Phát triển giáo dục- đào tạo, xây nền tảng phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL

Cập nhật, 15:14, Thứ Ba, 28/02/2023 (GMT+7)
Về giáo dục ĐH, Vĩnh Long có 3 trường ĐH, 1 phân hiệu ĐH xếp thứ 2 khu vực ĐBSCL sau TP Cần Thơ.
Về giáo dục ĐH, Vĩnh Long có 3 trường ĐH, 1 phân hiệu ĐH xếp thứ 2 khu vực ĐBSCL sau TP Cần Thơ.

ĐBSCL là vùng sản xuất lúa, gạo và thủy sản lớn nhất cả nước, tuy nhiên đây là vùng còn nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục- đào tạo (GD-ĐT). Ngày 27/2, Bộ GD-ĐT đã tổ chức “Hội nghị phát triển GD-ĐT vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hội nghị nhằm triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL.

Đã thoát khỏi vùng trũng giáo dục

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định ĐBSCL là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế- chính trị và quốc phòng- an ninh; là địa bàn giàu tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông nghiệp, thủy sản, du lịch; có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước.

Thời gian qua, GD-ĐT của vùng ĐBSCL đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực cố gắng của ngành giáo dục các cấp, sự quan tâm của toàn xã hội trong những năm vừa qua”.

Vượt qua nhiều khó khăn, GD- ĐT vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2021 có một số chỉ số về GD-ĐT đạt mức trung bình và trên trung bình so với cả nước. Hệ thống mạng lưới trường học từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông đã được xây dựng và phát triển đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Cụ thể, kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS được củng cố, duy trì. Chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn có chuyển biến, thu hẹp dần khoảng cách với các địa phương trong cả nước.

Về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, chất lượng phổ cập giáo dục các cấp, xóa mù chữ được đảm bảo, quan tâm bên cạnh việc đầu tư cho giáo dục chất lượng cao. Chất lượng giáo dục đại trà được duy trì và nâng cao sau từng năm.

Về giáo dục ĐH, năm học 2010-2011, vùng ĐBSCL có 13 cơ sở giáo dục ĐH. Đến năm 2020, số lượng cơ sở giáo dục ĐH đã tăng lên đến 21 trong đó có 4 phân hiệu và 8 cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập. Trong đó, Cần Thơ dẫn đầu với 5 trường ĐH và 1 phân hiệu ĐH, Vĩnh Long xếp thứ 2 với 3 trường ĐH và 1 phân hiệu ĐH.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Từ giờ không nói ĐBSCL là vùng trũng về giáo dục nữa, giờ đã bằng rồi, thậm chí còn có những điểm khả quan, đáng mừng”.

Thách thức ngày càng cao

Những kết quả GD-ĐT ĐBSCL đạt được sau 10 năm theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn “cho thấy chất lượng đội ngũ, sự nỗ lực phi thường”. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định khó khăn còn rất nhiều, thách thức chồng chất.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, mỗi một tỉnh ĐBSCL có tình hình khác nhau, có những khó khăn riêng, ngân sách có hạn. Cần quan tâm, đầu tư đúng thời điểm khi mà chương trình giáo dục phổ thông đang là trọng tâm năm học 2023-2024, để mang lại hiệu quả cao nhất. Bên cạnh phối hợp với các bộ ngành đề xuất kiến nghị các chính sách đầu tư.

Vĩnh Long là tỉnh nằm trong top đầu cả nước về điểm thi tốt nghiệp THPT nhiều năm liền.
Vĩnh Long là tỉnh nằm trong top đầu cả nước về điểm thi tốt nghiệp THPT nhiều năm liền.

Chia sẻ tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long bày tỏ về tỷ lệ huy động trẻ thấp nhất cả nước; tỷ lệ học sinh bỏ học cao.

Trên cơ sở phân tích, bà Quyên Thanh cho rằng: “Thực tế này, một phần là do chi ngân sách cho giáo dục ĐBSCL còn thấp, xuất phát từ GDP của vùng thấp hơn các vùng khác, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm đã ảnh hưởng đến ngân sách đầu tư cho giáo dục. Tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐBSCL là 13,5% trong khi bình quân cả nước là 15,9%. Mức hỗ trợ của Trung ương cho ĐBSCL còn thấp, trong khi đó, chính sách chủ trương hỗ trợ phát triển GD-ĐT vùng còn ít”.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong các đơn vị tiếp tục phối hợp với ngành nhằm triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL, trong đó có lĩnh vực GD- ĐT.

Bộ trưởng cho rằng: “Những việc sắp tới còn rất nhiều, đó là những khó khăn về cơ sở hạ tầng, cần có giải pháp tổng thể giải quyết vấn đề, trong đó cấp bách là kiên cố hóa trường học; trang thiết bị phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Để phát triển GD-ĐT ĐBSCL, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh đề xuất: “Thời gian tới vùng ĐBSCL cần được đầu tư nhiều hơn, rà soát trường lớp từ mầm non đến phổ thông; các tỉnh thực hiện tốt công tác quy hoạch để đảm bảo không phân tán, điểm nhỏ, điểm lẻ; cần phân bố hợp lý, đảm bảo điều kiện, chất lượng giáo dục. Cần có cơ chế chính sách cho ĐBSCL, tăng cường huy động trẻ bằng các chính sách như hỗ trợ ăn trưa cho học sinh nghèo, điều kiện sống không được đảm bảo. Cùng với đó là chế độ chính sách cho học nghề, cơ hội việc làm đúng nghề nghiệp tại địa phương”.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN