Nhân Tết Nguyên tiêu- ngày thơ Việt Nam

Đôi điều cảm nhận về thơ của CLB Thơ Văn Xương Các

Cập nhật, 08:34, Chủ Nhật, 04/03/2018 (GMT+7)

CHÍNH HỒ

 

Tôi cảm tác viết nên vài dòng cảm nghĩ.

Hễ nói tới thơ là nói tới tình. Thật sự, nếu không có tình thì chắc chẳng có thơ. Thêm nữa, theo thiển ý, điều kiện tiên quyết của văn nghệ là tính nhân văn.

Thiếu tính nhân văn, văn nghệ chỉ là đồ bỏ. Vì vậy, “biểu nhứt lãm” chỉ hoàn toàn xây dựng trên tình gia đình, tình thân thuộc, tình yêu trai gái… thứ mà trong văn học người ta gọi là trường cửu tính. Nhân ngày Thơ Việt Nam, tôi cảm tác viết về cảm nghĩ đối với các thành viên CLB Thơ Văn Xương Các.

Xin điểm qua từng tác giả

* Lê Việt Trí

Có lần, thảo nhân tâm tình với Việt Trí rằng thơ anh nhuốm màu sắc Bùi Giáng, bậc thầy ít oi về thể lục bát. Lục bát dễ làm- gần như ai làm cũng được- nhưng chính vì dễ làm nên khó làm hay. Bùi Giáng có cách dùng từ và nhạc điệu siêu độc, không ai có thể bắt chước được. Có những câu lục bát hơi khó hiểu nhưng bù lại, nhạc điệu thật tuyệt vời. Ôi, thơ văn đâu khác cuộc đời: đôi khi, mờ mờ, ảo ảo lại hay:

Mơn man nước bạc đầu nguồn

Lan Thương ngậm thấm gieo buồn Cửu Long

Bãi cồn không nổi giữa dòng

Lờ đờ tủi dại chín rồng còn đâu.

(Nước bạc)

* Chỉnh Dượng

Là đại sư huynh của CLB Thơ Văn Xương Các, còn 10 năm nữa là cụ tròn 100. Cụ là tấm gương sáng về đức cầu tiến không bờ bến. Hai bài thất ngôn bát cú Đường luật “Thọ Vui” chỉn chu về hình thức, có tính giáo dục trong nội dung:

Trời ban sức khỏe bốn mùa niên

Nghị lực tu thân vững thế kiềng

Gieo rắc nhân hiền xây hạnh phúc

Đắp bồi quả đức tạo bình yên…

* Hoành Châu

Chị mới tham gia CLB cho nên ít người biết rõ về chị. Nguyên là cô giáo cấp 3 ngoại ngữ, thế mà Hoành Châu lại thích thơ Đường và làm thơ Đường hết sức già dặn, chẳng thua ông đồ chút nào:

Đọc lắm thể thơ vẫn thích Đường

Ô hay họa- xướng gợi văn chương

Chỉnh sai bằng trắc cho minh bạch

Rà soát đối niêm phải tỏ tường…

(Nợ thơ Đường)

*  Hoàng Giang

Ông cụ đã trên 80 (sinh năm 1935) nhưng còn rất sung và trẻ lạ lùng. Thoạt nhìn, người ta cứ ngỡ cụ không quá 70: dáng vẻ quắc thước, cử chỉ nhanh nhẹn. Thơ cụ đầy vẻ lạc quan, yêu đời, đôi khi “trai lơ” một cách đáng yêu:

… Ước mơ cùng bến cùng thuyền

Sao em đứng đấy để phiền lòng ai

Đêm đêm mơ mộng canh dài

Hồn thơ khát vọng say ai mềm lòng.

(Hồn thơ khát vọng)

* Hồng Bảo

Hình như anh sở trường về thể thất ngôn bát cú Đường luật. Lời châu ngọc, ý gấm hoa, nhạc điệu dặt dìu:

Nghĩa nữ cài hoa vui gác ngọc

Hiếu nam thọ phúc đẹp lầu hương.

