Kiên quyết đấu tranh với "cát tặc"

Cập nhật, 05:55, Thứ Năm, 18/06/2020 (GMT+7)

Thời gian qua, do nhu cầu và đặc biệt là lợi nhuận quá lớn nên hoạt động khai thác cát sông trái phép trên địa bàn tỉnh và khu vực giáp ranh diễn biến phức tạp. 

Khai thác cát trái phép khiến nhiều nơi bị sạt lở. Trong ảnh: Hiện trạng sạt lở tại khu vực cồn Đồng Phú.
Khai thác cát trái phép khiến nhiều nơi bị sạt lở. Trong ảnh: Hiện trạng sạt lở tại khu vực cồn Đồng Phú.

Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan và công an các huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai đồng bộ các biện pháp tuần tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, góp phần giữ bình yên trên các tuyến sông.

Qua những lần bị sạt lở, ao nuôi cá của một công ty tư nhân đóng trên địa bàn xã Đồng Phú (Long Hồ) đang phải bỏ hoang.

Theo người dân tại đây, điểm đầu của cồn Đồng Phú trước kia cách vị trí hiện tại hàng trăm mét. Khoảng vài năm trở lại đây, do biến đổi dòng chảy của sông, cộng với tình trạng khai thác, hút cát trái phép, không phép quá mức đã gây ra sạt lở, làm hàng chục héc ta ao nuôi cá và vườn trái cây của người dân bị sạt lở, nhấn chìm xuống lòng sông.

Ông Trương Hùng Phi (xã Đồng Phú) chia sẻ: “Trước đây, mật độ khai thác cát rất nhiều, một ngày có lúc 5- 6 xáng cạp hoạt động từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối.

Thiệt hại là làm mất đi một phần diện tích đất ao nuôi cá của công ty. Tôi mong muốn sao cho tình trạng hút cát giảm hoặc không còn nữa để công ty yên tâm thả cá nuôi. Nếu tình trạng khai thác cát trái phép nhiều thì không dám thả nuôi tiếp.

Ông Phan Văn Lắm (xã Đồng Phú) cũng nói: “Năm 2018, 2019, cồn Đồng Phú dài khoảng chừng 2km. Mấy xà lan muốn đi qua cồn này phải đi vòng mất khoảng 15- 20 phút, nhưng bây giờ các phương tiện đều chạy xéo ngang được. Bây giờ đất trên cồn bị lún sụt dữ lắm rồi.

Nhà tui ở gần đây nên chứng kiến toàn bộ sự việc. Nhiều lúc nó sụt ầm ầm, giờ cái đầu của cồn đã bị đứt hoàn toàn”.

Việc phát hiện và truy bắt “cát tặc” rất khó khăn bởi các đối tượng này thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động, sử dụng các máy bơm công suất lớn, giảm tiếng ồn, vừa di chuyển vừa hút cát nhằm tránh sự phát hiện của người dân và cơ quan chức năng.

Thậm chí, khi bị lực lượng chức năng phát hiện, họ nhanh chóng tháo ống, vứt bỏ ống hút cát và bỏ trốn. Ngoài ra, các đối tượng này còn có một số thủ đoạn nhằm né tránh khi bị bắt, xử lý như chọn địa bàn hoạt động là những đoạn giáp ranh, liên tục thay đổi chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện, hút cát ít hơn mức quy định xử lý vài khối cát để tránh các khung phạt nặng và xử lý hình sự.

Mặc dù còn nhiều khó khăn về điều kiện, trang thiết bị, kinh phí, cũng như con người trong đấu tranh với nạn cát tặc nhưng với quyết tâm bảo vệ nguồn tài nguyên, lực lượng công an các cấp đã xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với các ngành có liên quan, triển khai đồng bộ các biện pháp kiên quyết phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả với tội phạm về môi trường và các hành vi vi phạm về môi trường nhất là tình trạng khai thác cát sông trái phép.

Đồng chí Thượng tá Lê Phước Tài- Trưởng Công an huyện Long Hồ- cho biết: Tình trạng khai thác cát trái phép, không phép trên địa bàn huyện thời gian qua được kiềm chế. Huyện Long Hồ có 4 xã cù lao, trong đó 2 xã An Bình và Đồng Phú bị sạt lở đất nhiều nhất.

