Nhiều trẻ mắc bệnh về đường hô hấp

Cập nhật, 11:16, Thứ Sáu, 06/01/2023 (GMT+7)

 

Trẻ bệnh viêm đường hô hấp được y bác sĩ điều trị.
Trẻ bệnh viêm đường hô hấp được y bác sĩ điều trị.

Theo ngành y tế tỉnh Vĩnh Long, thời tiết chuyển lạnh những ngày qua, số trẻ mắc bệnh đến khám và điều trị tăng khoảng 30%.

Các bệnh viêm phổi, viêm phế quản tăng

Theo ghi nhận tại các cơ sở y tế tỉnh Vĩnh Long, số bệnh nhi mắc bệnh hô hấp tăng đột biến. Tại Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, hơn phân nửa trẻ đến khám và điều trị mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, chủ yếu là viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn. Những bệnh lý như viêm nhiễm đường tiêu hóa, sốt, ói, tiêu chảy cũng tăng cao.

Chị Huỳnh Thị Kim Chi (phường Trường An) chia sẻ: “Tuần trước bé lớn 7 tuổi bị ho sốt nhưng vì nghĩ chỉ viêm họng thông thường nên tôi mua thuốc về cho con uống. Nhưng con bệnh còn nặng hơn, bé nhỏ cũng bị lây bệnh từ chị. Tôi đưa con đi khám thì bác sĩ bảo con lớn bị viêm phổi cần phải nhập viện”.

Nắm bàn tay nhỏ của con trai 5 tháng tuổi đang nằm ngủ trên giường bệnh, chị Nguyễn Minh Trang (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Phát hiện bé thở nhanh, người mệt, nhiệt độ cơ thể chỉ hơi ấm hơn bình thường, bé vẫn bú. Đến ngày thứ 2, tình trạng bệnh tiến triển rất nhanh, đưa bé đi khám thì được chẩn đoán viêm phổi”.

BS.CK1 Trần Thị Tuyết Mai - Trưởng Khoa Nhi Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long khuyến cáo, khi trẻ sốt, ho, sổ mũi, nôn ói khi ăn bú… nghĩa là trẻ đã mắc các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp. Lúc này phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới trẻ, ngay khi trẻ xuất hiện các triệu chứng nặng của bệnh như sốt cao, ho nhiều nặng tiếng, thở nhanh hay thở mệt, khò khè, nôn ói nhiều, không bú được, lừ đừ... phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để được thăm khám, phát hiện và điều trị kịp thời.

Nhóm trẻ nhũ nhi, trẻ sinh non, suy dinh dưỡng, trẻ có tiền sử mắc các bệnh mạn tính về hô hấp, thần kinh, suy giảm miễn dịch... có nguy cơ lây nhiễm và diễn tiến nặng cao hơn, nên phụ huynh cần đặc biệt chú ý chăm sóc nhóm trẻ này. “Các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên thường kéo dài 5 - 7 ngày là khỏi. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc, theo dõi cũng như điều trị đúng và kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nặng, từ viêm đường hô hấp trên thành viêm đường hô hấp dưới và quá trình điều trị kéo dài” - bác sĩ Tuyết Mai cho biết.

Theo các bác sĩ điều trị, đa phần những bệnh do thời tiết chuyển lạnh ở trẻ sẽ tự giới hạn và khỏi sau vài ngày điều trị. Song, nếu không được điều trị kịp thời bệnh sẽ có nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Đáng lưu ý, viêm phổi là bệnh dễ gặp nhất ở trẻ vào thời điểm này, bệnh tiến triển rất nhanh. Do vậy, cha mẹ cần theo dõi chặt diễn biến sức khỏe của trẻ để có thể phát hiện bệnh sớm nhất.

Không nên tự ý làm “bác sĩ” cho con

Các bác sĩ khuyến cáo, việc phát hiện trẻ bị viêm phổi sớm rất quan trọng, nếu trẻ được phát hiện trễ, bệnh chuyển nặng có thể khiến trẻ gặp các biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, áp xe phổi... thậm chí tử vong.

Theo đó, phụ huynh có thể phát hiện trẻ bị viêm phổi sớm nhất bằng cách quan sát và tính nhịp thở của trẻ. Thở nhanh, thở bất thường được coi là triệu chứng đầu tiên cảnh báo viêm phổi ở trẻ. Thở nhanh còn xuất hiện sớm hơn cả các dấu hiệu mà các bác sĩ có thể phát hiện bằng ống nghe hay chụp X-quang phổi.

BS.CK1 Trần Thị Tuyết Mai khuyến cáo, để phòng bệnh, phụ huynh cần chú ý giữ ấm khi về đêm và sáng. Cho trẻ uống nhiều nước, ăn đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh và trái cây để tăng sức đề kháng. Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, thông khí tốt, tránh bụi bẩn, khói thuốc. Phụ huynh cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.

Đặc biệt, các bệnh về hô hấp thường có biểu hiện là ho, nhưng mức độ nặng nhẹ của bệnh không liên quan tới ho ít hay nhiều. Để nhận biết được mức độ viêm phổi của trẻ nặng hay nhẹ, cần nhập viện hay chưa thì phụ huynh hãy cho trẻ nằm yên trên giường hoặc trên tay ba mẹ sau đó quan sát lồng ngực và bụng khi bé thở. Nếu trẻ có dấu hiệu khó thở, thở co lõm lồng ngực thì cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện vì đây là dấu hiệu cảnh báo trẻ đã bị viêm phổi nặng.

“Các phụ huynh không nên tự ý làm “bác sĩ”. Đặc biệt là không nên tự ý ra nhà thuốc mua thuốc kháng sinh để điều trị cho trẻ các triệu chứng thông thường như ho, sốt, nghẹt mũi, sổ mũi... Việc này sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, có thể dẫn đến bệnh càng nặng hơn. Nên chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng bệnh” - bác sĩ Tuyết Mai khuyến cáo.

Triệu chứng trẻ bị viêm phổi: Phụ huynh chỉ cần 1 chiếc đồng hồ có kim giây đã có thể phát hiện được dấu hiệu thở nhanh của trẻ. Tốc độ thở được coi là nhanh bất thường ở trẻ sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng độ tuổi của trẻ. Trẻ dưới 2 tháng tuổi được coi là có nhịp thở nhanh khi đạt 60 lần/ phút; trẻ từ 2 - 12 tháng nhịp thở nhanh khi đạt 50 lần/ phút; trẻ từ 1 - 5 tuổi là 40 lần/ phút; trẻ trên 5 tuổi là 30 lần/ phút. Khi trẻ thở nhanh đồng nghĩa với việc trẻ bắt đầu bị viêm phổi. Vậy nên, ngay khi trẻ có biểu hiện thở nhanh phụ huynh cũng cần nghĩ ngay tới trường hợp bé bị viêm phổi.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN