Vị thế nhà giáo phải được nâng lên phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập

Cập nhật, 18:38, Thứ Ba, 21/05/2019 (GMT+7)

Trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh- Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã có những ý kiến đóng góp tâm huyết.

“Những nội dung điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) thể hiện sự quan tâm đặc biệt và kỳ vọng của xã hội đối với giáo dục, đây chính là động lực để ngành tiếp tục phấn đấu.

Đóng góp về chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tại Điều 32 dự thảo luật quy định về chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa.

Đây là một chủ trương đúng vì trong bối cảnh hội nhập, tiếp cận với xu thế của các nền giáo dục hiện đại thì việc có nhiều sách giáo khoa là cần thiết để đa dạng hóa thông tin, giúp giáo viên và học sinh có nhiều lựa chọn, phù hợp với việc tiếp cận tri thức từ nhiều con đường để đi đến chân lý; phù hợp với bản chất và quy luật phát triển đa dạng của hiện thực đời sống.

Có nhiều bộ sách giáo khoa sẽ tạo được sự cạnh tranh lành mạnh; huy động được trí tuệ của nhiều tầng lớp trong xã hội, phát huy năng lực, sở trường và trí tuệ của các nhà giáo giỏi, tạo động lực tích cực nâng cao chất lượng sách giáo khoa, phù hợp với quá trình thực hiện công nghệ 4.0 của Chính phủ.

Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa cũng đặt ra những vấn đề đáng quan tâm như năng lực đội ngũ cán bộ quản lý trong quản trị, xử lý các tình huống liên quan đến kiến thức, kỹ năng; năng lực giáo viên trong việc làm chủ kiến thức; phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh, cách ra đề thi... những vấn đề nêu cần được chuẩn bị tốt để việc triển khai đồng bộ và tránh lãng phí sách, lãng phí trí tuệ.

Do đó, để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông theo hướng một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa tôi đề nghị bộ đặc biệt quan tâm đến việc ban hành các chương trình bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý để nâng cao năng lực, phương pháp tiếp cận và làm chủ tri thức; kỹ năng xử lý tình huống trong bối cảnh tri thức phong phú, đa dạng.

Tôi cũng thống nhất cao với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quy định trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc thẩm định tài liệu giáo dục của địa phương theo quy định tại Khoản 3, Điều 32.

Đối với nhà giáo, dự thảo đã xác định vị trí, vai trò, tiêu chuẩn nhà giáo; đào tạo bồi dưỡng và chính sách đối với nhà giáo. Đây là động lực để nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp, thể hiện quan điểm nhất quán và cốt lõi của chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Dự thảo cũng đã xác định rõ về nhà giáo; những nhà giáo được gọi là giáo viên; những nhà giáo được gọi là giảng viên trong Điều 66.

Tại Khoản 2, 3, 4 Điều 74 quy định việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở giáo dục có đề cập đến đối tượng người học là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tuy nhiên dự thảo luật chưa có nội dung quy định cán bộ quản lý giáo dục.

Cán bộ quản lý giáo dục không phải là nhà giáo như quy định tại Điều 66 cũng không phải là hiệu trưởng như trong quy định tại Điều 56.

Do đó, tôi đề nghị nghiên cứu, xác định cụ thể những người được gọi là cán bộ quản lý giáo dục và bổ sung vào Điều 66, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng các chính sách liên quan đến cán bộ quản lý giáo dục. Trên cơ sở đó để cán bộ quản lý thể hiện đúng vai trò mang tính quyết định trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và đổi mới giáo dục.

Về chính sách đối với nhà giáo, tôi tán thành các nội dung quy định chính sách đối với nhà giáo là dự kiến đến năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ được nâng lên theo lộ trình, riêng giáo viên mầm non do đặc thù về nghề nghiệp xuất phát từ bản chất học của trẻ là “học qua chơi”, đòi hỏi quá trình giảng dạy của các cô giáo mầm non gắn với vận động, phải có sức khỏe và sự linh hoạt.

Vì vậy, tôi đề nghị xem xét đưa vào Điều 76 dự thảo luật quy định về việc được nghỉ hưu sớm khi nâng tuổi nghỉ hưu, theo đó nếu nghỉ hưu trước tuổi thì ngoài chế độ BHXH cần có chế độ hưởng trợ cấp một lần theo quy định của Chính phủ để các cô giáo mầm non có nhu cầu sẽ được nghỉ ngơi sớm hơn quy định.

Song song đó, tôi cũng đề nghị bổ sung quy định về chế độ phụ cấp lương gắn với trình độ đào tạo hoặc văn bằng của nhà giáo.

Theo tôi, nên xếp lương giáo viên mầm non vào nhóm lao động khó khăn nặng nhọc để được hưởng chế độ nghỉ hưu sớm 5 năm nhưng chế độ BHXH vẫn giống như người lao động đúng độ tuổi nghỉ hưu khác để động viên một ngành học với yêu cầu về sự năng động và tính nhân văn cao.

Mặt khác cũng để động viên khuyến khích thế hệ trẻ quan tâm la chn ngành mm non, một ngành học gắn liền với nhiệm vụ đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau như Di chúc Bác Hồ đã để lại.

Điều 66, 77 dự thảo luật đã bổ sung “Nhà giáo có vai trò quyết định bảo đảm chất lượng giáo dục, có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh; nhà nước có chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình” và tôi thống nhất cao với nội dung này.

Nhà giáo được quan tâm, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để thể hiện vai trò và đảm bảo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ của mình chính là động lực để nhà giáo yên cống hiến, vị thế nhà giáo phải được nâng lên phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập”.

TÂM HUỲNH (ghi)