Truyện ngắn

Hàng cau xa xa

Cập nhật, 06:43, Chủ Nhật, 23/06/2019 (GMT+7)

Ngày đầu tiên đi học, thằng Điền được ba nó chở đến trường bằng chiếc xe đạp, tôi được dượng Ba cho quá giang ngồi ở đòn dông phía trước. Đó là ngày đặc biệt, còn lại trong suốt những năm học sau chúng tôi đều phải đi bộ đến trường cách nhà hơn 2 cây số. 

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Con đường đất còn ẩm ướt, có nơi còn đọng vũng nước sình lầy sau trận mưa lớn đêm qua, chiếc xe đạp chạy như làm xiếc trầy trật, lăng quăng qua những đoạn đường trơn trợt, tôi luôn phải mọp đầu thấp xuống, bậm môi tay ghì chặt ghi đông, còn thằng Điền ngồi phía sau nó cứ tía lia.

Dượng Ba dắt hai đứa vô tận lớp học, giao cho thầy giáo. Hai đứa tôi đã bắt đầu quãng đường mới, gọi là cuộc đời học sinh như thế đó; từ đây, tình anh em bạn dì, tình bạn của hai thằng tôi càng thêm khắng khít vì đi đâu cũng có nhau, khỏi sợ mấy thằng to đầu ăn hiếp.

Lớp học như một nồi khoai lang, có củ nhỏ ét, có củ bự tổ bố, có củ trắng trẻo, có củ đen nhẻm, lớp học lao nhao như nồi khoai lang đang sôi ùng ục. Mấy củ khoai lang bự trợn mắt giành chỗ ngồi, cãi nhau chí chóe.

Khi thầy giáo bước vào, ông gõ cây thước bảng to đùng lên bàn cồm cộp, mấy củ khoai lang mới chịu ngồi im. Chỉ còn mấy tiếng xì xào ở cuối lớp, có lẽ mấy thằng to đầu ở lại lớp nhiều năm rồi nên quen, tôi nhìn ông thầy sợ khiếp vía, hai tay khoanh trên bàn mắt nhìn thầy không chớp.

Ông đi tới đi lui, lúc đi xuống tận cuối lớp, thầy đã rất già tóc bạc trắng, trán trợt lớt lên đỉnh đầu, nhưng giọng khỏe sang sảng lấn át mọi tiếng động trong lớp. Khi thầy đứng lại sát bên tôi, nhìn cây thước bảng cứ đong đưa trong tay thầy, tôi không dám thở mạnh luôn.

Rồi bỗng dưng thầy nói to: “Mấy con im lặng, thầy kể chuyện cho nghe”. Rồi thầy chỉ thằng Nguyện lớn nhất lớp ngồi ở bàn cuối đứng lên và chỉ thằng Điền ngồi cạnh bên tôi, thầy bảo:

“Thằng Nguyện bự con làm Lưu Bình, thằng Điền trắng trẻo, đẹp trai thì làm Dương Lễ nha. Thầy kể cho nghe chuyện Lưu Bình, Dương Lễ”. Không khí trong lớp tự dưng giãn ra, tiếng cười thích thú khi thầy kể chuyện.

Thầy tóm lại cho mấy đứa nhớ, câu chuyện về tình bạn không bao giờ được phản bội nhau và đứa học giỏi bằng trời, đỗ Trạng cũng không được kiêu căng, đứa học dở tệ, nếu nuôi chí cũng sẽ có ngày được vinh hoa Bảng nhãn.

Rồi thầy ngâm mấy câu: “Kinh đô cũng có người rồ. Man di cũng có sinh đồ Trạng Nguyên. Mấy con chịu khó học hành, sau này trong lớp mình sẽ có đứa đỗ Trạng, đứa đỗ Bảng nhãn rồi vinh quy bái tổ về làng. Nhớ không?” Cả lớp dạ rân.

Cái ngày đầu tiên đến lớp đơn giản vậy thôi, nhưng ấn tượng về thầy giáo Bính- ông thầy già hình như cả đời chỉ dạy lớp một- khó mà nhạt phai trong ký ức chúng tôi.

Còn cái chuyện học nó dễ ẹt hà, chỉ cần biết đánh vần, biết đọc thì lên lớp hai; vậy nên với tôi lớp một như những ngày đi chơi, vì tôi đã biết đọc trước khi đến trường.

Cũng vì chuyện này, trong lớp tôi có thêm thằng bạn nó bự nhất lớp, giàu nhất lớp là cháu nội ông Cả có cái nhà xưa đẹp nhất trong làng, nhưng nó học hoài mà không nhớ mặt chữ.

Vậy là tôi với nó trở nên thân nhau, tôi dạy nó đánh vần mỗi khi vào lớp, còn nó lo cho tôi mỗi khi ra chơi và cả trên đường về nhà, tôi với thằng Điền, thằng Nguyện thành bộ ba không còn sợ ai bắt nạt.

Cũng ngay trong ngày đầu tiên đi học, tôi bị hai sự cố dính tới hai đứa con gái, làm tụi nó giận tôi thiệt lâu, nhưng về sau chúng tôi lại thân nhau, thương nhau cho mãi đến lúc không còn gặp nhau nữa.

Trong giờ ra chơi, con Lan móc ra mấy cây kẹo dài như ngón tay út, những viên kẹo đủ màu xanh, vàng óng ánh, bọc trong giấy kiếng bóng có in chữ: “Hãng kẹo danh tiếng Bà Ba”.

Nó nói cho tôi một cây, thì thằng Nguyện xấn lại: “Cho tao cây với”. Con Lan giựt lại: “Hông, mầy”. Tôi giựt tiếp con Lan, làm cây kẹo bị gãy làm đôi, phải nói trong đời khó mà quên cái tiếng thét của con Lan, rồi nó giãy tử đòi mắc đền cho bằng được.

Nó khóc cho đến tiếng kẻng vô học, vô lớp nó vừa khóc, vừa méc với thầy. Thầy Bính gọi tôi, thằng Nguyện và con Lan lên trước lớp, thiệt tình tôi vừa sợ quéo cẳng mà vừa mắc cỡ.

Mấy đứa ở dưới nó khoái chí bàn tán ì xèo, như sắp được coi sướng mắt vì sẽ có thằng ăn thước bảng. Thầy cầm cây kẹo gãy, hỏi con Lan: “Trước khi ăn kẹo con làm gì?”

Con Lan mắt còn đọng nước mắt, hức hức, tức tưởi khoanh tay trả lời: “Dạ thưa thầy, con lột vỏ ra”. Thầy hỏi: “Rồi khi ăn kẹo con có nhai hông?” Con Lan thưa: “Dạ, con bẻ kẹo ra rồi nhai ạ”.

Thầy cười nói: “Vậy cây kẹo gãy con khỏi bẽ, rồi con cũng nhai nát mà, có mất miếng nào đâu. Thôi, ba đứa con huề hén!”

Ba đứa khoanh tay đồng thanh: “Dạ”, nhưng con Lan vẫn còn ấm ức, mắt nó hấy hai thằng con trai thấy ghét. Thằng Nguyện tủm tỉm nhướng nhướng mắt với nó. Từ đó, có kẹo con Lan không thèm khoe với tôi nữa.

Sự cố với con Bé Ba nó mới vô duyên dữ. Trên đường đi học về, trời lại mưa, mấy đứa càng khoái đầu trần cứ thế đội mưa, vừa nghịch nước chơi.

Con Bé Ba gởi cuốn vở, tập đánh vần với cây viết chì trong cặp của tôi. Cái cặp cũ đó ngoại tôi xin của người ta, nên nó lủng cái lỗ dưới đáy ai mà biết, về tới nhà, rớt mất cây viết chì của con Bé Ba.

Trời ạ, nó lại xăm xăm đi tới nhà méc bà ngoại tôi kêu bắt đền cho nó. Hỏi tức hông? Vậy là tôi bị ăn ba roi, cái tội bao đồng. Chuyện này, tôi thù nó thiệt lâu mới nói chuyện lại.

***

Con đường về xóm Chùa ngày xưa, giờ nó giống như có ông Thần Đèn Aladin bứng nguyên một cảnh mới đặt vô đây. Mình đi về quê mình mà cứ lạc chỗ, cứ phải dừng xe hỏi tới, hỏi lui.

Có khi hỏi ngay người quen cũ mà nhìn hổng ra. Trong lòng không biết là buồn hay vui. Chỉ thấy nó trống không, như thể mình không còn thuộc về cái vùng quê thân thương máu thịt này nữa vậy.