Chợt nghe tiếng nhạc vàng lên tóc

Sâu thẳm lòng nhân dậy phố phường.

(Cảm xuân)

* Kim Thanh

Kim Thanh sáng tác bằng nhiều thể loại: thất ngôn Đường luật, thơ tự do, thơ lục bát, 1 bài thơ mới và 1 bài lục bát hết sức trữ tình:

Một ngày thu lá vẫn xanh,

Phơi niềm mơ ước chờ anh trở về.

Nắng vàng đẹp bến sông quê,

Phượng còn thắp lửa hương thề chưa phai.

(Mảng nhớ)

Nhớ thương chỉ có một mảng, nhưng cay nghiệt biết bao nhiêu, mảng này chặt không đứt, bứt không rời, phơi không khô, đốt không cháy nên cứ đeo đẳng mà tra tấn ta suốt cả một đời. Hương thề biết đến bao giờ mới phai đây!

* Lục Y

Nhìn chung, thơ Lục Y có 2 khối: một khối “nghiêm” và một khối tếu. Cả 2 khối đều sắc sảo, điêu luyện. Khối nghiêm, có nhiều ý khá tích cực, sáng giá một nhà “phạm mô”:

Làm người chưa vẹn, đâu nên nghỉ

Xử thế chẳng toàn, chớ vội ngưng.

(Tự nhủ)

Anh thích làm nông dân hơn thi nhân. Đây là lý do:

Ta thà chọn nông dân

Dù tay lấm chân bùn

Vẫn ung dung nhàn nhã…

(Nông dân và Thi nhân)

Thơ Đường luật của anh rất chuẩn. Anh lại thích họa hơn xướng, đặc biệt, với người đẹp. Hễ có mỹ nhân nào mời họa thì dầu khó khăn thế mấy anh cũng cố nằm gai nếm mật họa cho kỳ được mới thôi. Dưới đây là mấy câu tiêu biểu trong “Hoàng hôn ly biệt”, đáp họa bài “Biển hoàng hôn” của Kim Dung:

Chợt nhớ chiều nào có nụ hôn

Của thời trai trẻ, phút mưa dồn

Mình ôm bịn rịn khi trời chớp

Nàng nép nghẹn ngào lúc lệ tuôn…

* Nguyễn Phước Hải

Thơ anh có chút đắng đắng, có chút cay cay; nỗi đắng cay tất yếu của người từng trải nhưng hay là ở chỗ tuyệt nhiên không bi quan hay hận trách ai:

Ngắm ánh trăng rằm tháng giáp xuân

Làm sao trong dạ khỏi bâng khuâng?

Thời gian: dòng nước trôi không nghỉ

Thế sự: phù vân biến chẳng cùng…

(Nguyệt hạ cảm tác)

* Như Anh

Anh là một cây viết lớn, khá nổi tiếng, chẳng những cả miền Nam mà còn cả Trung và có thể cả Bắc nữa. Không kể mấy tập thơ in riêng biệt, chỉ bộ trường thiên thơ in chung “Ai tri âm đó”, gồm 11 tập do anh chủ biên; trong đó, chứa hàng ngàn bài họa của anh cũng dư sức cất nhắc anh đến chiếu ngồi trang trọng trên văn đàn.

Điều ngỡ ngàng là “Duyên hài xuân xưa” được sáng tác nhằm họa vận “Lạc gió” thơ Xuân Trang, bằng thể lục bát. Đây là điều gây nhiều tranh cãi.

Xin lạc đề một chút.

Trên Internet, trang www.lucbat.vn, người tên CHỬ THU HẰNG, ngày 18/8/2010, viết về việc họa thơ lục bát như sau: “Từ xưa, xướng và họa thơ đã là một thú chơi thanh nhã dành cho tao nhân mặc khách… Tất cả các thể thơ đều có thể họa được…” Thu Hằng còn gọi “thơ lục bát 4 dòng là tứ tuyệt…”.

