ĐBSCL: Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng

Cập nhật, 17:13, Thứ Tư, 09/05/2018 (GMT+7)

Trong điều kiện thời tiết ngày càng cực đoan sẽ gây ra nhiều bất lợi cho việc trồng lúa, nhất là ở những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn.

Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT khuyến cáo nông dân giảm diện tích lúa, nhất là vụ Hè thu và Thu đông để chuyển sang trồng những cây, con khác cho hiệu quả kinh tế cao...

Chuyển đổi trồng sen trên đất lúa ở Đồng Tháp cho hiệu quả cao.
Chuyển đổi trồng sen trên đất lúa ở Đồng Tháp cho hiệu quả cao.

Phát huy lợi thế

Những ngày này, mặc dù ở vùng ĐBSCL còn cao điểm của hạn hán và xâm nhập mặn, thế nhưng người dân các xã Tân Bình, Thành Lợi, Tân An Thạnh, Tân Hưng (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) vẫn hồ hởi trên cánh đồng màu.

Anh Trần Văn Tính, ngụ xã Tân Bình, huyện Bình Tân, tiết lộ: “Gia đình tôi vừa thu hoạch 3 công bắp cải được thương lái mua tại ruộng với giá từ 6.000-7.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lời nhiều hơn làm lúa mấy lần”. 

Cùng niềm vui trúng giá rau màu, chị Trần Thị Lệ, ngụ xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, tiết lộ: “Vụ này, tôi sản xuất chỉ có 2 công dưa leo nhưng thu hoạch được gần 3 tấn.

Giá bán 10.000 đồng/kg, tính ra lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng”. Theo Hợp tác xã Rau an toàn Thành Lợi, từ trước và sau tết 2018 đến nay nhiều loại rau màu giữ mức giá tương đối tốt, có lợi cho người trồng.

Vì vậy, dù năm nay lúa cũng có giá nhưng nếu so với trồng rau màu thì mức lợi nhuận của cây màu cao hơn cây lúa. Do đó, người dân xứ này luôn tận dụng lợi thế có nguồn nước ngọt dồi dào trong mùa khô để trồng màu, đem lại lợi nhuận cao.

Tại các xã ven sông Hậu thuộc huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) như xã Vĩnh Thới, Tân Hòa, Tân Thành, Định Hòa, Phong Hòa… nông dân cũng tranh thủ trồng rau màu giữa mùa khô hạn nhằm tăng thu nhập.

Ông Trần Văn Lê, ở xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, bộc bạch: “Nếu như trước đây cứ trồng quanh năm 3 vụ lúa thì mấy năm nay tôi chuyển sang trồng 1 vụ lúa - 2 vụ màu (Hè thu và Thu đông) như nấm rơm, đậu, huệ trắng… mang về nguồn thu gần cả trăm triệu đồng/ha/vụ, sống khỏe hơn trồng lúa”.

Theo UBND xã Tân Hòa, hàng năm cứ vào mùa khô là nông dân trong xã trồng khoảng 300-400ha rau màu các loại như mè, huệ, nấm rơm, dưa, ớt…

Đây là những loại cây cho hiệu quả kinh tế cao, hứa hẹn giúp bà con vươn lên khá giả. Lợi thế của vùng này là nằm cạnh sông Hậu, có nguồn nước ngọt quanh năm, đất đai tốt, cộng với hệ thống thủy lợi và giao thông nông thôn được đầu tư hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho cây màu phát triển.

Tiếp tục chuyển đổi đất lúa

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), trong thời gian qua Bộ NN&PTNT và các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt về chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, nhất là những nơi sản xuất kém hiệu quả, thiếu nguồn nước ngọt.

Cụ thể, trong vụ Đông xuân 2018 vừa qua đã chuyển đổi hơn 16.000ha đất lúa ở các tỉnh ĐBSCL sang trồng đậu, bắp, đậu phộng, rau màu, cam sành, bưởi, quýt đường…

Qua ghi nhận hiệu quả kinh tế của một số loại cây ăn trái khi được chuyển đổi từ đất lúa cho thấy rất khả quan.

Điển hình như cây cam sành cho lợi nhuận hơn 370 triệu đồng/ha/năm sau khi trừ chi phí; cây chôm chôm cho lợi nhuận 228 triệu đồng/ha/năm; bưởi đạt mức lời 660 triệu đồng/ha/năm; nhãn đạt 460 triệu đồng/ha/năm… tất cả đều vượt xa cây lúa.

Từ cơ sở đó nên năm 2018 này, Bộ NN&PTNT chủ trương khuyến khích nông dân ĐBSCL chuyển đổi khoảng 118.000ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác.

Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, vụ Đông xuân 2017-2018, nông dân các huyện Châu Thành A, Long Mỹ và thị xã Long Mỹ đã thực hiện chuyển đổi 196ha đất lúa sang trồng bắp, rau màu các loại và cây ăn trái, cho hiệu quả khá tốt.

Ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ nông dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu sản xuất hợp lý và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, nhìn nhận: “Vụ Hè thu năm 2018 này, tỉnh tiếp tục chuyển đổi khoảng 7.000ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, đậu tương, mè, ớt, cây ăn trái…

Để việc chuyển đổi hiệu quả, ngành nông nghiệp tích cực hỗ trợ nông dân các biện pháp kỹ thuật sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, khuyến cáo canh tác theo tiêu chuẩn GAP. Song song đó, đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi, điện… phục vụ bà con sản xuất thuận lợi”.

Còn theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm 2018 đến nay, nông dân các huyện đã chuyển đổi khoảng 500ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác.

Qua theo dõi cho thấy, thời gian qua có những mô hình chuyển đổi mang lại kết quả khả quan, như: Mô hình trồng mãng cầu gai theo tiêu chuẩn VietGAP với 43 hộ, diện tích 27ha của nông dân xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm,

liên kết với các doanh nghiệp thu mua tiêu thụ nội địa và chế biến trà mãng cầu, mứt, rượu; hay như mô hình sản xuất bưởi da xanh GAP của nông dân HTX Kế Thành (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) trên diện tích 12ha của 8 hộ, giúp bà con thu nhập khoảng 500 triệu đồng/ha/năm trở lên…

Cục Trồng trọt cho rằng, tới đây cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tăng chất lượng, giá trị và bền vững; các địa phương xác định cây con chủ lực, có lợi thế cạnh tranh để canh tác.

Đối với cây màu trồng trên đất lúa cần chú trọng hệ thống tưới, thoát nước để tránh bị ngập úng cục bộ hoặc khô hạn. Những nơi như Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang… cần tính toán áp dụng rải vụ cho cây ăn trái nhằm thu hoạch được giá cao, giúp nông dân lãi nhiều…

Theo HƯNG TÂN (Báo Hậu Giang)