Hồ Chí Minh- Khát vọng đi tìm con đường cứu nước

Cập nhật, 09:51, Thứ Ba, 08/06/2021 (GMT+7)

Nay ai vào căn nhà số 3-5 đường Châu Văn Liêm (Quận 5- TP Hồ Chí Minh) đều thấy lịch sử căn nhà vẫn ghi rõ: Sáng 4/6/1911, Người tạm biệt ngôi nhà đến làm chân phụ thợ bếp trên tàu Đô đốc Latousestơrevila để ra đi tìm hình của nước.

Ta hãy nghe lại bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên: “Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi/ Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác/ Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất/ Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre”.

Thế hệ trẻ kính viếng nơi Người đã ra đi 110 năm trước.
Thế hệ trẻ kính viếng nơi Người đã ra đi 110 năm trước.

Bước chân bốn biển năm châu của Người

Vào sáng 5/6/1911, chuyến đi của thầy giáo Nguyễn Tất Thành, bôn ba bốn biển năm châu để tìm con đường chân lý đúng đắn nhất cho toàn dân tộc thoát khỏi cảnh nô lệ.

“Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ/ Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương/ Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở/ Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương”. Người chấp nhận làm lao công trên tàu, đi quét tuyết, làm báo, tham gia nhiều hoạt động phong trào công nhân ở Mỹ, Anh, Pháp, nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ…, để tìm và đến với Luận cương về dân tộc và giải phóng dân tộc của Lênin.

Như nhà thơ Chế Lan Viên, nói rõ: “Hiểu sao hết “Người đi tìm hình của nước”/ Không phải hình một bài thơ đá tạc nên người/ Một góc quê hương nửa đời quen thuộc/ Hay một đấng vô hình sương khói xa xôi”. Sự kiện bước ngoặt trọng đại là ngày 3/2/1930 trên đất Hương Cảng, Người cùng đại diện Đảng Cộng sản 3 miền sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam.

Và sau chặng đường dài 30 năm Người chịu bao nỗi truân chuyên, kể cả nhiều nhục hình khi thực dân Anh câu kết với Pháp đưa Người ra tòa án Hương Cảng 9 phiên (từ tháng 6 đến 9/1931), rồi sau đó ngồi tù khi Tưởng Giới Thạch kết tội Người, cho Trương Phát Khuê- Tư lệnh Quốc dân Đảng bắt giữ ngày 27/8/1942 và được trả tự do ngày 10/9/1943… Tất cả đó càng hun đúc trái tim Người đi tìm đường đúng đắn cho dân tộc.

Khi Người đến với Luận cương về vấn đề dân tộc và giải phóng dân tộc của V.I Lênin, ngày 5/3/1930, Người viết tài liệu bằng tiếng Anh: “Phong trào Cách mạng Việt Nam”, trình bày những phong trào yêu nước của Việt Nam, từ khi thực dân Pháp vào xâm lược, cho đến khi thành lập Đảng (3/2/1930). Cuối tài liệu này, Người khẳng định: “Chúng ta có thể tin tưởng chắc chắn rằng, với kinh nghiệm và lòng hy sinh, với quần chúng ở bên cạnh, những người Cộng sản nhất định sẽ chiến thắng”.

Từ tài ngoại giao của Người, đầu tháng 6/1940, Người với bí danh Hồ Quang, giới thiệu Phạm Văn Đồng (bí danh Lâm Bá Kiệt) và Võ Nguyên Giáp (bí danh Dương Hoài Nam) đi học Trường Quân chính Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước khi 2 người đi, Người nhắc “lên đấy cố gắng học thêm quân sự”. Người tự đánh máy giấy giới thiệu, ký tên Hồ Quang, giới thiệu 2 đồng chí đến Quý Dương, từ đó đến Diên An.

Người chuẩn bị từng bước rất kỹ, kể cả đào tạo cán bộ lãnh đạo cho Đảng, chỉ đạo cách mạng về sau. Cuối tháng 10/1940, Người rời tỉnh Côn Minh về Quế Lâm (Quảng Tây- Trung Quốc), sau đó Người gặp và nghe ông Hoàng Văn Thụ trong nước đến báo cáo tình hình và những công việc đang thực hiện cùng với đề nghị Người chọn đường về Cao Bằng. Đề nghị này trùng nhận định của Người: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta.

Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”...

Ngay sau đó, Người cùng các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp di chuyển xuống Nậm Quang, sát biên giới Việt- Trung.

Tại Nậm Quang, tranh thủ quỹ thời gian quý báu, Người đã mở lớp huấn luyện tại chỗ cho những thanh niên từ tỉnh Cao Bằng sang, đào tạo họ thành những cán bộ cốt cán để trở về tỉnh Cao Bằng công tác, xây dựng thí điểm các đoàn thể trong nước và lập căn cứ địa cách mạng. Sự kiện này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi qua hồi ký “Đầu nguồn”: “Bác và anh Phùng Chí Kiên về một làng cách Tĩnh Tây năm chục cây số. Bác cho người đến gọi anh Đồng và tôi về để mở lớp huấn luyện…

Các anh Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng và tôi được Bác hướng dẫn làm chương trình huấn luyện. Bác phân công mỗi người làm từng mục: tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh”.

Một sáng đầu Xuân 1941, trưa mùng 2 Tết Tân Tỵ (tức 28/1/1941), Người về đến biên giới Việt- Trung, tại cột mốc 108. Từ ngày 8/2/1941, Người chọn hang Păk Bó (tiếng dân tộc Nùng là “đầu nguồn”)- một hang núi kín ăn thông con đường kín dẫn bên kia biên giới rút an toàn nếu bị lộ thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng- Cao Bằng.

Về phút giây thiêng liêng khi đặt bước chân đầu tiên về nước sau 30 năm, Người kể lại: “Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động”.

Thành lập Mặt trận Việt Minh và tư tưởng Đại đoàn kết dân tộc cao cả

Khi Người về trực tiếp lãnh đạo đấu tranh giành độc lập, Người chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh (gọi tắt Việt Minh)- ngọn cờ tập hợp lực lượng rộng rãi. Tại Pắk Bó- Cao Bằng, Người chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 từ ngày 10- 19/5/1941.

Hội nghị xác định: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp, phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Hội nghị Trung ương 8 đưa ra nhận định hết sức quan trọng, đúng đắn về mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp.

Tại hội nghị này, Trung ương Đảng bầu ông Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng. Sau hội nghị, Trung ương nhanh chóng triển khai việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, xây dựng Việt Minh, phát động phong trào cách mạng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Tiếp đó, ngày 6/6/1941, Người viết thư kính cáo đồng bào cả nước. Người nêu tình cảnh khổ nhục của nhân dân dưới ách thống trị thực dân Pháp và phát xít Nhật; Người ca ngợi những tấm gương oanh liệt trong đấu tranh giành quyền độc lập, tự do. Tuy nhiên, việc lớn chưa thành vì “cơ hội chưa chín”. Người nêu rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”...

Người chỉ rõ hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: “Toàn dân đoàn kết... việc cứu quốc là việc chung; ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm”. Cuối thư, Người kêu gọi: “Hỡi các chiến sĩ cách mệnh! Cờ giải phóng đã đến. Hãy phất cao cờ độc lập lãnh đạo toàn dân đánh tan kẻ thù chung!”.

Trường Dục Thanh- nơi Người đã dạy học trước khi vào Sài Gòn.
Trường Dục Thanh- nơi Người đã dạy học trước khi vào Sài Gòn.

Hội nghị Trung ương lần thứ 8 có ý nghĩa quyết định về các nhiệm vụ trọng đại cho chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Về phương thức tiến hành, tư tưởng khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa đã thể hiện rõ trong nghị quyết, để giành thắng lợi từng vùng, miền ra cả nước.

Dưới ngọn cờ Việt Minh, công cuộc chuẩn bị mọi mặt để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền được gấp rút theo thời gian đã chín mùi. Lúc này, ở Cao Bằng, Việt Minh có hệ thống từ cấp xã đến cấp tỉnh trở thành một lực lượng đoàn kết mọi dân tộc, đảng phái, giai cấp cùng chung mục đích đánh đuổi kẻ thù. Từ chỉ đạo quyết liệt của Người, cuối năm 1942, khắp 9 châu ở Cao Bằng đã có Hội Cứu quốc. Ủy ban Việt Minh Cao Bằng và Ủy ban Việt Minh lâm thời Cao- Bắc- Lạng đã được thành lập.

Từ đó, đến chuẩn bị cho cách mạng Tháng 8/1945, tư tưởng Đại đoàn kết dân tộc càng phát triển vững mạnh hơn. Chiều 16/8/1945, Đại hội Đại biểu Quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập đã khai mạc tại đình Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang… Nghị quyết Đại hội nêu rõ: “Đại hội quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch và các ủy viên là: Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Đang. Thường trực Ủy ban là Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền. Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam được thành lập “là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta từ ngót một thế kỷ nay”.

Kỷ niệm 110 năm ngày thầy giáo Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, rồi sau 30 năm từ cội nguồn Pắk Bó, Đảng ta đã xây dựng nên Việt Minh vạch ra nhiều chiến thuật, chiến lược đúng đắn của Đảng, tiếp tục giành độc lập, tự do trong Cách mạng Tháng 8/1945, sau đó là 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và 21 năm chiến thắng đế quốc Mỹ to lớn nhất, để giành toàn thắng vào Xuân 1975.

Từ cội nguồn Pắk Bó, Người đã cùng toàn Đảng vạch ra con đường đúng đắn nhất cho dân tộc, đi tới độc lập, tự do, ấm no như hôm nay. “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

Bài, ảnh: PHẠM BÁ NHIỄU