Đã trải qua 7 năm tròn, đề xuất độc đáo này dường như rất ít người hưởng ứng. Cũng chưa rõ tại sao! Có điều là chưa hợp lòng dân thì không thể thuận ý trời!

Trong bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 4, trang 1077, có ghi một câu tựa như pháp lệnh chăng: “Xướng họa là đối đáp với nhau bằng những bài thơ cùng một thể, một vần để tỏ sự đồng tình hay chống đối. Thể thơ dùng xướng họa là thể thơ thất ngôn bát cú; không dùng các thể khác…”

Tưởng như thế này đã là quá đủ.

* Như Xưa

Hai chúng tôi vốn có tình cố giao. Do một nợ duyên nào không rõ, chúng tôi thân thiết nhau từ thật xa xưa. Nội cái bút hiệu Như Xưa cũng đủ cho ta thương quá chừng chừng và có thể đoán được phần nào nghề nghiệp của anh.

Trong tiếng Pháp, từ classique có nghĩa là cổ điển mà từ này lại xuất phát từ danh từ classe có nghĩa là lớp học. Phải chăng tri thức nào đưa vào học đường đều phải có ít nhiều tính cổ điển, đứng đắn, nghiêm trang hoặc được dư luận đặc biệt quan tâm?

Đã là thầy đồ thì phải ít nhiều gàn: đồ gàn. Không gàn thì sao gọi là thầy đồ. Ta quý anh vì anh không- phải- như- nay, có một chút gì đó còn vướng víu với truyền thống ông bà!

Thơ Như Xưa lấy cảm hứng từ cuộc sống đời thường, cho nên không có gì đặc biệt.

Gặp thằng Út cha trút ra cho nó hết

Bộ cha nghĩ con kiếm tiền không biết mệt?

Cha là cha, nó đâu phải cha con!

Ôi! Nước phải chảy về chỗ thấp, biết làm sao hơn bây giờ!

* Quang Bỉnh

Anh là nhà thơ sáng tác nhiều và từ lâu. Anh tham gia nhiều CLB tại TP Hồ Chí Minh và Tiền Giang. Với “Văn Xương Các”, anh góp mặt thường xuyên.

Chúc khắp bốn phương luôn khỏe mạnh,

Chúc nhiều tài lộc cả ba miền.

(Chúc xuân)

* Quý Hữu

Anh đã sáng tác trên 5 ngàn bài thơ các loại và đã có thơ in chung trên 70 tập khắp Nam Trung Bắc. Bài “Xuân thanh bình” được coi như một chùm 4 bài tứ tuyệt chỉn chu được NS. Phạm Minh Cảnh phổ nhạc, với những câu mượt mà như sau:

Dòng cảm trữ tình rộn chảy qua,

Nông thôn, biển đảo dậy đồng ca.

Hương yêu lan tỏa ba miền nước,

Sóng bước vui xuân ngắm thái hòa.

* Quý Thiện

Con người hiền hòa, đạo hạnh hiển thị rõ qua nhiều bài thơ dưới dạng lục bát, Đường luật và mới. Bài “Tuổi xế chiều” nghe sao mà buồn thúi ruột nhưng lại thắm đượm nhân tình. Hỏi trên đời này thứ nào hơn được tình yêu? Sống mà chất chứa hận thù, đội đạp,… thì thôi sống làm gì cho chật đất:

Ngày nao về chốn Suối vàng,

Tấm thân trần trụi chẳng mang theo gì!

Xế chiều ham hố mà chi,

Miễn là hạnh phúc được đi bên nàng.

Ý là “xế chiều” mà còn vậy! Kể ra dữ thiệt!

Thảo nhân cứ đọc đi đọc lại bài này, ứa lệ nhâm nhi mấy câu:

Bước đi trong tuổi xế chiều,

Tóc pha bụi phấn, quạnh hiu tâm hồn.

Nắng vàng để rụng hoàng hôn,

Níu dài cuộc sống, bồn chồn, ưu tư.

