Phát huy mọi nguồn lực, tạo đột phá phát triển toàn diện

Cập nhật, 09:25, Thứ Ba, 05/02/2019 (GMT+7)

Kết quả phát triển kinh tế- xã hội năm 2018, tỉnh Vĩnh Long cơ bản hoàn thành các mục tiêu kế hoạch, toàn diện trên các lĩnh vực.

Đây là một dấu mốc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế của tỉnh ngày càng bền vững, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt trong năm 2018, Vĩnh Long đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư, qua đó, quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư năng động, cũng như giới thiệu các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư của tỉnh.

Để đánh giá kết quả phát triển kinh tế trong năm qua, đồng thời tiếp tục phát huy lợi thế, huy động mọi nguồn lực cho nhu cầu phát triển, ông Nguyễn Văn Quang- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Long về các định hướng chiến lược, giải pháp cụ thể nhằm tạo đột phá đưa kinh tế phát triển nhanh, bền vững và toàn diện.

Thưa ông, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh năm 2018 cho thấy mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng nền kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ 2016- 2020. Những nhân tố nào tác động đến kết quả đó và điều này có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình phát triển kinh tế địa phương, thưa ông?

- Vĩnh Long khởi đầu thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2016- 2020 trong điều kiện hết sức khó khăn. Tuy nhiên, với sự năng động, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, các sở ngành tỉnh và các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, nền kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ 2016- 2020, năm 2018 ước tăng trưởng khoảng 6,17% (cao hơn cùng thời điểm năm 2016 là 5,23%, năm 2017 là 5,62%).

Các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong năm cơ bản hoàn thành, đạt toàn diện trên các lĩnh vực. Ước có 26/26 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có 15 chỉ tiêu vượt. Kinh tế năm 2018 có sự phục hồi mạnh và đạt tốc độ tăng trưởng khả quan. Các khu vực kinh tế đều có tốc độ tăng khá so với cùng kỳ, nổi bật là tăng trưởng kinh tế đạt 6,17% (chỉ tiêu 5,5%); giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản tăng 3,16% (chỉ tiêu 1,32%); giá trị ngành dịch vụ tăng 7% (chỉ tiêu 5,4%); xuất khẩu đạt 465 triệu USD, tăng trên 10% so năm trước.

Năm 2018, Vĩnh Long tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư, ngoài việc thực hiện tài trợ cho công tác an sinh xã hội, tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 32 dự án đầu tư vào tỉnh với tổng vốn 23.903 tỷ đồng.
Năm 2018, Vĩnh Long tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư, ngoài việc thực hiện tài trợ cho công tác an sinh xã hội, tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 32 dự án đầu tư vào tỉnh với tổng vốn 23.903 tỷ đồng.

Đây là một dấu mốc và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế của tỉnh. Có thể thấy rằng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước không ngừng được đổi mới phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Từng cấp ủy, chính quyền đã phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, tính năng động, tiên phong, gương mẫu; quyết liệt trong chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cơ cấu lại kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Vâng, có thể nói từ sự đồng thuận, nhất quán của các cấp lãnh đạo trong chỉ đạo và thực hiện quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã góp phần vào tăng trưởng của nền kinh tế. Nhất là từ sau hội nghị xúc tiến đầu tư, Vĩnh Long đã lọt vào “tầm ngắm” của rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp. Vậy, tỉnh đã tận dụng cơ hội này như thế nào, thưa ông?

- Vĩnh Long đã liên tục nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Trong 10 năm qua, kết quả đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Long luôn ở nhóm khá trở lên. Năm 2016, đánh dấu sự trở lại ấn tượng của Vĩnh Long khi xếp hạng 6/63 tỉnh- thành trong cả nước, tăng 13 bậc so với năm 2015. Vị trí thứ 6 cũng đã được duy trì trong bảng xếp hạng PCI năm 2017. Cùng với đó, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của Vĩnh Long thuộc nhóm đạt điểm trung bình cao, đứng thứ 29/63 tỉnh- thành trong cả nước, đứng thứ 6/13 tỉnh- thành khu vực ĐBSCL. Đó là những dấu hiệu tích cực khẳng định quyết tâm cao của bộ máy chính quyền các cấp trong tỉnh để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương.

Từ thành công của hội nghị xúc tiến đầu tư, ngoài việc thực hiện tài trợ cho công tác an sinh xã hội, tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 32 dự án đầu tư vào tỉnh với tổng vốn 23.903 tỷ đồng (trong đó, có 3 dự án đã đi vào hoạt động) và nhận tài trợ 1.000 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội của địa phương... Bên cạnh, tỉnh đã tiếp xúc và làm việc với 58 lượt nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có 18 lượt nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi đàm phán có 28 dự án được cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với vốn đăng ký trên 3.213 tỷ đồng và 158,96 triệu USD, trong đó, có 10 dự án FDI.

Tận dụng các cơ hội để thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển, Vĩnh Long ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng tri thức cao, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, các dự án có sản phẩm thế mạnh cạnh tranh của địa phương. Bên cạnh tăng cường đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư để phát triển các kết cấu hạ tầng. Nhất là thu hút được các dự án lớn, tạo điểm nhấn và đầu tư nghiêm túc để góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững.

 Từ cơ hội mang lại của hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018, tỉnh Vĩnh Long sẽ có chiến lược như thế nào để chủ động trong tình hình phát triển mới, thưa ông?

- Hiện nay, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ, chính sách mời gọi đầu tư hợp lý, cởi mở,… cùng với những giá trị được phát huy từ tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Vĩnh Long là vùng đất đầy tiềm năng, hội tụ đủ các điều kiện cần thiết và luôn chào đón các nhà đầu tư. Hiện nay, thông điệp của tỉnh mang tính chủ động hơn, đó là “Chủ động hợp tác phát triển bền vững”, tức không còn “mở” theo cách thụ động, chờ cơ hội, không còn nhìn nhận tiềm năng mà là chủ động phát huy lợi thế so sánh hiện có, chủ động tìm kiếm, tạo ra cơ hội theo định hướng phát triển.

Đặc trưng rõ nhất của tỉnh là có vị trí địa lý thuộc khu vực trung tâm của vùng ĐBSCL, có hệ thống giao thông thủy bộ đặc biệt quan trọng, kết nối các trục phát triển của vùng. Tuy nhiên, Vĩnh Long lại có rất ít lợi thế so sánh so với các tỉnh- thành trong vùng do không có rừng, không có biển, biên giới, không thuộc khu vực kinh tế trọng điểm. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn lực và động lực cho sự phát triển của nền kinh tế của tỉnh bị hạn chế rất nhiều.

Từ nhận diện các lợi thế, các điểm bất lợi, điểm nghẽn của nền kinh tế tỉnh nhà, trong thời gian tới Vĩnh Long sẽ huy động các nguồn lực thực hiện chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu; nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế hướng đến nền kinh tế xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Gắn kết hiệu quả việc thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng với mục tiêu huy động, thu hút tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là các nguồn vốn đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu. Tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực chất và hiệu quả hơn.

Các khu công nghiệp đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế địa phương.
Các khu công nghiệp đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế địa phương.

Để phát huy mạnh mẽ các lợi thế, cũng như biến cái bất lợi thành động lực phát triển, xin ông cho biết tỉnh sẽ ưu tiên làm những công việc gì trong năm tiếp theo, thưa ông?

- Để chủ động hội nhập, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển nhanh, bền vững và toàn diện, nhất là mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long đạt trình độ phát triển khá của vùng ĐBSCL, Vĩnh Long sẽ ưu tiên các nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Một là, phải ổn định kinh tế vĩ mô; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên địa bàn; tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

Hai là, các thế mạnh phải được tận dụng triệt để, chủ động biến lợi thế, tiềm năng thành hiện thực.

Ba là, đột phá trong chính sách huy động và có cách triển khai cụ thể, hiệu quả đối với từng loại nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ từ đô thị đến nông thôn và kết nối với các trục phát triển của vùng ĐBSCL.

Bốn là, phải khơi dậy nguồn lực từ đất đai và tài sản, kết cấu hạ tầng trên đất.

Năm là, cần phân tích, đánh giá thực chất năng lực của các thành phần kinh tế, định hình lại các cơ chế, chính sách và đầu tư hiện hữu để có cách nhìn tổng thể, toàn diện và dài hạn đối với sự phát triển của nền kinh tế địa phương. Qua đó, tạo động lực, đột phá mới cho phát triển trên địa bàn.

Sáu là, phải phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế, tiếp cận nhanh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bảy là, phải đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tám là, gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề về môi trường, sự tiến bộ về mọi mặt của xã hội. Nâng cao thu nhập, giảm đói nghèo, đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người yếu thế.

Vĩnh Long đã liên tục nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Vĩnh Long đã liên tục nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Vâng, để thực hiện các nhiệm vụ trên đây, sẽ cần sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn. Nhân dịp Xuân mới 2019, ông nhắn gửi điều gì đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân tỉnh Vĩnh Long, thưa ông?

- Chúng tôi nhận thấy rằng, việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội trong năm 2019 sẽ rất nặng nề. Vì vậy, rất cần sự đoàn kết, thống nhất, tập trung lãnh- chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh. Đồng thời, chúng tôi mong muốn người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, biến thách thức thành cơ hội... góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.

Về trách nhiệm của chính quyền, UBND tỉnh cam kết sẽ sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.

Cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!

TRẦN PHƯỚC (thực hiện)