Con đường rộng mở láng nhựa xe bốn bánh chạy bon bon, nên những hàng cây không còn nữa, trời đổ nắng chang chang. Ngang qua chợ ghé hỏi thăm con Lan, cái con nhỏ có giọng nói lanh lảnh, nước da trắng hồng, gương mặt bầu bỉnh thiệt dễ thương, nhưng lại luôn mặc quần tây, áo sơ mi, tóc tém kiểu con trai rất ngầu.

Thì ra, nó lấy chồng rồi định cư bên Mỹ, Tết nào cũng dắt chồng con về quê. Con Bé Ba nghe nói khổ lắm, lận đận mấy đời chồng, giờ không biết trôi dạt phương nào.

Con nhỏ đúng cao số, tướng hồi mới lớn nảy nở phổng phao, giọng nói nó cứ ồm ồm như đàn ông, chơn mày đậm đen, lưỡng quyền cao sừng sững.

Chạng vạng, con trai nó ve vãn rậm rật, quần nát hàng rào bông bụp nhà con Bé Ba, đàn bà vận số đào hoa hổng khổ te tua lá chuối mới lạ.

Thằng Điền thì lên thành phố lập nghiệp như tôi, giờ về đây chỉ còn thằng Nguyện, nó chả cần học hành gì, đất đai hàng trăm mẫu, đủ nó làm phú nông mấy đời chưa mẻ đất.

Thằng bạn phú nông tóc giờ bạc trắng hết rồi, vẫn thích đi chân không, nhưng lái xe bạc tỷ, ca nô mấy chiếc cột mũi dưới bến.

Tôi với Nguyện ra nhà mát trước nhà, nó chỉ tay về phía xa xa bên kia sông: “Đó, mầy nhớ cái hàng cau đó hông? Cây cối hồi xưa giờ trụi hết rồi, chỉ còn hàng cau đó với cây da ở Dinh Ông cao nhất làng này”.

Tôi không thèm trả lời nó, cứ như nói với ngày xưa: “Hai hàng cau mỗi bên 18 cây, có những dây trầu quấn quanh xanh mướt, phía trước là hàng rào đinh lăng cao vượt mặt, có cái cổng bông giấy ngũ sắc và con đường lót gạch tàu dẫn vào căn nhà ngói 5 gian.

Mỗi lần đi dạy thầy phải bơi xuồng qua bên này sông, rồi đi bộ hàng cây số. Ba thằng mình có biết bao lần bơi xuồng qua đó, bắt cá, nấu cơm, có khi ngủ lại bên đó với thầy mà”. Hồi tụi tôi vô lớp một là thầy đã nghỉ hưu, rồi xin đi dạy không lương cho vui thôi.

Thằng Nguyện thở dài: “Nhưng có chuyện mầy không biết, cuối đời thầy sống cô độc trong căn nhà rộng mênh mông đó. Con cháu toàn làm ăn lập nghiệp phương xa.

Thầy không chịu đi đâu hết, chỉ một mình thui thủi. Thầy chết mấy ngày mà không ai hay biết. Thương lắm!” Tôi nghe như có mấy giọt nước mắt thâm trầm rớt xuống dòng sông…

“Đong đi, đếm lại, chỉ có cha nội là sướng nhất á!”- tôi vỗ vai thằng bạn già. Nó nói một câu ngược đời: “Mỗi người một số, nhưng nếu được chọn lựa tao cứ chọn dôn dốt vầy dễ chơi, không phải lao tâm khổ tứ bon chen. Cả đời tao cứ gói gọn trong cái làng này, vậy mà ấm hiểm được gần cha, gần mẹ, gần tổ tiên, mồ mả ông bà. Sướng mậy!”

Trầm ngâm nhìn theo dòng nước, hồi lâu, thằng Nguyện thở dài: “Nhưng chắc tao cũng là phú nông “đời cuối kim vàng giọt lệ” quá mầy. 5 đứa con tao giờ cũng sống ở thành phố hết rồi.

Cái sản nghiệp bề bề này, vợ chồng tao ngủm củ tỏi rồi, thì tụi nó cũng về bán hết, bán sạch”. Hai thằng bạn già cùng cười khục khục, rồi mần thinh ngồi như hai cái bóng, cho đến khi phía xa xa, mặt trời đã khuất dạng phía hàng cau.

Vĩnh Long, 31/5/2019

HÀ NGỌC TRẢNG