Mua ghe cũ "hành nghề" trộm cát

Cập nhật, 11:59, Thứ Ba, 08/09/2020 (GMT+7)

TAND tỉnh vừa đưa 2 vụ án “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” ra xét xử sơ thẩm. 2 bị cáo trong các vụ án này từng bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính vì hành vi khai thác khoáng sản không được cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng sau đó vẫn tái phạm nên bị xử lý hình sự.

Gần 2 giờ sáng 20/12/2019, tổ công tác của Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) tuần tra hoạt động khai thác cát sông trên tuyến sông Cổ Chiên, khi đến thủy phận thuộc xã Quới Thiện (Vũng Liêm) thì phát hiện ghe gỗ mang số hiệu VL-5481H do Nguyễn Văn Tam (SN 1969, ngụ huyện Mang Thít) điều khiển đang hút trộm cát.

Đến 27/12, cũng tại đoạn sông trên, tổ công tác tiếp tục phát hiện ghe gỗ không số hiệu của Phạm Văn Lợi (SN 1988, ngụ huyện Mỏ Cày Bắc- Bến Tre) cũng thực hiện hành vi tương tự.

Làm việc với cơ quan chức năng, Tam và Lợi đều không cung cấp được bất kỳ giấy tờ nào có liên quan đến việc được cấp phép khai thác cát sông.

Trước đó, cả 2 người đã bị UBND huyện Vũng Liêm và Phòng Cảnh sát môi trường xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi khai thác khoáng sản không được cấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Lần này, họ lại tiếp tục tái phạm nên Phòng Cảnh sát môi trường đã chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật, phương tiện, công cụ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an tỉnh) để xử lý theo thẩm quyền.

Quá trình điều tra, Tam khai: Khoảng hơn 0 giờ ngày 20/12, Tam điều khiển ghe gỗ từ nhà ở xã An Phước (Mang Thít) đến khu vực thủy phận thuộc Rạch Sâu (xã Quới Thiện) hút trộm cát.

Đến nơi, Tam thả neo, tắt máy ghe và thả ống nhựa có đầu sắt xuống lòng sông để hút cát bơm lên ghe.

Gần 2 giờ sau, khi đã bơm lên ghe được hơn 12,5m3 cát thì bất ngờ bị lực lượng công an tuần tra bắt quả tang. Theo định giá, số cát này trị giá gần 800.000đ.

Riêng Lợi thì thừa nhận hành vi nhưng biện minh do hoàn cảnh khó khăn, cần tiền nuôi vợ con, mẹ già nên làm liều. Thấy nhiều người sắm ghe, đồ nghề trộm cát, Lợi cũng bắt chước làm theo. Để thực hiện hành vi phạm tội, Lợi thuê một người khác làm tài công điều khiển ghe.

Khi đến đoạn sông trên, Lợi vận hành máy, đưa đầu ống hút cát và bơm lên ghe. Đúng lúc này, lực lượng Phòng Cảnh sát môi trường tuần tra và phát hiện, lập biên bản xử lý, thu giữ 11,6m3 cát, trị giá hơn 738.000đ.

Ngoài ra, Lợi còn khai nhận, ngoài 2 lần bị cơ quan chức năng bắt quả tang, đã nhiều lần thực hiện hành vi trộm cát, thu lợi bất chính hơn 2 triệu đồng.

Tam và Lợi thừa nhận để thực hiện hành vi phạm tội đã mua ghe cũ của người khác, sau đó đầu tư đồ nghề để hút trộm cát.

Trong đó, ghe và dụng cụ khai thác cát của Lợi được mua lại của một người đàn ông ở Bến Tre với giá 70 triệu đồng, ghe của Tam cũng là hàng “đã qua sử dụng” chỉ có giá 40 triệu đồng.

Tại 2 phiên tòa, HĐXX đều nhận định hành vi của 2 bị cáo Tam và Lợi là nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến tài nguyên khoáng sản của Nhà nước, trong khi bản thân đã có tiền sự nên phải xử lý nghiêm.

Tương tự, 2 bị cáo cũng có một số tình tiết giảm nhẹ như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gia đình có công với cách mạng,… nên được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt. Vì vậy, HĐXX đã tuyên phạt mỗi bị cáo 9 tháng tù giam, cùng tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.

TRUNG HƯNG