Để đấu tranh với tình trạng khai thác cát trái phép, không phép, Công an huyện đã tham mưu cho UBND huyện thành lập tổ kiểm tra liên ngành. Tổ này thành lập được trên 3 năm và đã xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm. 5 tháng đầu năm 2020, Công an huyện đã xử lý 14 trường hợp, so với cùng kỳ giảm 20 trường hợp vi phạm.

Để thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới, lực lượng Công an huyện Long Hồ tiếp tục nắm tình hình, rà soát lên danh sách các chủ phương tiện có hành vi khai thác cát trái phép, không phép; duy trì Tổ kiểm tra liên ngành, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Để xử lý tận gốc tình trạng khai thác cát trái phép, ngoài việc phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm về hành chính, lực lượng công an các cấp còn tập trung củng cố hồ sơ xử lý nghiêm về hình sự nhiều trường hợp tái phạm.

Như trường hợp Phạm Văn Lợi (32 tuổi, ngụ huyện Mỏ Cày Bắc- Bến Tre) và Nguyễn Văn Tam (51 tuổi, ngụ xã An Phước- Mang Thít) vừa bị Phòng Cảnh sát kinh tế- Công an tỉnh tống đạt quyết định khởi tố bị can về hành vi “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.

Đây là 2 trường hợp bị xử lý hình sự do trước đó đã bị UBND huyện Vũng Liêm và Phòng Cảnh sát môi trường- Công an tỉnh xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trên nay tiếp tục tái phạm.

Ông Nguyễn Văn Tam- người vi phạm- nói: “Tôi nghĩ là vi phạm thì đóng phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng, không nghĩ là bị xử lý hình sự. Tôi giờ bị xử lý hình sự cảm thấy rất ăn năn, sau này có phương tiện hay không cũng không dám làm nghề này nữa”.

Bên cạnh việc xử lý nghiêm các phương tiện khai thác cát trái phép, lực lượng công an cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là những chủ phương tiện hành nghề hút cát không phép tự tháo gỡ máy, ống hút cát, tạo điều kiện chuyển đổi ngành nghề phù hợp để người dân ổn định cuộc sống đã tạo chuyển biến tích cực.

Hiện nhiều người dân tự chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, góp phần hạn chế vi phạm, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia, hạn chế tình trạng sạt lở trên địa bàn.

Ông Trần Hoàng Kiệt (xã An Phước- Mang Thít) nói: “Trước đây thì ghe của tôi chở đất làm gạch, nhưng nghề gạch bấp bênh quá nên tôi chuyển qua hút cát trộm. Sau này thấy hút cát gây sạt lở đất của bà con, thấy quá đáng. Giờ tôi chuyển qua nghề khác mặc dù tiền không nhiều như hút cát mà tôi ăn ngon ngủ yên hơn”.

Từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng công an đã đồng loạt ra quân, mở nhiều đợt cao điểm xử lý nghiêm hành vi vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên.

Kết quả đã bắt, xử lý trên 90 trường hợp vi phạm khai thác cát sông trái phép, không phép, với trên 100 đối tượng liên quan, xử phạt vi phạm hành chính với trên 500 triệu đồng đồng thời khởi tố 2 vụ (2 đối tượng).

Thượng tá Nguyễn Văn Sáu- Phó Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường- Công an tỉnh cho biết: Nghị định 36 của Chính phủ ra ngày 24/3/2020, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, có hiệu lực từ ngày 10/5/2020 có chế tài xử phạt, tính răn đe cao.

Cụ thể, số tiền phạt cao, hình phạt bổ sung tịch thu phương tiện; đối với chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện nếu vi phạm sẽ bị xử phạt vào khung khoản 1, 2 Điều 48, Nghị định 36. Nếu xác minh phát hiện đối tượng từng bị xử phạt vi phạm hành chính thì sẽ chuyển hồ sơ qua Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý hình sự.

Hành vi khai thác cát trái phép đã ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự và cuộc sống của người dân sinh sống dọc các tuyến sông.

Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả góp phần kiềm chế và kéo giảm tội phạm về môi trường và các hành vi vi phạm pháp về môi trường thì bên cạnh sự nỗ lực quyết tâm của lực lượng công an, thì rất cần sự chung tay phối hợp quyết liệt của các ngành, các cấp có liên quan, đặc biệt là công tác phối hợp của các cơ quan chức năng tại các địa bàn giáp ranh để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý triệt để, hạn chế thấp nhất vi phạm đảm bảo an ninh trật tự, vì cuộc sống bình yên của người dân.

Bài, ảnh: HOÀNG THÂN- QUỐC TRUNG (CAVL)