Gia đình hòa chung tiếng hát- gắn kết yêu thương

Cập nhật, 04:31, Thứ Bảy, 17/08/2019 (GMT+7)

 

Các thành viên trong gia đình đều đam mê đờn ca tài tử, hát bộ.
Các thành viên trong gia đình đều đam mê đờn ca tài tử, hát bộ.

Buổi biểu diễn đến tối mịt, cha đờn, mẹ ngân nga câu vọng cổ vỗ về giấc ngủ của con sau cánh gà. Tiếng đờn, tiếng hát, ánh đèn lung linh trên sân khấu nuôi dưỡng giấc mơ con từng ngày, từng ngày một. Gia đình của anh Long Thạnh- chị Ngọc Như và 2 con nhỏ đều đam mê đờn ca tài tử, hát bộ.

Nghệ thuật trở thành sợi dây gắn kết, lan tỏa những giá trị văn hóa của gia đình họ, khẳng định hạnh phúc gia đình cũng là một tác phẩm nghệ thuật vô giá.

Gian nan yêu nghề ca hát

Căn nhà nhỏ ấm cúng bày biện nhiều loại nhạc cụ từ guitar, organ, đờn bầu, đờn tranh và mấy cái loa bự “tổ chảng”. Anh Lê Long Thạnh đang gảy đờn bầu, dạy cậu con trai Lê Dương Khoa Nam vừa tròn 13 tuổi cùng đệm guitar.

Mẹ Dương Ngọc Như loay hoay dưới bếp, còn cô con gái út Lê Dương Huệ Liên mới 5 tuổi, ngồi nghe cha và anh đờn thì nghêu ngao hát theo. Đó là cuộc sống thường nhật lặp đi lặp lại của một “gia đình nghệ thuật” ở xã Long Phước (Long Hồ).

Anh Lê Long Thạnh cười híp mắt kể lại câu chuyện “cua” được người vợ cũng nhờ duyên mê đờn, mê hát. Từng có hơn 10 năm làm giáo viên dạy Văn- Sử tại một trường THCS ở Hậu Giang nhưng anh Thạnh lại bỏ ngang để theo đuổi đam mê ca hát.

“Hồi nhỏ tôi ghiền theo chú đờn ca trên ghe chèo. Theo truyền thống của gia đình làm nghề giáo, đến một lúc, tôi cảm thấy phải theo đuổi điều mà mình yêu thích nhất. Năm 1996, bị gia đình cấm cản nhưng tôi trốn đi, xách theo bọc ny lông có đúng một bộ đồ với 100.000đ để đi học đờn ca tài tử”- anh Thạnh kể lại.

Anh Long Thạnh- chị Ngọc Như và các con trong hội thi “Gia đình nghệ thuật” tỉnh Vĩnh Long năm 2019.
Anh Long Thạnh- chị Ngọc Như và các con trong hội thi “Gia đình nghệ thuật” tỉnh Vĩnh Long năm 2019.

Còn chị Ngọc Như quê ở An Giang, tình yêu ca hát cũng nhen nhóm từ hồi chị nhỏ xíu khi “ngồi dưới bến nhà mình, ngóng bên sông hát, học hát theo”.

Cha chị Ngọc Như cũng mê hát nên từ 14- 15 tuổi, chị đã theo cha rong ruổi trên chiếc xe đạp cọc cạch hàng chục cây số để biểu diễn, mê đến nỗi “hai cha con hát tới 3 giờ sáng mới về nhà, bữa nào được hát thì về ngủ ngon dữ lắm”.

Anh Thạnh và chị Như nên duyên nhờ lần biểu diễn chung ở Cần Thơ. Khi con trai lớn Khoa Nam lên 3 tuổi, anh chị thường hát đờn ca tài tử ở cù lao An Bình nên quyết định chuyển về đất Vĩnh sống đến hôm nay.

Năm 2009, thời gian đầu họ lập nghiệp vô cùng khó khăn. Chị Ngọc Như kể: “Khoảng nửa năm đầu về Vĩnh Long, 1 tháng mới có 1 sô hát. Vợ chồng nghèo không có cái mùng ngủ, phải mượn của má nuôi.

Tiền nhà trọ cũng không đủ đóng cho người ta”. Kỷ niệm mà chị Như không thể nào quên là lần đầu tiên được tham gia sân thi lớn ở Giọng ca cải lương Giải Út Trà Ôn, “tôi giành được giải ba, mừng rơn nhận phần thưởng 10 triệu đồng.

Trước đó, anh bạn cho mượn đúng 10 triệu để mua đờn, vừa nhận thưởng xong là đem tiền trả anh để kịp đi… nuôi vợ đẻ. Nếu không có phần thưởng đó cũng hổng biết ăn nói với bạn làm sao”. Những người nghệ sĩ có cùng đam mê đã đùm bọc, chở che nhau cùng đi qua những ngày gian khó.

Đó là lý do mà cả anh Thạnh và chị Như đều tâm niệm: “Nếu không được sự giúp đỡ của mọi người thì không có ngày hôm nay. Nên sau này, sẵn lòng giúp đỡ đàn em, nuôi cơm, cho các em vay tiền để theo đuổi ca hát”.

Nuôi dưỡng giấc mơ giữ gìn nghệ thuật dân tộc

Nhắc về những người thầy, anh Long Thạnh trầm ngâm kể người thầy đầu tiên là chú ruột, người đã dẫn anh lên ghe hát.

Sau này khi anh đã là một người đờn hát vững vàng, chú cũng không ngại chỉ thẳng khuyết điểm của anh mà nếu không đủ thân tình, không đủ yêu thương thì người khác sẽ không dám nói. Anh còn một người thầy đáng quý ở đoàn hát Tây Đô.

Thời ấy nếu đi làm thuê cả ngày chỉ nhận được 30.000đ tiền công thì anh Thạnh phải bỏ ra 100.000đ/giờ để học đờn hát với thầy. “Làm ra bao nhiêu tiền, tôi dùng hết cho việc học. Đã từng nghĩ đó là số tiền khổng lồ khi ngày phải học 2- 3 tiếng.

Nhưng qua nửa đời người mới thấy, có những điều học được từ thầy, dù có tiền cũng không mua được”. Trong cuộc đời mỗi người sẽ gặp được rất nhiều người thầy. Đáng quý thay, anh chị vừa là cha mẹ vừa là thầy dạy các con mình.

Đờn ca tài tử từng rất được yêu thích. Khoảng năm 2011- 2012, anh Thạnh và chị Như đi 3- 4 sô một ngày. Thậm chí “10 giờ đêm mà điện thoại reng reng là vợ chồng bật dậy đi hát đến gần sáng mới về”.

Khoa Nam và sau này có thêm Huệ Liên quen theo cha mẹ ngủ trong cánh gà, quen ánh đèn sân khấu và không biết từ bao giờ, nhịp, phách, cách luyến láy ngân nga “có sẵn trong người” các em. “Tôi vừa học thuộc đoạn vọng cổ ngắn thì bé Liên ngồi kế bên học lén cũng thuộc theo luôn”- chị Như cười, chia sẻ.

Bé Huệ Liên thường theo cha mẹ đến các buổi biểu diễn nên rất dạn dĩ, thích ca hát.
Bé Huệ Liên thường theo cha mẹ đến các buổi biểu diễn nên rất dạn dĩ, thích ca hát.

Từng đi qua những khó khăn nên anh Thạnh và chị Như hiểu rằng nghề ca hát này khắc nghiệt đến thế nào. Nếu một ngày ngừng tập luyện và trau dồi thì mãi mãi chỉ đứng ở một vị trí. Cho Khoa Nam học lớp nhạc lý từ nhỏ rồi anh Thạnh mới bắt đầu dạy các nhạc cụ. Anh quan niệm: “Học gì cũng cần xây dựng nền móng kiến thức vững vàng qua trường lớp”.

Với một người làm nghệ thuật, có lẽ không có gì hạnh phúc hơn khi thế hệ tiếp nối tình cảm, tư tưởng của bản thân mình lại là người thân yêu trong gia đình. Nhận được sự động viên, thấu hiểu và chia sẻ từ gia đình, những người nghệ sĩ được tiếp thêm sức mạnh để thăng hoa hơn trong nghệ thuật.

Chồng “trổ tài” chơi nhạc cụ, viết những sáng tác mới để giọng hát vợ tỏa sáng. Vợ chồng lại là hậu phương, có thể hy sinh tất cả để ước mơ đứng trên sân khấu của con thành hiện thực. Hạnh phúc gia đình cũng là một tác phẩm nghệ thuật vô giá nhất.

Anh Thạnh còn trăn trở về nghệ thuật mà cả nhà theo đuổi: “Thế hệ chúng tôi chỉ có thể gọi là bảo tồn, giữ gìn còn thế hệ của các con, các bạn trẻ sau này nữa mới gọi là phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử.

Nghệ thuật độc đáo của dân tộc cần được quan tâm hơn, có thể giới thiệu qua những giờ lên lớp của các em học sinh. Bởi biết rồi thì mới yêu và cần phát hiện những tài năng, rèn giũa để đờn ca tài tử không bị mai một”.

Gia đình của anh Long Thạnh- chị Ngọc Như vừa giành giải nhất hội thi “Gia đình nghệ thuật” tỉnh Vĩnh Long năm 2019. Các thành viên trong gia đình nhận nhiều giải thưởng ở hội diễn, phong trào văn nghệ ở ĐBSCL và địa phương. Năm 11 tuổi, Lê Dương Khoa Nam cùng các thành viên trẻ của đoàn Vĩnh Long đã giành giải ba hội thi Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc. Với thành tích này, em sẽ được tuyển thẳng nếu đăng ký vào học các trường văn hóa nghệ thuật trong tương lai.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY