Y tế cơ sở - "người gác cổng" bảo vệ sức khỏe nhân dân

Cập nhật, 07:05, Thứ Tư, 25/01/2023 (GMT+7)
107 trạm y tế trên địa bàn Vĩnh Long đều có bác sĩ khám điều trị bệnh.
107 trạm y tế trên địa bàn Vĩnh Long đều có bác sĩ khám điều trị bệnh.

(VLO) Là tuyến y tế gần người dân nhất, trạm y tế là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi bệnh, dịch bệnh xảy ra. Trong những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở Vĩnh Long được củng cố, phát triển hoàn chỉnh và hoạt động khám, chữa bệnh cơ bản ngày càng hiệu quả, đã là những “người gác cổng” tin cậy, bảo vệ sức khỏe cho mỗi người dân.

Lá chắn kiểm soát dịch bệnh hiệu quả

Suốt gần 3 năm qua, dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân, đặc biệt là trong nếp sống, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe. Bà Nguyễn Thị Xê (TT Tân Quới, huyện Bình Tân) cho biết, đã quen thăm khám, nhận tư vấn sức khỏe từ các y bác sĩ ở trạm y tế.

Bà chia sẻ: “Gia đình tôi rất tin tưởng vào các y bác sĩ của trạm. Các em đến tận nhà để hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19; cách diệt lăng quăng để không có muỗi, không có bệnh sốt xuất huyết; hướng dẫn ăn uống ngừa huyết áp, tiểu đường…”.

Mặc dù lực lượng mỏng, cùng lúc phải làm nhiều nhiệm vụ nhưng các y bác sĩ Trạm Y tế Phường 3 - TP Vĩnh Long vẫn quyết tâm đi từng nhà để tiêm vaccine cho người có bệnh nền, người lớn tuổi không đi lại được.
Mặc dù lực lượng mỏng, cùng lúc phải làm nhiều nhiệm vụ nhưng các y bác sĩ Trạm Y tế Phường 3 - TP Vĩnh Long vẫn quyết tâm đi từng nhà để tiêm vaccine cho người có bệnh nền, người lớn tuổi không đi lại được.

Y tế cơ sở là tuyến trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người được chăm sóc sức khỏe cơ bản. Đặc biệt, khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thì tuyến y tế cơ sở càng phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về các vấn đề liên quan tới công tác phòng chống dịch, tiêm ngừa…

Qua đó, tạo sự đồng thuận, để người dân cùng chung sức, đồng lòng thì công tác phòng chống dịch mới đạt được hiệu quả bền vững.

Còn nhớ, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, trạm y tế giữ vai trò quan trọng trong việc chăm sóc hơn 80% F0 tại nhà. Một nhân viên y tế phải kiêm nhiệm nhiều công việc cùng lúc, như lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine, truy vết, quản lý, điều trị F0…

Bác sĩ La Nguyễn Thành Tài - Trạm Y tế Phường 4 (TP Vĩnh Long) cho biết: “Các ca F0 tăng nhanh, áp lực công việc rất lớn. Có F0 bệnh nền nhiều phải đi bệnh viện nhưng nhà ở sâu trong hẻm, xe cấp cứu không đến được thì đội lưu động phải cố gắng đi cấp cứu cho họ.

Có những trường hợp chúng tôi phải ôm bình oxy mà chạy, gọi xe ba gác đưa ra xe cấp cứu. Mình phải cố gắng hết mình để giúp bệnh nhân”.

Chú Nguyễn Văn Thọ (Phường 3 - TP Vĩnh Long) thì mừng vui: “Má của tôi 90 tuổi, nằm một chỗ, nên nhân viên y tế đã đến tận nhà tiêm cho bà.

Bác sĩ hỏi han bệnh nền, vấn đề sức khỏe, phổ biến một số lưu ý cho người nhà. Rồi hỏi thăm về phản ứng khi tiêm những mũi trước, dặn dò rất kỹ nên gia đình rất an tâm”.

