"Bắt mạch kê toa" cho khởi nghiệp thành công

Cập nhật, 21:26, Thứ Năm, 19/03/2020 (GMT+7)

Vài năm trở lại đây, phong trào khởi nghiệp tại Vĩnh Long hình thành và phát triển năng động bắt nguồn từ óc sáng tạo và niềm đam mê của những người trẻ. Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp còn gặp khá nhiều khó khăn. Nếu không có sự nỗ lực của mỗi cá nhân và sự chung tay giúp sức của các cấp, các ngành thì các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có thể “chết yểu”.

Đồng lòng vượt khó khăn, anh Sol và chị Lan đang ấp ủ ước mơ làm ra sản phẩm đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long.
Đồng lòng vượt khó khăn, anh Sol và chị Lan đang ấp ủ ước mơ làm ra sản phẩm đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long.

Bài học từ “n” lần thất bại

Không phải ngẫu nhiên sản phẩm đồ gỗ của Công ty TNHH Mỹ thuật Tây Long (ấp Phước Ngươn A, xã Phước Hậu- Long Hồ) là 1 trong 17 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Vĩnh Long năm 2018.

Đó là cả một quá trình mài mò, sáng tạo và nỗ lực không ngừng của vợ chồng anh Nguyễn Văn Sol- chuyên ngành kiến trúc, từng là giảng viên Trường ĐH Xây dựng Miền Tây và vợ anh- chị Trần Thị Tố Lan- họa sĩ. Khởi nghiệp từ chuyên môn và đam mê của mình nhưng anh chị cũng gặp phải không ít khó khăn.

Chị Trần Thị Tố Lan cho biết: “Doanh nghiệp nhỏ giống như một cơ thể yếu ra gió. Phải làm tất cả mọi thứ từ kế toán, marketing, thợ, văn phòng,… Muốn khởi nghiệp phải có rất nhiều yếu tố, không chỉ giỏi làm mà phải thật sự biết tính toán. Nhiều khi nửa đêm tôi thức dậy, bật khóc rồi sáng hôm sau lại tiếp tục làm việc”.

Anh Nguyễn Văn Sol nói thêm: “Khi ý tưởng thành hiện thực, thời gian đầu được yêu thích nhưng doanh nghiệp có tồn tại lâu dài được hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác. Nếu thiếu kinh nghiệm thì rất dễ “chết yểu”. Phải đối diện được với chuyện tiền nông, lường trước thất bại và hơn hết là được sự đồng lòng, ủng hộ của những người đồng hành mới có thể vượt qua khó khăn”.

Anh Nguyễn Thanh Việt và chị Tăng Thị Cẩm Hằng (Công ty TNHH 1TV Bánh Nhật Ngọc ở Long Hồ) đã tận dụng nguồn tài nguyên của quê hương Vĩnh Long làm nên các sản phẩm từ khoai lang.

Khi sản phẩm đã được khách hàng ưa chuộng thì anh lại gặp khó khăn vì: “Khách người ta đặt hàng không dám ký hợp đồng vì thiếu máy móc sản xuất, nói trắng ra là thiếu vốn”- Anh Việt lắc đầu nói thêm: “Doanh nghiệp nhỏ lẻ thì không đi xa được”. Khởi nghiệp với ý tưởng và quyết tâm cao độ với tinh thần chịu thương, chịu khó sau một năm anh Việt đã “không lo về đầu ra sản phẩm nữa”.

Theo anh Việt khó khăn của anh cũng là khó khăn chung của nhiều người trẻ muốn khởi nghiệp nhưng thiếu vốn sản xuất, anh Việt nói: “Tôi thì khởi đầu bằng số vốn âm nên càng khó khăn hơn”.

Với quyết tâm khởi nghiệp từ ngành nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, chị Lê Ngọc Hiền (xã Trường An- TP Vĩnh Long) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống trồng dưa lưới trong nhà màng theo công nghệ Israel. Vụ mùa vừa qua, vườn dưa lưới 1.000m2 của gia đình cho thu hoạch trên 3,2 tấn trái.

Chị Hiền bén duyên dưa lưới, muốn kết hợp dưa lưới với du lịch sinh thái.
Chị Hiền bén duyên dưa lưới, muốn kết hợp dưa lưới với du lịch sinh thái.

Theo chị Hiền, khởi nghiệp với các sản phẩm nông nghiệp sạch, điều khó nhất là đầu tư, hiểu rõ chi tiết từ nhà màng, giống, phân thuốc, hiểu rõ đặc tính của cây từ thân, rễ, lá, đến từng giai đoạn sinh trưởng.

