Chuyện nhỏ nhưng không nhỏ

Cập nhật, 06:00, Thứ Ba, 17/09/2019 (GMT+7)

Mới đây, tôi có dịp đi tham quan một số tỉnh vùng ĐBSCL có nhiều sông rạch đan xen. Ở đâu cũng bắt gặp những chiếc đò (phà) ngang sông với quy mô, kết cấu, tải trọng khác nhau. Tuy nhiên, có quá nhiều phương tiện giao thông thủy tồn tại những điểm chung rất nguy hiểm, vi phạm nghiêm trọng pháp luật.

Hành khách qua đò ngang không mặc áo phao.
Hành khách qua đò ngang không mặc áo phao.

Trước hết là các phương tiện này không chấp hành tốt việc giảm tải trong mùa mưa lũ. Ngược lại họ còn tranh thủ chở quá tải quy định, nhồi nhét hành khách và phương tiện để tăng thu nhập.

Vấn đề kế tiếp là hầu hết các phương tiện không thực hiện việc bắt buộc hành khách phải mặc áo phao khi qua sông theo quy định.

Cạnh đó những chiếc phao cứu sinh, áo phao tuy có nhưng bố trí ở những nơi che khuất tầm nhìn, khó lấy ra nếu như có tình huống xấu xảy ra, một số thiết bị đã hư hỏng… Điều này thể hiện đây là hình thức để đối phó sự kiểm tra của lực lượng chức năng mà thôi.

Nhìn từ ý thức của hành khách, phải nói rằng đại đa số đều không chấp hành nghiêm quy định mặc áo phao khi qua sông để bảo vệ chính mình với nhiều nguyên nhân: mất thời gian, sợ làm bẩn quần áo…

Nhiều người còn có thái độ khó chịu khi được một số chủ phương tiện nhắc nhở động tác này (dù rất hiếm nơi thực hiện khâu nhắc nhở).

Từ thực tế này cho thấy các chủ phương tiện cần nâng cao ý thức trách nhiệm và chấp hành nghiêm quy định bằng cách: trang bị các loại phao cứu sinh gọn, nhẹ, nhanh chóng (loại đeo vào cổ tay) thay cho các loại áo phao rườm rà.

Nhắc nhở yêu cầu hành khách thực hiện nghiêm quy định này; đặt các phao đeo tay ở những nơi dễ thấy, dễ lấy; không chở khách quá tải.

Cạnh đó lực lượng chức năng cần có biện pháp kiểm tra đột xuất việc chấp hành này, xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm.

Mùa lũ năm nay tuy có muộn hơn các năm trước nhưng nước cũng đã bắt đầu dâng cao trên các sông lớn cũng đồng nghĩa nguy hiểm vẫn đang đe dọa hàng ngày.

SONG ANH