Nhớ tới phận mình, phận anh em…nhớ tới mấy vần lục bát óng ả của Lê Việt Trí rồi quàng xiên tưởng tới những xâu chuỗi ngọc ngà của Tổ sư họ Bùi! Rồi một mình ngậm ngậm, ngùi ngùi!

* Thúy Vân

Nữ sĩ lai láng lòng nhân hậu và như khao khát một thứ tình chới với tầm tay:

Như cánh chim

Anh bay về tổ ấm

Sẽ quên đi những tháng ngày

mồ hôi thấm đẫm trên vai

nơi công trường mênh mông nắng gió

và những đêm đông rét mướt chăn đơn.

(Mùa đoàn viên)

Tình đôi lứa mãi mãi là một hợp đồng, sòng phẳng, có qua có lại như bánh sáp, bánh quy. Chỉ có tình mẫu tử thiêng liêng là như “nước trong nguồn”, không bao giờ cạn và cũng chẳng bao giờ chảy ngược dòng:

Cứ mỗi mùa xuân đến

Con ngậm ngùi nhớ mẹ

Thương mẹ một đời lam lũ

Sống vì con, cho con.

(Xuân vắng mẹ)

* Trần Thế Vĩnh

Là cây cổ thụ của CLB. Văn Xương Các và cả thi đàn vùng ĐBSCL. Đại huynh còn tiêu biểu cho thi nghiệp vững chãi, phong cách tự tại, nếp nghĩ thanh cao, lối sống tao nhã, lạc quan, yêu đời. Thơ anh điêu luyện mà chải chuốt, nghiêm trang mà hào hoa:

Con tạo trao mình một gánh tơ

Suốt đời tha thiết với Nàng Thơ

Giang sơn cẩm tú chờ trang điểm

Nhân vật anh tài gợi ước mơ.

(Duyên nghiệp)

Anh có khả năng sáng tác nhiều thể loại khác nhau, kể cả điếu văn, nhưng anh sính thơ Đường, nhứt là thể thất ngôn bát cú. Hầu hết, bài thất ngôn bát cú Đường luật nào của anh cũng đạt đến đỉnh cao giá trị.

* Trần Thị Kim Dung

Kim Dung cũng là một nhà thơ già dặn, đã có tiếng trên văn đàn trong và ngoài tỉnh Bến Tre.

Ai cũng biết muốn được thong dong phải biết buông bỏ nhưng với người đích thực nghệ sĩ nhạy cảm, việc này không dễ chút nào! Thế nên:

Dùng dằng chưa muốn tuổi lên hàng

Xuân giở lịch đời vội hết trang.

(Dỗi xuân)

Chính vì muốn “đi ngược hướng thời gian” mà nhà thơ đã viết nên những câu để đời:

Gom muôn sắc lụa trên nền biếc

Dệt những thềm nhung dưới gót trần

Vẽ nét đa tình cho nghệ sĩ

Pha màu lãng mạn với thi nhân.

(Nét xuân)

Chính vì tha thiết yêu đời cho nên nhà thơ trở thành nhà buôn bán. Người ta kinh doanh hàng này, hàng nọ, Hàn Mặc Tử bán trăng, còn Kim Dung thì bán “lời yêu thương”:

Gởi tình đi khắp muôn phương

Gởi hương cho gió gởi buồn theo trăng.

(Quán thơ)

Mua bán yêu thương thì không mấy khó nhưng gìn yêu giữ thương biết có dễ dàng không!

* Uyên Thụy Vũ Tuyết Hoa

Trước kia, thảo nhân cũng từng chè chén. Có lần nhờ một đàn anh góp ý về một bài thơ say. Anh ấy gạt đi mà không nói lý do. Từ đó trong thơ, mất hẳn từ rượu, từ say.

Thực tế, trong 10 người biết làm thơ thì đã có 8 người “ngất ngư” nhưng không mấy ai dám đưa rượu vào thơ. Về mặt này, nữ sĩ Tuyết Hoa “gan” hơn chúng ta nhiều. Không biết chị nhậu bao nhiêu lần, nhưng trong bài “Choáng say”, chị viết:

Một trời quan tái say ngà

Rót thêm chút nữa biết là choáng say

Suốt đời mãi nhớ hôm nay

Cô đơn trọn kiếp, vẫn hoài tương tư.

