Giải cứu cây mía!

Cập nhật, 05:20, Thứ Năm, 30/08/2018 (GMT+7)

Chưa bao giờ những nông dân trồng mía ở các tỉnh ĐBSCL ngán ngẩm cây mía như hiện nay, bởi giá mía xuống thấp và khó tiêu thụ.

Những ngày qua, đã có không ít ruộng mía ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Long An... khô héo trên đồng nhưng nông dân chưa bán được vì thương lái hạn chế thu mua. Dân trồng mía đang trải qua một vụ mùa kém vui...

Do bị lỗ nặng nên nông dân trồng mía ở Trà Vinh phần lớn không còn vốn tái đầu tư, mà phải lưu gốc dù đã bước sang vụ thứ ba, thứ tư.

Tình trạng này đã xảy ra từ nhiều năm nay, trong khi giá phân bón, công chăm sóc, công thu hoạch cứ tăng lên hàng năm.

Do vậy, nhiều nông dân trồng mía trên địa bàn chọn giải pháp bỏ cây mía để chuyển sang sản xuất cây, con giống khác.

Nghịch lý là trong khi hàng ngàn hộ trồng mía ở tỉnh Trà Vinh không còn vốn đầu tư trồng mới, chuyển sang sản xuất cây con giống khác thì nhà máy mía đường đóng trên địa bàn tỉnh lại đầu tư nâng công suất.

Theo nhận xét của các nhà nông học, ĐH Cần Thơ: ĐBSCL có điều kiện đất đai, thời tiết và nguồn nước tương đối thuận lợi cho sản xuất mía.

Nông dân có kinh nghiệm trồng mía lâu đời. Năng suất mía vùng này cao hơn bình quân cả nước khoảng 20 tấn/ha (bình quân của cả nước là 65 tấn/ha).

Cây mía là loại cây dễ trồng, phù hợp đất phèn, mặn và có thể phát triển được trong điều kiện khắc nghiệt như biến đổi khí hậu (hạn hán, xâm nhập mặn)…

Trong nhiều năm qua, trên 90% diện tích mía được các nhà máy đường bao tiêu. Cây mía trong vùng vẫn có lợi thế cạnh tranh so với một số cây trồng khác, nên sự thay đổi toàn diện cho ngành mía đường ĐBSCL lúc này là vô cùng cấp thiết.

Theo các doanh nghiệp mía đường, áp lực đường tồn kho đang đè nặng lên các nhà máy, trong khi giá bán quá thấp nên nhà máy không thể nâng giá mía cao hơn được. Đây là cái khó chung của ngành mía đường. Để “giải cứu cây mía”, rất cần sự chia sẻ từ nhiều phía.

HOÀNG HÀ