Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu có hiệu lực

Không được bán rượu cho người dưới 18 tuổi

Cập nhật, 05:33, Thứ Tư, 29/11/2017 (GMT+7)

Lạm dụng rượu không chỉ “rước bệnh vào thân” còn kéo theo nhiều tác hại khôn lường nếu sử dụng phải những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2017, Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu ra đời rất kịp thời, là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tăng cường quản lý hiệu quả hoạt động sản xuất và kinh doanh rượu.

Sử dụng rượu không nhãn mác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe do sản phẩm chưa được đảm bảo về chất lượng. Ảnh minh họa
Sử dụng rượu không nhãn mác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe do sản phẩm chưa được đảm bảo về chất lượng. Ảnh minh họa

Rượu không nhãn mác, tác hại khôn lường

Trong cuộc sống, rượu được xem là “công cụ giao tiếp” khá hiệu quả, là một “gia vị” khiến những cuộc gặp gỡ thêm phần sôi nổi. Nhu cầu sử dụng rượu vì thế ngày càng cao.

Chuyện nhậu nhẹt cũng xuất phát từ nhiều lý do và mục đích khác nhau, song không phải ai cũng sử dụng rượu có kiểm soát.

Thực tế đáng lo ngại hiện nay là người sử dụng rượu ngày càng trẻ, nhất là lứa tuổi vị thành niên- độ tuổi chưa hoàn thiện về thể chất và khả năng nhận thức, làm chủ hành vi còn nhiều hạn chế.

Đáng tiếc là những đối tượng như học sinh, các bạn tuổi “teen”- độ tuổi ăn, tuổi học bị cuộc sống bên ngoài tác động nên tiếp xúc với rượu khá sớm.

Và, thay vì ngồi trên ghế nhà trường, một số bạn trẻ thường tụm năm tụm bảy tại quán nhậu để… hơn thua “tửu lượng” với nhau.

“Tôi thấy nhận thức của giới trẻ trong việc nhậu nhẹt còn lệch lạc. Một số bạn thường thách nhau uống rượu theo kiểu sát phạt, rồi say bí tỉ thậm chí cự cãi, đánh nhau”- anh Trương Thanh Liêm (Phường 2- TP Vĩnh Long) cho biết.

Hệ lụy của việc lạm dụng rượu đã bị dư luận lên án nhiều lần, nhất là gây tai nạn giao thông, gây rối trật tự... và cả những trường hợp bị ngộ độc vì sử dụng nhầm rượu “dỏm”.

Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc rượu không nhãn mác sản xuất bằng phương pháp thủ công được bán tràn lan hiện nay.

Nhất là ở nông thôn, người dân mua loại rượu này rất dễ dàng tại các tiệm tạp hóa hoặc chỉ cần “alo” đặt hàng là vài hôm sau sẽ có ngay, giá cả lại khá “mềm” (dao động 16.000- 20.000 đ/lít tùy theo nồng độ rượu) so với các loại rượu có thương hiệu.

Và phần lớn những cơ sở nấu rượu thủ công có quy mô nhỏ lẻ này thường không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào từ phía ngành chức năng.

“Gia đình tui chủ yếu nấu rượu để lấy bã hèm nuôi heo, rượu nấu số lượng ít, chủ yếu để ở nhà sử dụng khi có đám tiệc hoặc bỏ cho một vài mối quen nên không có nhãn mác hay giấy phép gì hết”- chị Phạm Thị M.- chủ một hộ nấu rượu cho biết.

Còn người tiêu dùng thì vô tư sử dụng rượu không nhãn mác và hầu như ít ai quan tâm đến việc rượu có đạt tiêu chuẩn hay không, mà chỉ đánh giá chất lượng rượu qua cảm nhận “ngon- dở”.

Đã vậy, “khi người lớn nhậu xỉn thường kêu mấy đứa nhỏ đi mua thêm rượu”, trong khi người bán chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà thôi.

Bán rượu cho người dưới 18 tuổi là vi phạm pháp luật

Đây là một trong những quy định nổi bật của Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu. Theo đó, hành vi bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động là vi phạm các quy định của pháp luật về kinh doanh rượu.

“Tôi thấy các quy định trên rất hợp lý, nhưng để thực thi hiệu quả còn phụ thuộc nhiều vào ý thức người dân và việc ngành chức năng có quản lý chặt chẽ hay không”- bạn Hoàng Trương (ở Long Hồ) chia sẻ.

Trong khi đó, những đơn vị kinh doanh, phân phối rượu có giấy phép cũng cho rằng các quy định mới trên sẽ góp phần lành mạnh hóa thị trường rượu.

Tuy nhiên, “chúng tôi muốn được hướng dẫn cụ thể hơn về quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi để dễ thực hiện, vì chỉ nhìn mặt đoán tuổi cũng có khi nhầm lẫn”- một chủ cơ sở kinh doanh rượu ở Phường 4 (TP Vĩnh Long) cho biết.

Theo Sở Công thương Vĩnh Long, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 300 hộ kinh doanh các sản phẩm rượu và hơn 1.000 cơ sở sản xuất rượu với quy mô nhỏ lẻ.

Thời gian qua, bên cạnh những cơ sở chủ động đầu tư trang thiết bị vào quy trình sản xuất rượu để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm thì vẫn còn một số cơ sở sản xuất rượu thủ công không đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng hóa chất và cồn công nghiệp để pha chế rượu.

Việc thi hành Nghị định 105 giúp ngành chức năng quản lý hiệu quả việc sản xuất và kinh doanh rượu, góp phần hạn chế tình trạng rượu giả, rượu kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

Ông Nguyễn Đỗ Hoàng Anh Thy- Phó Phòng Quản lý Thương mại (Sở Công thương tỉnh) cho biết: “Sau khi Nghị định số 105 được ban hành, lãnh đạo sở đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn xây dựng văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý và cấp phép sản xuất, kinh doanh rượu.

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền nội dung của nghị định đến các xã- phường cũng như các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh rượu.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, thường xuyên theo dõi định kỳ và đột xuất hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu để kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”.

Để quy định trên đi vào cuộc sống, ngoài sự quản lý của ngành chức năng và ý thức của người dân, thiết nghĩ, mỗi gia đình cần quan tâm giáo dục con cái nhiều hơn.

Nhất là cảnh báo tác hại của rượu để các bạn trẻ không tiếp cận sớm, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần cũng như kết quả học tập.

Bài, ảnh: PHẠM TẤN