Uống rượu tiêu sầu, nhất là sầu cô đơn. Nhưng đôi khi chẳng biết sao càng uống thì sầu chẳng những không tiêu mà lại còn tăng tiến!

Uyên Thụy Vũ còn có chùm thơ trăng: Hạ tuần trăng, Khúc trăng rằm và Thượng tuần khúc. Thấp thoáng dáng Kiều là mấy câu sau:

Từ em liếc mắt hồn bay

Từ anh ngơ ngẩn đắm say tháng ngày

Phấn hương quên hết đọa đày

Hôn em thuở ấy là ngày đớn đau.

Về kỹ thuật sáng tác, nữ sĩ phát minh ra một dạng thơ lạ, chưa từng thấy. Câu 1: 2 từ; câu 2: 3 từ; câu 3: 4 từ và tăng dần lên để kết thúc bằng cặp lục bát:

Một sáng

Em thức dậy

Có chú chào mào

Bảo: chẳng còn bé đâu!

Em nụng nịu và dỗi hờn:

Vậy là xuân xanh nàng đã chín?

Thế mà mỗi lúc bình minh

Nắng reo ngoài ngõ gợi tình nào hay.

(Thuở nào)

* Yến Yến

Yến Yến sáng tác nhiều thể loại thơ. Bài “Lục bát tình” tạo được nhiều ấn tượng nơi người đọc. Anh về chưa chi rồi anh lại đi. Cô đơn rốt cuộc cũng hoàn cô đơn. Cho nên phải giận mà không chịu nói cười mà giận cũng chỉ vì quá yêu thương:

Anh về nắng hửng hoa cười

Anh đi má thắm nhạt lời tiễn đưa

Trời còn sáng nắng chiều mưa

Trách người thương giận nên chưa nói cười.

* Chính Hồ

Đời thảo nhân tóm gọn trong 2 chữ “trễ tràng”. Thế nên phải chịu bẽ bàng. Bản chất là như vậy, không hiểu tại sao. Đi, đứng, ngồi đều thích ở sau. Thi thì đậu hạng chót. Ăn thì bỏ đũa sau.

Thích ẩn trong tối hơn trườn ra sáng. Mà thật sự có muốn bon chen với đời cũng không được.

Bởi lẽ tất cả giỏi lắm chỉ vào mức trung bình. Cho nên cả đời chẳng- ra- làm- sao cả, chỉ lửng thửng, lơ thơ. Bằng hữu khuyến khích làm thơ. Ráng làm mà cũng chẳng bằng ai. Cũng đành thôi:

Gia tài nắn mấy vần thơ,

Ngẩn ngơ, ngơ ngẩn bây giờ chưa xong!

Lạnh lùng gió bắc, mưa đông,

Câu thơ dang dở… vẫn không ra gì!

*

* *

Chưa chắc là mèo khen mèo, ta phải công bằng nhận rằng CLB Thơ Văn Xương Các kinh qua một quá trình hình thành và phát triển trên 20 năm tuy chậm nhưng vững chắc.

Ta có một số lão thành có thể ngồi ngang hàng với bất kỳ nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp nào! Ta vẫn còn vướng vít chút ít tư tưởng bụt chùa nhà. Vậy thôi. Chớ thật ra mèo hay miêu thì có khác nhau gì đâu!

Về lề lối sinh hoạt, bắt buộc ta phải cải tiến sao cho sinh động, mới mẻ và hấp dẫn hơn. Phải có chủ điểm hàng tháng nhằm dìu dắt, bồi dưỡng nhau. Phải coi trọng ca nhạc ngâm hơn đứng- lên- đọc- rồi- ngồi- xuống “tám” linh tinh! Đừng quên tuổi trẻ đã rời CLB gần hết vì buồn tẻ, chán ngắt, già nua.