Học ngành nào "hot", ngành nào làm việc nước ngoài?

Cập nhật, 21:35, Thứ Tư, 01/03/2023 (GMT+7)
Ngành học nào đáp ứng nhu cầu công nghệ hiện nay? Ngành nào dễ tìm việc và có cơ hội làm việc nước ngoài? Hay tỷ lệ học thực hành ở các trường,… là vấn đề nhiều học sinh quan tâm trong những ngày tư vấn đầu tiên trong chuỗi chương trình tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh do Sở GD-ĐT phối hợp các đơn vị giáo dục trong và ngoài tỉnh tổ chức.
Sinh viên ngành Điều dưỡng- Trường ĐH Cửu Long trả lời phỏng vấn để tham gia chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản.
Sinh viên ngành Điều dưỡng- Trường ĐH Cửu Long trả lời phỏng vấn để tham gia chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản.
Học liên/xuyên ngành là gì?
 
Trả lời học sinh về chương trình song ngành, liên xuyên ngành; Phó Giám đốc phụ trách tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành- ThS. Lê Thanh Bình cho biết, liên/xuyên ngành là chương trình đào tạo theo hướng đa ngành nhằm trang bị cho người học cách nhìn tổng quan, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng trong bối cảnh mới.
 
Các chương trình đào tạo liên/xuyên ngành và song hành ngoài việc đáp ứng xu thế của thị trường lao động còn giúp phát huy việc đào tạo theo tín chỉ, khả năng chủ động, bổ sung kiến thức chuyên ngành, kiến thức số cho sinh viên trong thời gian đào tạo. 
 
Ông Bình giải thích: “Lợi thế của liên/xuyên ngành, song ngành là chúng ta bỏ các môn trùng nhau không học lại nữa. Ví dụ như ở Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có ngành kinh tế số, nghe hơi xa lạ nhưng thực chất là sự kết hợp 2 ngành là quản trị kinh doanh và công nghệ thông tin.
 
Nếu học đơn lẻ 2 ngành này, các em sẽ học quản trị kinh doanh 3 năm; công nghệ thông tin 3,5 năm, tổng là 6,5 năm. Khi học liên/xuyên ngành các em sẽ học thời gian 5 năm. Vì được rút ngắn các môn đại cương, các môn trùng lặp. Ngoài ra, còn có các ngành du lịch số, công nghệ tài chính,… sử dụng công nghệ 4.0 áp dụng một ngành nghề đơn lẻ với công nghệ thông tin”.
 
Để học liên/xuyên ngành các em phải học một số môn chuyển đổi ngành, các môn này sẽ có tác dụng liên kết 2 chương trình lại với nhau, không phải đặc thù chỉ học 1 chương trình thôi. Tức là sử dụng kiến thức ngành thứ nhất áp dụng cho ngành thứ 2. Khi đó học sinh sẽ chọn ngành chính, ví dụ ngành kinh tế số chúng ta sẽ có quyền chọn ngành 1 là ngành công nghệ thông tin. Đây là ngành xuất hiện ở Việt Nam sau dịch và theo ThS Nguyễn Thanh Bình thì cơ hội việc làm rất cao.
 
Học sinh tham quan cơ sở vật chất các trường ĐH để hiểu hơn về ngành, nghề trường.
Học sinh tham quan cơ sở vật chất các trường ĐH để hiểu hơn về ngành, nghề trường.
Ngành điều dưỡng- Nhiều cơ hội làm việc nước ngoài
 
Giới thiệu cho học sinh về ngành điều dưỡng, ThS Lê Thị Lộc Mai- Trưởng Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trường ĐH Cửu Long cho biết: Ngành điều dưỡng đào tạo cử nhân điều dưỡng đạt năng lực thực hành điều dưỡng trong việc chăm sóc người bệnh, trong công tác quản lý điều dưỡng và điều hành điều dưỡng. 
 
Có năng lực thực hành chăm sóc, biết đánh giá tình trạng sức khỏe và bệnh tật của cá nhân, gia đình và cộng đồng. Ra quyết định chăm sóc phù hợp với nhu cầu cá nhân, gia đình và cộng đồng. Sử dụng thành thạo quy trình điều dưỡng để lập kế hoạch chăm sóc và can thiệp điều dưỡng. Quản lý và vận hành các thiết bị y tế có hiệu quả. Có kiến thức chuyên ngành để học các bậc học thạc sĩ, tiến sĩ.
 
“Khi tốt nghiệp ngành điều dưỡng có thể làm việc tại bệnh viện, các cơ sở y tế khám chữa bệnh, trung tâm y tế dự phòng, phòng y tế của công ty doanh nghiệp, xí nghiệp trường học, chăm sóc người bệnh tại nhà, các trường ĐH, CĐ, TC chuyên nghiệp. Và hướng đi rộng gần đây mà nhiều học sinh quan tâm là hợp tác lao động nước ngoài.
 
Cuối năm 2022, Trường ĐH Cửu Long có 20 sinh viên ngành điều dưỡng, tham gia chương trình làm việc, thực tập và trải nghiệm tại Nhật. Không chỉ ở thị trường Nhật Bản mà nhiều nước như Đức, Canada,… cũng đang rất cần nhân lực khối ngành này”- bà Mai cho hay.
 
Học thực hành bao nhiêu?
 
Đối với khối ngành công nghệ, kỹ thuật trước nay luôn được nhiều học sinh quan tâm. Để giải thích rõ về việc học thực hành ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cũng như thực hành bao nhiêu là đủ. 
 

 

Đặt câu hỏi trực tiếp sẽ được các chuyên gia tư vấn cụ thể hơn là học sinh tìm thông tin trên mạng.
Đặt câu hỏi trực tiếp sẽ được các chuyên gia tư vấn cụ thể hơn là học sinh tìm thông tin trên mạng.
TS. Mai Hoàng Long- Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho biết: “Tùy theo định hướng đào tạo của trường là ứng dụng hay nghiên cứu, thực hành mà thời gian học lý thuyết và thực hành có khác nhau. Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long tất cả các ngành phải có học thực hành. Thời gian học thực hành khác nhau tùy theo ngành các em theo học. Ví dụ ngành Luật thì nghiên về lý thuyết nhiều hơn là các ngành kỹ thuật, công nghệ”. 
 
Hướng dẫn học sinh tham khảo chương trình, ông Long cho biết: “Khi nhìn vào chương trình đào tạo được công khai trên trang thông tin của trường, ví dụ có 150 tín chỉ và thời gian thực hành 50% thì các em cho rằng sẽ được học 75 tín chỉ lý thuyết, 75 tín chỉ thực hành, hiểu như vậy cũng chưa đúng. Vì một tín chỉ lý thuyết có thời gian học 15 tiết, trong khi 1 tín chỉ thực hành thời gian học 30 giờ.
 
Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, thời gian thực hành từ 50- 70%. Thực hành ít hay nhiều tùy ngành, và đối với khối ngành công nghệ- kỹ thuật thì trăm hay không bằng tay quen nên thời gian thực hành rất nhiều”.
 
Không ngại đưa ra những câu hỏi để được giải đáp cặn kẽ, học sinh sẽ hiểu hơn về ngành nghề để có lựa chọn đúng nhất, thích hợp nhất. 
 
Bộ GD-ĐT quy định về công khai thông tin chương trình đào tạo. Cơ sở đào tạo có trách nhiệm công khai thông tin trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo, bao gồm: thông tin chung về chương trình áp dụng đối với khóa tuyển sinh cụ thể, hình thức phương thức thời gian đào tạo, các thông tin theo yêu cầu của chuẩn chương trình đào tạo. Kết quả đánh giá chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, những cải tiến chương trình đào tạo đã thực hiện trong vòng 5 năm liền trước đó; tình trạng kiểm định của các chương trình đào tạo đang thực hiện tại cơ sở đào tạo.
Bài, ảnh: CAO HUYỀN