Vaccine được coi là vũ khí chiến lược trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Nên tại các địa phương, các tổ, đội tiêm ngừa đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ và đồng thuận tiêm ngừa để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

Nhờ vậy, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Vĩnh Long đạt mức rất cao, trên 99,8% bao phủ mũi cơ bản cho nhóm từ 12 tuổi trở lên.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh từ cơ sở

Hiện nay, 107 trạm y tế trong tỉnh đều được xây dựng khang trang, đầu tư đạt chuẩn với đội ngũ y bác sĩ tận tâm phục vụ và nhiều thiết bị y tế cận lâm sàng hiện đại như máy siêu âm, máy đo điện tim... Vì thế, chất lượng khám, điều trị bệnh được nâng cao, tạo được niềm tin cho người dân.

Hiện nay, người dân bị các bệnh mạn tính như: huyết áp, tiểu đường, tâm thần, lao… đều đến trạm y tế để khám và nhận thuốc.

Khám và nhận thuốc điều trị bệnh cao huyết áp tại Trạm Y tế xã Trà Côn (Trà Ôn) cô Thạch Thị Hậu cho biết: “Trạm có máy siêu âm, đo điện tim, bác sĩ khám kỹ nên bà con đến đây yên tâm lắm”.

Theo đánh giá ngành y tế, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được tăng cường, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi.

Hiện, ngoài việc khám, điều trị, trạm y tế còn phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, giữa các cơ sở y tế trên địa bàn với tuyến trên, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Nhân viên y tế tuyến cơ sở tuyên truyền lợi ích của việc tham gia tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai.
Nhân viên y tế tuyến cơ sở tuyên truyền lợi ích của việc tham gia tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai.

Mỗi tháng, Trạm Y tế xã Mỹ Lộc (Tam Bình) tiếp nhận 400 - 450 lượt người đến khám, điều trị các bệnh mãn tính như huyết áp, tiểu đường và các bệnh thông thường như cảm, sốt,...

Vợ chồng ông Phạm Thành Tín (ấp Mỹ Tân) cũng thường xuyên đến trạm y tế nhận thuốc và khám bệnh.

Ông Tín cho biết: “Tôi rất tin tưởng cán bộ, nhân viên ở trạm vì họ rất chu đáo, mỗi lần cho thuốc là ghi chú, dặn dò kỹ càng dữ lắm”.

Nhân viên y tế tuyến cơ sở tuyên truyền người dân dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà thường xuyên; thả cá trong lu để diệt lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết.
Nhân viên y tế tuyến cơ sở tuyên truyền người dân dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà thường xuyên; thả cá trong lu để diệt lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết.

BS.CK1 Bùi Kim Yến - Trưởng Trạm Y tế xã Mỹ Lộc đã 34 năm sống với nghề y, chia sẻ: “Trạm y tế như ngôi nhà thứ hai của anh em ở đây.

Mong muốn lớn nhất của tôi sau khi về hưu vẫn là tiếp tục làm nghề khám chữa bệnh, phục vụ cùng các đoàn từ thiện bởi mình vẫn còn sức khỏe mà không làm nữa thì tiếc và buồn lắm”.

Mỗi mùa xuân qua lại đánh dấu sự phát triển của y tế cơ sở - vững vàng vai trò tuyến đầu trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân theo quan điểm “Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”, “hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân”.

TS.BS Hồ Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở ở tỉnh đã được củng cố, phát triển hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận ấp, khu vực và hoạt động ngày càng hiệu quả, đã là những “người gác cổng” bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đặc biệt 3 năm qua, cùng với các cơ sở y tế trên địa bàn, 107 trạm y tế cấp xã thực hiện hiệu quả công tác khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân và phòng chống dịch COVID-19. Ngoài ra, kiểm soát không để dịch bệnh mới xâm nhập vào tỉnh và kiểm soát giảm sâu các bệnh lưu hành như bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, các dịch bệnh có vaccine phòng ngừa hầu như không ghi nhận ca mắc.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN