Một dự án luật khó!

Cập nhật, 05:33, Thứ Sáu, 31/08/2018 (GMT+7)

Hôm qua, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tiến hành phiên họp mở rộng cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Theo dự thảo Tờ trình dự án luật nói trên: Rượu bia là thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển con người bền vững bởi những ảnh hưởng tiêu cực đến cả 3 khía cạnh: xã hội, môi trường và kinh tế.

Với những tác động đến sức khỏe cộng đồng, xã hội và tài chính, rượu bia thực sự là trở ngại lớn đối với 13/17 mục tiêu và 52/169 chỉ tiêu phát triển bền vững.

Thực trạng sử dụng rượu, bia ở nước ta đang ở mức báo động. Đơn cử, mức tiêu thụ bình quân đầu người (trên 15 tuổi) hàng năm theo số liệu năm 2014 của Tổng cục Thống kê là 4,4 lít nhưng năm 2016, ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, con số này đã lên tới 8,3 lít, ở vị trí 64/194 nước trong khi mức tiêu thụ trên toàn cầu không tăng đáng kể.

Việt Nam cũng thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao và tỷ lệ này ở cả 2 giới đang gia tăng.

Xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia cũng được đánh giá là vấn đề nghiêm trọng do các hệ lụy về sức khỏe và xã hội.

Điều đáng lo ngại hơn nữa là tỷ lệ nam giới uống rượu, bia ở mức nguy hại đã tăng nhanh chóng: năm 2010 là 25,1% thì đến năm 2015 đã tăng gần gấp đôi.

Tình trạng này phổ biến hơn ở các hộ gia đình dân tộc thiểu số, miền núi và nông thôn. Cùng với đó là tỷ lệ uống rượu được sản xuất thủ công không đăng ký kinh doanh, rượu không rõ nguồn gốc trong tỷ trọng tiêu thụ rượu, bia ở nước ta đang chiếm tới khoảng 74,3%.

Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được bàn thảo từ nhiều năm trước và có nhiều đề xuất cụ thể như “cấm bán rượu bia sau 22 giờ”… nhưng cuối cùng dự luật nằm trên giấy.

Như Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh “đây là dự án luật khó” vì “đụng chạm đến nhiều người” nên đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh các quy định cụ thể của dự luật, bảo đảm tính khả thi.

HOÀNG HÀ