho thật khô. Sau đó, khi trúc khô, tôi cắt đầu trên để cho thuốc phát hỏa vào đầu dưới dùi 1 cái lỗ ở mắt trúc đủ để lửa phát qua phần thuốc nổ và thun ngăm xăng.

Khi thấy thun nở đầy cứng thùng can rồi, tôi khoét 1 lỗ vừa đủ để thêm thuốc nổ và đặt ống trúc có chứa chất phát hỏa vào thùng. Tiếp theo đó, tôi dùng phần thun khoanh đã nở lấy ra lúc nãy chèn cho ống trúc thẳng đứng và ổn định.

Xong xuôi những việc làm trên, tôi lấy 1 đoạn cây khô, cứng vừa với lòng ống trúc đặt vào ống trúc để làm kim hỏa. Nói tóm lại là trái mìn thun xăng này chỉ khác mìn của công trường ở chỗ thay kim loại bằng những thứ không kim loại, các phần còn lại giống như trái mìn ở công trường mà thôi.

Sau khi làm xong trái mìn thun ngâm xăng ấy, anh em tôi rất tự tin. Sau đó, anh em tôi bí mật sang đoạn đường địch đang thi công đặt trái và ngụy trang cẩn thận. Sáng ra, khi bọn lính mở đường và rà mìn đi về mà không phát hiện được gì bọn chúng cho xe ủi từ ấp Bảy (xã An Trường) chạy vào An Định Giồng để tiếp tục thi công.

Chúng nào ngờ trên đường đến vị trí thi công, xe ủi đất của chúng cán phải quả mìn nói trên của anh em du kích. Mìn nổ, lửa chụp lấy hoàn toàn xe ủi, giết chết tên giặc lái, còn chiếc xe ủi bị lửa thiêu chỉ còn là 1 khối sắt nằm ỳ. Sau khi bị trái mìn này của du kích Tân An, bọn địch phải tạm dừng làm con đường này”.

Sáng kiến trên của anh Sáu Ẹo và của anh em du kích Tân An sau đó được huyện Càng Long và tỉnh Trà Vinh nhân rộng trên địa bàn để bịt mắt máy dò mìn của địch.

Sự kiện này tính đến nay đã khá lâu, người viết không còn nhớ được họ tên thật của anh Sáu Ẹo, mong anh, gia đình và bạn đọc cảm thông.

TRỌNG DÂN