Xây dựng chính quyền điện tử hiện đại

Cập nhật, 16:43, Thứ Tư, 22/05/2019 (GMT+7)

Thực hiện chủ trương của UBND TP Vĩnh Long về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử, đến nay TP Vĩnh Long đã triển khai ở tất cả các xã- phường.

Việc xây dựng chính quyền điện tử giúp các địa phương đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng chất lượng, hiệu quả nhằm phục vụ tốt cho người dân.

Xây dựng chính quyền điện tử để phục vụ người dân tốt hơn, tạo môi trường thân thiện, gần dân.
Xây dựng chính quyền điện tử để phục vụ người dân tốt hơn, tạo môi trường thân thiện, gần dân.

Đồng loạt triển khai chính quyền điện tử

Trong năm 2018, xây dựng mô hình chính quyền điện tử được triển khai ở Phường 1 và xã Trường An. Đây là mô hình mẫu để các địa phương còn lại trên địa bàn học tập và nhân rộng. Trong năm 2019, được sự hỗ trợ của Sở Thông tin- Truyền thông và UBND thành phố, mô hình chính quyền điện tử được triển khai ở tất cả các phường- xã còn lại.

Theo đánh giá, việc xây dựng chính quyền điện tử đã góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền, từng bước hiện đại hóa nền hành chính công, đảm bảo công khai, minh bạch trong giải quyết hồ sơ của công dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Theo ông Lê Văn Bình- Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin, hiện TP Vĩnh Long đã triển khai chính quyền điện tử tại 11 phường- xã. Theo đó, đã trang bị cho các phường- xã văn phòng “một cửa” hiện đại, giúp tiếp nhận và trả hồ sơ cho công dân thuận lợi. Đặc biệt, tại mỗi địa phương còn được trang bị thiết bị để người dân đánh giá mức độ hài lòng đối với cán bộ xử lý công việc hành chính.

“Việc triển khai gặp điều kiện thuận lợi là được sự quan tâm của Sở Thông tin- Truyền thông, UBND thành phố và sự chủ động ở các phường- xã.

Đồng thời cán bộ, công chức làm việc tại các văn phòng “một cửa” đều đáp ứng chuyên môn, công nghệ thông tin. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi về thời gian giải quyết công việc, người dân tốn ít thời gian hơn trong thực hiện các thủ tục hành chính…”- ông Lê Văn Bình cho biết.

Từ năm 2018, UBND Phường 2 đã được UBND TP Vĩnh Long đầu tư xây dựng mới bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, với hệ thống “Một cửa điện tử hiện đại” đầy đủ các trang bị cần thiết như máy vi tính, máy in, máy chủ đồng bộ kết nối mạng, máy scan, bàn làm việc, máy tính bảng,…

Đến nay, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Phường 2 đã thể hiện được hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ mang tính chuyên nghiệp của cán bộ công chức, viên chức, đáp ứng nhu cầu giao dịch hành chính của các tổ chức và công dân.

Đầu năm 2019, Phường 2 cũng đã vận hành thử nghiệm phần mềm một cửa điện tử. Qua thời gian vận hành thử nghiệm, quy trình giải quyết hồ sơ tại đây đều được thực hiện trên máy tính đảm bảo thuận tiện, nhanh gọn, rút ngắn được thời gian chờ đợi của người dân.

Qua đánh giá, việc thực hiện đã tạo điều kiện cho cán bộ, công chức giải quyết tốt công việc cho nhân dân. Ngoài ra, lãnh đạo đơn vị có thể xem kết quả giải quyết công việc của từng chuyên viên giải quyết hồ sơ, từ đó góp phần đánh giá mức độ hoàn thành công việc của từng công chức.

Phục vụ thân thiện, gần dân

Hiện các địa phương đã đưa vào hoạt động bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo mô hình một cửa liên thông hiện đại. Thông qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp khi đến giải quyết các thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo phương châm “Xây dựng chính quyền phục vụ, thân thiện và gần dân hơn”.

Đến liên hệ thủ tục hành chính tại UBND Phường 1, cô Nguyễn Thị Ba cho biết, từ khi phường triển khai văn phòng “một cửa liên thông”, các thủ tục hành chính được giải quyết thuận lợi hơn, người dân cũng đỡ tốn kinh phí, thời gian đi lại. “Ngoài ra, thái độ phục vụ của công chức cũng được thay đổi gần dân hơn, phục vụ tốt hơn. Từ đó tạo cảm giác thoải mái khi công dân đến giải quyết các thủ tục hành chính”- cô Ba cho biết.

Còn chị Nguyễn Mỹ An (Phường 4) chia sẻ, ấn tượng đầu tiên là văn phòng giải quyết thủ tục hành chính hiện đại, có máy tính tra cứu thông tin dành cho người dân. Có máy để đánh giá mức độ hài lòng đối với cán bộ, viên chức. Từ đó tạo ra môi trường làm việc nhà nước hiện đại và thân thiện.

Ông Lê Văn Bình đánh giá, xây dựng chính quyền điện tử giúp cho sự tương tác của cán bộ, công chức với tổ chức, doanh nghiệp, người dân được dễ dàng và thuận lợi. Các hiệu quả bước đầu cho thấy đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho người dân. Thời gian tới, TP Vĩnh Long sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ nhằm góp phần xây dựng chính quyền phục vụ, tạo môi trường thân thiện và gần với người dân hơn.

Bài, ảnh: NGUYỄN DUY