Về thăm những xóm nghề

Cập nhật, 05:21, Thứ Tư, 09/05/2018 (GMT+7)

Từ câu hỏi của bạn bè phương xa, những kỳ nghỉ lễ dài ngày về Vĩnh Long đi đâu? Chúng tôi muốn bạn bè cùng độc giả “open tour” về thăm những xóm nghề, làng nghề gắn với đời sống văn hóa miệt vườn sông nước Vĩnh Long.

Những xóm nghề ngày nay đã có nhiều thay đổi để hòa nhịp thị trường, có xóm nghề nhộn nhịp ăn nên làm ra, có những xóm nghề mới hình thành, nhưng cũng có những xóm nghề mãi mãi trôi vào dĩ vãng…

Người dân xóm nghề bầu cải giữ nghề truyền thống cùng đô thị Bình Minh phát triển.
Người dân xóm nghề bầu cải giữ nghề truyền thống cùng đô thị Bình Minh phát triển.

Trở lại thị trấn xóm nghề

Chúng tôi trở lại TX Bình Minh- vốn được xem là “thị trấn xóm nghề Cái Vồn” trước kia, nằm bên dòng sông Hậu nhộn nhịp giao thương, hệ thống kinh rạch chằng chịt thuận đường thủy và “kế bên” đô thị Cần Thơ sầm uất đã hình thành những xóm nghề độc đáo.

Ông Nguyễn Vương Khanh- Trưởng Phòng Kinh tế TX Bình Minh- cho biết: Thị trấn Cái Vồn xưa là thị trấn xóm nghề vì có tới mấy chục xóm nghề: xóm tàu hủ ky, xóm cốm dẹp, xóm lu, xóm chao, xóm bánh mứt, xóm nấu bắp, xóm guốc, xóm bầu cải, xóm nhang,…

Trong đó, có xóm nghề cả trăm năm tuổi, nhưng cũng có nhiều xóm nghề chỉ còn “nghe kể hồi đó”.

Xóm nghề thị trấn Cái Vốn hồi đó cũng khác so với địa giới hành chính phường, khóm bây giờ. Nhiều người dân nhắc những xóm nghề của mình theo cách riêng.

Chẳng hạn, xóm nghề đan rổ, rá hồi đó nằm ở “vạt lộ cũ” giờ không còn, xóm làm lu xi măng bên kia sông Cái Vồn hiện chuyển sang lu nhựa, xóm guốc hình như nằm gần cầu Cái Vồn nhưng đã biến mất mấy chục năm nay rồi…

Những khu vực đó ngày nay đã có nhiều thay đổi trong quá trình đô thị hóa từ thị trấn Cái Vồn lên TX Bình Minh, mà theo quan sát của chúng tôi, sự phân chia rạch ròi từng “địa giới” xóm nghề cũng chỉ mang tính tương đối, bởi xóm có thể có nghề này “nằm chồng” lên nghề kia trong cùng một xóm.

Phòng Kinh tế TX Bình Minh xác định những xóm nghề hoạt động ổn định. Xóm chao, tàu hủ ky ăn nên làm ra ở Khóm 2, Khóm 3; xóm lò rèn “còn sống được” ở Khóm 5 (phường Cái Vồn);

xóm bầu cải khoảng 15 hộ khóm Đông Thuận (phường Đông Thành); xóm bánh, mứt ở xã Thuận An; còn xóm cốm dẹp (nói là xóm nhưng chỉ khoảng 5 hộ) làm theo mùa ở xã Phù Ly…

Trong những xóm nghề đó, còn có những nghề một thời vang bóng cùng “cư ngụ” như nghề làm nhang, mua- phơi lá gòn, nấu bắp… và trên nền xóm đó cũng đã có những ngành nghề mới hình thành.

Việc tìm hiểu những xóm nghề dù chỉ qua câu chuyện cũ hay đi thực tế xóm nghề chuyển động theo nhu cầu thị trường, là điều thú vị với những người muốn khám phá đời sống văn hóa một vùng đất.

Sắp về chiều, chúng tôi ghé qua xóm bắp ở Khóm 3 thuộc phường Thành Phước- một đơn vị hành chính mới được hình thành khi Bình Minh nâng cấp đô thị lên thị xã. Xóm bắp từng “sống” thời huy hoàng với những chuyến phà Cần Thơ.

Ai mà không biết “bắp Cái Vồn vừa ngọt vừa dẻo vừa ngon”, nhưng khi phà không còn thì xóm bắp có… hết thời?

Xóm bắp vẫn chiều đỏ lửa

Nhờ giữ cách nấu truyền thống, bắp Bình Minh vẫn chiếm trọn niềm tin của người dùng.
Nhờ giữ cách nấu truyền thống, bắp Bình Minh vẫn chiếm trọn niềm tin của người dùng.

Theo người dân xóm bắp, phà Cần Thơ ngừng hoạt động ảnh hưởng một, nhưng tin đồn “bắp nấu pin” khiến xóm bắp ảnh hưởng tới mười!

Đó cũng là một câu chuyện thời kinh tế thị trường mà những xóm nghề phải đối mặt, làm sao phải vừa “giữ lửa nghề”, tăng sức cạnh tranh, vừa đảm bảo vệ sinh thực phẩm, an toàn cho người tiêu dùng, bởi hầu hết những xóm nghề truyền thống của Bình Minh liên quan đến… cái bao tử.

Mà nói như một người dân nấu bắp lâu năm: “Hồi đó giờ ở đây mua bắp tươi và nấu qua đêm, chứ không hiểu nấu pin để làm gì, bắp nấu pin sao mà ăn được?”

Phó Chủ tịch UBND phường Thành Phước Trần Văn Tám cho biết, bắp Bình Minh nấu ngon có tiếng từ trước đến nay.

Xóm bắp vẫn còn 60-70 hộ theo nghề, ai đến Bình Minh cũng muốn “ăn trái bắp” và người dân cũng chịu khó đem bắp đi bán khắp các chợ trong tỉnh, đặc biệt “bên kia sông Hậu” các chợ ở TP Cần Thơ… ăn bắp ghiền. Nên có thể nói, xóm nấu bắp là “vệ tinh” cung cấp món ăn sáng dân dã cho người thành phố.

“Ăn nên làm ra cũng nhờ bắp”, chị Nguyễn Thị Thu Thủy ở Khóm 3 cho biết “tui giữ nghề nấu bắp truyền thống của gia đình chồng”.

Hàng ngày, xe tải của chị tỏa đi khắp các tỉnh ĐBSCL chở về khoảng 5 tấn bắp tươi- yêu cầu là bắp mới hái nên các ruộng bắp có thể phải “thu hoạch đêm”.

Nấu bắp ở đây theo công thức: bắp tươi đem về chặt bỏ vô nồi tôn, đổ nước cho ngập, trong quá trình nấu phải canh lửa, châm nước vài lần rồi để đó… rạng sáng vớt ra đem đi chợ bán.

Vì nấu theo công thức truyền thống như vậy, nên trái bắp tới tay người mua vẫn giữ màu xanh, vừa dẻo và giữ được vị ngọt tự nhiên.

Chị Thủy khẳng định: “Trái bắp ngon tự nhiên như vậy là vì: “Tui nấu bằng thùng tôn, thường phải thay thùng mới. Tụi tui chỉ nấu bắp tươi với nước, muối với đường phèn”.

Nấu bắp là nghề truyền thống, vì thế, chị Thủy và hàng chục hộ dân bảo “nhờ áp dụng công thức cha mẹ tui để lại, trước sao giờ vẫn vậy”.

Hơn nữa, người dân cũng ý thức được rằng đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng cũng là sống còn của xóm nghề.

Và với sự bảo đảm của Phó Chủ tịch UBND phường Trần Văn Tám: “Bắp Bình Minh ngon là do từ rẫy đem về nấu liền và nấu cả đêm, chỉ để muối và đường phèn.

Tui ở đây gần gũi nên tui biết”. Nên chúng tôi ăn rất ngấu nghiến, có người về tới TP Vĩnh Long đã… cạp sạch cả chục trái bắp luôn!

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- TUYẾT HIỀN