“Bởi vì xuất phát từ chuyên ngành môi trường, không có kiến thức chuyên sâu về nông nghiệp, khi bắt đầu khởi nghiệp, gia đình tôi không ủng hộ lắm. Chỉ trồng vài vụ thì không gọi là có kinh nghiệm đâu bởi cây trồng phải phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, nguồn nước tưới, đặc biệt trong khi điều kiện khắc nghiệt của xâm nhập mặn như hiện nay”- chị Hiền cho biết.

Để tạo điểm nhấn cho nông trại của mình, chị Hiền còn mạnh dạn cho khách đến tham quan trải nghiệm từ giai đoạn dưa sinh trưởng đến khi thu hoạch trái. Chị cho biết thêm, sẽ đầu tư thêm một số nông trại nữa và cũng mong muốn hợp tác với các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp để mở rộng chuỗi hệ thống dưa lưới ở Vĩnh Long.

 

Cho những bài học không quên

Nhiều người khởi nghiệp cho rằng, phải lường trước thất bại và sẵn sàng xem đó là bài học khi khởi nghiệp.

Chị Hiền nói: “Một bạn trẻ bình thường, hay một người nông dân… thì rất khó để khởi nghiệp bởi họ chưa biết phải tiếp cận thông tin từ đâu, các thủ tục phải bắt đầu như thế nào. Điều kiện để các bạn trẻ tiếp cận thông tin khởi nghiệp ở Vĩnh Long chưa nhiều nên chúng tôi mong sẽ được tạo nhiều cơ hội hơn để các sở, ban ngành lắng nghe nguyện vọng chúng tôi phải bắt đầu từ đâu, cần gì, làm gì để khởi nghiệp. Con đường đi sẽ rất khó khăn nhưng đã đam mê thì phải dám theo tới cùng, đừng vì một chút thất bại mà từ bỏ”.

Đồng quan điểm trên, anh Việt cho là: “Vì từ ý tưởng đến hiện thực là rất xa. Từ việc thành lập một doanh nghiệp với đủ thủ tục giấy tờ, “có khi một cơ quan phải đi tới lui 8 lần”.

Anh Việt cho rằng: “Cần có một bộ phận chuyên trách hỗ trợ khởi nghiệp, hướng dẫn từng bước, rõ ràng mọi thủ tục. Nơi có thể thu hút và khuyến khích các ý tưởng khởi nghiệp phát triển thành hiện thực có lợi cho cá nhân, cộng đồng và phải có quỹ hỗ trợ cho khởi nghiệp vì đa phần những người khởi nghiệp thiếu vốn”.

“Dù đạt giải nhất, nhì nhiều cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh và khu vực nhưng hiện nay tôi mới tiếp cận được 2 gói hỗ trợ thành lập công ty và thành lập trang web với tổng số tiền hơn 12 triệu đồng”- anh Việt cho biết.

Những sản phẩm từ khoai lang của vợ chồng anh Việt.
Những sản phẩm từ khoai lang của vợ chồng anh Việt.

Phải có không gian thực sự hiệu quả cho người khởi nghiệp trong tỉnh cùng hỗ trợ nhau, chia sẻ kinh nghiệm. Song song đó, trung tâm này sẽ giới thiệu những chương trình hỗ trợ, cơ chế chính sách cho khởi nghiệp pháp triển, xoay vòng vốn giúp đỡ lẫn nhau.

Theo anh Sol, một doanh nghiệp khởi nghiệp cũng không thể tự đi một mình mà rất cần sự đồng hành của các sở, ngành, “sở ban ngành dẫn đường nhưng họ chỉ là người “làm mai”, còn hạnh phúc hay không thì do mình quyết định”.

Đưa ra lời chia sẻ cùng các bạn trẻ ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp, chị Tố Lan nói: “Phải biết lắng nghe, phải có người am hiểu thực tiễn hướng dẫn vì các bạn trẻ sẽ rất dễ mất lòng tin. Từ ý tưởng phải định hướng được ứng dụng thực tiễn, bởi các bạn trẻ sẽ rất dễ ảo tưởng làm ra sản phẩm sẽ bán ngay và con đường đi chỉ trải toàn màu hồng”.

Thiết nghĩ, bên cạnh sự kiên trì nỗ lực để thực hiện những ý tưởng sáng tạo của mình, người trẻ cần lắm sự đồng hành hỗ trợ nhiều hơn từ các tổ chức, ban ngành liên quan để khởi nghiệp thực sự mang lại hiệu quả.

Theo chị Lan đối với một công ty nhỏ, bên cạnh nguồn vốn thì nguồn nhân lực cũng là điều khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp. “Tâm lý người lao động không thích những công ty nhỏ, chưa có tiếng tăm, và nếu họ được đào tạo một thời gian thì cũng có thể nhảy việc”- chị Tố Lan chia sẻ. Chính vì thế, trong khởi nghiệp, tạo được niềm tin và sự gắn bó của người lao động rất quan trọng.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY