Đóng góp dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam

Đề nghị bị can có thêm một số quyền

Cập nhật, 14:09, Thứ Tư, 30/09/2015 (GMT+7)

Ngày 25/9/2015, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tổ chức lấy ý kiến dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và dự án Luật Thi hành tạm giữ,tạm giam.

Đối với dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), đại biểu đề nghị người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc nhận mình có tội (Điều 57, 58, 59, 60). Về quyền của bị can đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án (Điều 59), đại biểu đề nghị bị can có quyền được đọc, ghi chép toàn bộ tài liệu trong hồ sơ vụ án hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội để đảm bảo tốt hơn quyền tự bào chữa của bị can. Về bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can (Điều 179), đại biểu đồng tình với quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can và đề nghị quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, về bảo quản, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử để tránh tình trạng bức cung.

Về dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, đại biểu đề nghị cần quy định rõ quyền lợi giữa người bị tạm giữ và người bị tạm giam. Đối với quy định về phân loại quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam, đại biểu đề nghị trong trường hợp đặc biệt không thể đáp ứng yêu cầu giam giữ riêng thì trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại giam phối hợp với các ngành liên quan quyết định việc giam chung người trong cùng một vụ án; giam chung người chưa thành niên với không quá 2 người đã thành niên; giam chung người bị tạm giữ với người bị
tạm giam.

THANH TÂM