Nhọc nhằn nghề "cõng rừng" lên non

Cập nhật, 19:24, Thứ Hai, 31/05/2021 (GMT+7)

Sau khi khai thác keo, nhiều chủ rừng lại quay sang thuê người trồng rừng mới. Đây cũng là cơ hội việc làm cho người dân miền núi khi nông nhàn với thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày.

Từ sáng tinh mơ ngày cuối tháng 5, trên triền núi ở xóm Đông Quang (xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An), gần 10 người lao động đang chăm chỉ trồng keo. Họ là những người dân địa phương được chủ vườn keo thuê trồng hơn 2 ha đất đồi.

"Công việc này tôi làm thường xuyên. Các chủ vườn keo khi có nhu cầu đều gọi cho tôi để tìm người trồng. Sau đó, tôi tự liên hệ các chị em khác trong xóm đi làm chung. Mỗi ngày chúng tôi cũng kiếm được 200.000 đồng để nuôi con ăn học và trang trải cuộc sống", bà Nguyễn Thị Vân chia sẻ.

Nói về công việc này, chị Thái Thị Thủy (42 tuổi, ở xã Nghĩa Long) bộc bạch: "Sau khi được liên hệ trồng keo, chúng tôi thường lập thành một nhóm 8-10 người. Đây là công việc rất vất vả, đặc biệt là những ngày nắng nóng, nhưng thu nhập thì không cao. Tuy nhiên ở quê, để kiếm công việc ổn định, có thu nhập cao rất khó".

Công việc giúp người nông dân có thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày.
Công việc giúp người nông dân có thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày.

Cũng cùng cảnh đi trồng keo thuê như chị Thủy, mặc dù đã gần 60 tuổi nhưng ông Bùi Trọng Hoàn (xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa) năm nào cũng lập một nhóm 7 người cùng thôn để đi trồng keo thuê.

Chị Hoàng Thị Lan vừa lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt, vừa tâm sự: "Có những ngày 2, 3h chiều mới được ăn cơm trưa vì phải cố gắng làm cho xong để còn đi trồng nơi khác. Nhiều hôm, ăn cơm xong tìm bụi cây nào đó để tranh thủ chợp mắt ít phút giữa rừng".

Anh Trần Ngọc Hải (xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn) là chủ vườn keo, chia sẻ: "Gia đình tôi có 10 ha keo, sau khi thu hoạch xong lứa này thì lại thuê người trồng lứa mới. Việc thuê người trồng keo ở địa phương cũng khá dễ dàng vì nhân công nhiều, giá cả theo thỏa thuận".

Phụ nữ đảm nhận việc trồng cây.
Phụ nữ đảm nhận việc trồng cây.

"Thường thì tôi thuê 200.000 đồng/người/ngày, công việc vất vả nên ngoài tiền công, tôi thường hỗ trợ nước uống, các thứ ăn vặt… cho người lao động", anh Hải cho biết thêm.

Theo ông Ngô Sỹ Cường - Chủ tịch xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn - nghề trồng keo thuê tại địa phương rất phổ biến, trung bình mỗi năm có đến hàng trăm người chuyên làm công việc này.

"Do đặc thù địa phương có diện tích đất rừng lớn, người dân chủ yếu gắn bó với sản xuất nông - lâm nghiệp, nhu cầu lao động trồng, chăm sóc rừng rất lớn. Trồng rừng là một trong những nghề giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều người dân địa phương", ông Cường cho biết thêm.

Một số hình ảnh về công việc của người lao động trồng keo:

Nghề trồng keo thuê được xem là một trong những công việc
Nghề trồng keo thuê được xem là một trong những công việc "kiếm cơm" của nhiều lao động miền núi (Nghệ An).

 

Đàn ông dùng cuốc để đào hố.
Đàn ông dùng cuốc để đào hố.

 

Công việc vất vả nhưng thu nhập lại không cao.
Công việc vất vả nhưng thu nhập lại không cao.

 

Theo bà Nguyễn Thị Vân, đây là công việc khá vất vả đòi hỏi người làm phải chịu khó.
Theo bà Nguyễn Thị Vân, đây là công việc khá vất vả đòi hỏi người làm phải chịu khó.

Theo Dân Trí