Bàn tròn Doanh nhân trẻ

Tiềm năng khởi nghiệp cần được đánh thức

Cập nhật, 05:26, Thứ Năm, 07/02/2019 (GMT+7)

Các hoạt động khởi nghiệp tại vùng ĐBSCL đã được khởi động với nhiều chương trình đào tạo, các vườn ươm, mà nổi bật là các cuộc thi khởi nghiệp tổ chức tại các địa phương.

Riêng Vĩnh Long, hoạt động khởi nghiệp cũng đã được “bật đèn xanh” qua việc tạo điều kiện cho mọi đối tượng tham gia các khóa đào tạo, tập huấn về khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp... đã và đang tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động.

Cùng với các chính sách khuyến khích khởi nghiệp của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp- nhất là đội ngũ doanh nhân trẻ- mong muốn góp tay đánh thức đam mê khởi nghiệp của các bạn trẻ, sinh viên để đồng hành cùng họ.

Bàn tròn Doanh nhân trẻ đầu Xuân 2019, những câu chuyện khởi nghiệp thành công lẫn thất bại, những chia sẻ, mong ước đóng góp của đội ngũ doanh nhân trẻ nhằm khai phá tiềm năng, gợi mở hướng khởi nghiệp thú vị và bổ ích.

Muốn khởi nghiệp không thể… đi một mình

*Doanh nhân Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV

Theo tôi, khởi nghiệp bây giờ đã khác xưa: thuận lợi nhiều nhưng cũng khó khăn hơn. Từ hơn 30 năm trước, khi còn là sinh viên ở TP Hồ Chí Minh, tôi đã tập tành làm ăn, 1 giạ gạo từ miền Tây đem lên Chợ Lớn- Sài Gòn bán lời gấp 3 lần. Thời ấy, chỉ cần bỏ công sức vất vả một chút ra làm ăn là có lời, gặp thất bại thì… đứng dậy làm tiếp.

Hiện nay, nhờ công nghệ hỗ trợ chúng ta có điều kiện thuận lợi, nhưng cạnh tranh cũng nhiều hơn. Cho nên, bắt đầu khởi sự kinh doanh thật sự không phải là con đường dễ đi.

Mà khởi nghiệp ở một tỉnh như Vĩnh Long càng khó bởi không có nhiều nhà đầu tư, cũng không có doanh nghiệp lớn để hỗ trợ về tài chính.

Trong khi, đối tượng giàu ý tưởng, nhiều đam mê khởi nghiệp phần lớn là sinh viên, bạn trẻ có lợi thế kiến thức cơ bản từ nhà trường.

Chính vì thế, họ rất cần những doanh nghiệp “đàn anh” có kinh nghiệm hỗ trợ, dẫn dắt để các bạn có định hướng đi được đường dài.

Tôi cho rằng, các bạn trẻ muốn khởi nghiệp thì không thể đi một mình, mà cần liên kết thành một nhóm đủ mạnh để cùng nhau lên ý tưởng, mục tiêu thực hiện, rồi bắt tay triển khai dự án, thậm chí kêu gọi vốn đầu tư.

Hiện nay, Công ty Phước Thành IV đang hỗ trợ một nhóm bạn trẻ thực hiện dự án du lịch lữ hành và đã gặt hái thành công bước đầu. Chúng tôi cũng tiếp sức cho một nhóm khác khởi nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, đã bắt đầu được vài tháng nay.

* Doanh nhân Dương Hữu Phú -  Giám đốc DNTN Phú Vĩnh Long

Theo tôi, hiện nay khởi nghiệp không chỉ có đổi mới sáng tạo, mà còn giải quyết công ăn việc làm hiệu quả, nhất là cho đối tượng sinh viên.

Chẳng hạn, hiện tôi có 2 cơ sở sản xuất kinh doanh nước đóng bình và nước đá, đang hoạt động ổn định, đã có lời nhưng chưa được như mong muốn.

Tôi rất cần người hoặc một nhóm bạn trẻ hứng thú với lĩnh vực này đưa ra ý tưởng, đổi mới phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả tốt hơn và tôi sẵn sàng bàn giao quyền quản lý. Chúng tôi sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các bước đi ban đầu...

Tôi cho rằng đây cũng là cách giúp bạn trẻ tiếp cận nhanh với thực tế, với thiết bị công nghệ và cả kinh nghiệm của doanh nghiệp đi trước.

*Doanh nhân Trần Văn Hoàng- Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thiên Lộc

Theo tôi, hiện nay muốn khởi nghiệp phải có “người đỡ đầu”, chứ thui thủi một mình thì khó lớn mạnh được.

Chẳng hạn, một sinh viên hoặc một nhóm sinh viên có ý tưởng, dự án tốt, thì Hội Doanh nhân trẻ sẵn sàng đồng hành hỗ trợ vật chất, tinh thần, cùng bàn bạc hướng đi phù hợp.

Anh em Hội Doanh nhân trẻ kinh doanh nhiều lĩnh vực, có kinh nghiệm lẫn mối quan hệ xã hội… sẽ hỗ trợ tối đa cho dự án của các bạn trẻ.

Tôi đã đi tham quan một số nơi và thấy rằng, ý tưởng, dự án khởi nghiệp thành công thì thường do cả nhóm chớ không của cá nhân. Riêng Hội Doanh nhân trẻ cũng đã hỗ trợ nhiều mô hình sản xuất, nhưng ít thành công, có dự án được hỗ trợ để thực hiện nhưng sau một thời gian ngắn quay lại đã… đứt vốn.

Kinh nghiệm của tôi, khởi nghiệp thành công phải theo nhu cầu thực tế, khả năng của mình, chớ đừng đưa ra ý tưởng, dự án “quá hớp”, thiếu thực tế rồi bỏ bê… thì tất nhiên chẳng đi tới đâu.

 Đam mê cần được đánh thức

*Doanh nhân Nguyễn Văn Thành

Tham gia ngành kinh doanh, chế biến lúa gạo nhiều người thành công, nhưng thất bại cũng không ít. Để thành công, theo tôi, trước hết mình phải chịu đeo đuổi, đam mê nghiên cứu phát triển lĩnh vực đó.

Bất cứ ngành kinh doanh nào cũng phải nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, cho ra những sản phẩm mới, chất lượng cao tốt nhất, giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh. Kế tiếp, phải có kinh nghiệm, đáp ứng các tiêu chuẩn mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... có những cái phải đi tắt đón đầu.

Tôi nhớ khoảng năm 2004, chúng tôi nghiên cứu thị trường trong nước và làm thương hiệu. Thời gian này làm thương hiệu không hề dễ, từ bao bì đến xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm… khiến giá thành hạt gạo cao hơn, doanh nghiệp cầm chắc lỗ nhưng vẫn phải quyết tâm làm.

Chúng tôi từng có thị trường gạo chịu lỗ trong 3 năm, nhưng doanh nghiệp quyết đeo bám, đến giờ đây lại là thị trường thành công. Vì thị trường khó tính, người khác không làm mà mình đáp ứng được thì sẽ giữ được lâu dài.

*Doanh nhân Dương Hữu Phú

Trong ngành dịch vụ vận tải hành khách, điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho khách hàng, tiết kiệm nhiên liệu,… để đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, chúng tôi chú trọng đào tạo nhân viên, tài xế phải nhã nhặn, lịch sự với hành khách. Chúng tôi luôn tạo lòng tin, hài lòng với khách hàng.

*Doanh nhân Trần Văn Hoàng

Theo tôi, môi trường kinh doanh ở Vĩnh Long hiện nay khá tốt cho doanh nghiệp phát triển, khuyến khích hoạt động khởi nghiệp. Qua việc tỉnh tăng cường hỗ trợ nhiều về đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khởi nghiệp. 

Để bắt đầu khởi sự kinh doanh, theo tôi phải có quyết tâm thực hiện và phải có đam mê. Tôi từng nung nấu ý định khởi nghiệp từ khi còn làm thuê cho một doanh nghiệp lớn, và khi thấy điều kiện đã chín muồi thì quyết định “ra riêng” gầy dựng sự nghiệp của mình. l

*ThS. Nguyễn Cao Đạt- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long Những bước khởi đầu

Đến nay, Trường ĐH Cửu Long và Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh đã ký kết hợp tác đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia giai đoạn 2018- 2025.

Trường ĐH Cửu Long hiện đang thực hiện những bước khởi đầu, tiến tới thành lập “CLB khởi nghiệp sáng tạo”, “Cà phê khởi nghiệp”, “Vườn ươm sáng tạo” đang trong giai đoạn viết đề án… Từ “Cà phê khởi nghiệp”, sẽ cung cấp nhiều ý tưởng, có thể bàn bạc và triển khai.

“Ban Giám hiệu phân công tôi trực tiếp các hoạt động khởi nghiệp trong nhà trường, đặc biệt khởi nghiệp sáng tạo, nếu làm tốt sẽ rất hữu ích. Khơi dậy sự nhiệt tình, nhạy bén trong sinh viên. Hy vọng trong năm 2019 sẽ có những thành công bước đầu”- ThS. Nguyễn Cao Đạt còn cho biết, sắp tới sẽ tập hợp các đề tài, ý tưởng và sẽ có đánh giá kỹ hơn.

Bước đầu, trường đã ghi nhận một số đề tài nghiên cứu khá tốt của sinh viên, như: chế tạo máy sản xuất phân trùn quế, máy cắt cỏ… dù còn mang tính nhỏ lẻ.

“Hiện Khoa Nông nghiệp đã triển khai một số kế hoạch sản xuất, kinh doanh giúp cán bộ giảng viên, sinh viên tập làm ăn. Chẳng hạn, trường cho khoa mượn 50 triệu trồng sen, thu lời khá cao và đã trả hết nợ.

Trong khi đó, kế hoạch trồng khoai lang Hàn Quốc theo tiêu chuẩn sạch, sinh viên vừa thu hoạch khá thành công và sắp tới có thể nhân rộng được. Tôi cũng được các bạn tặng một củ khoai to”- ThS. Nguyễn Cao Đạt vui vẻ khoe với nhà báo.

TRẦN PHƯỚC- TUYẾT HIỀN - THẢO LY (thực hiện)