Tăng sức hấp dẫn của du lịch bằng ẩm thực

Cập nhật, 21:19, Chủ Nhật, 24/03/2024 (GMT+7)
Các địa phương đang nỗ lực chăm chút ẩm thực để tăng sức hấp dẫn cho du lịch.
Các địa phương đang nỗ lực chăm chút ẩm thực để tăng sức hấp dẫn cho du lịch.
Cùng với bản sắc văn hóa độc đáo, cảnh quan thiên nhiên hữu tình, tinh hoa ẩm thực đang trở thành đặc sản hút khách.
 
Ẩm thực không chỉ đóng vai trò là yếu tố phục vụ nhu cầu ăn uống đơn thuần mà còn chi phối sự lựa chọn điểm đến và kích thích khả năng chi tiêu của du khách. Các địa phương đang nỗ lực chăm chút cho “mỏ vàng” ẩm thực để tăng sức hấp dẫn cho du lịch. 
 
Xây dựng thương hiệu ẩm thực Việt Nam
 
Ngày 15/3 vừa qua, bánh mì Việt Nam được đánh giá cao nhất với 4,6/5 sao trong 100 món bánh mì kẹp ngon nhất thế giới do chuyên trang ẩm thực nổi tiếng Taste Atlas công bố. Thời gian qua ẩm thực Việt Nam được nhiều chuyên trang du lịch và cẩm nang ẩm thực nổi tiếng vinh danh. Nhiều món ăn Việt đã dần ghi danh trên bản đồ ẩm thực quốc tế, như: phở, bún chả, bánh xèo, canh chua…
 
Chuyên trang du lịch Travel+Leisure (Mỹ) chọn Việt Nam là điểm đến có nền ẩm thực hấp dẫn khu vực châu Á năm 2023 với nhận xét: “Văn hóa ẩm thực Việt Nam sở hữu những món ăn tươi ngon có hương vị đậm đà. Ðất nước này được biết đến với cảnh quan tuyệt đẹp và kho tàng ẩm thực phong phú. Bất kỳ nơi nào bạn đến đều sẽ bắt gặp những món ngon địa phương ngay trên vỉa hè, khiến bạn say mê, đắm chìm trong những trải nghiệm mới thú vị”.
 
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ- Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, với nền văn hóa ẩm thực đa dạng và có nét đặc trưng riêng, Việt Nam có thể xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn từ ẩm thực để tăng thêm tính trải nghiệm, tạo sức hút du khách lưu trú lâu hơn.
 
Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022-2024”, với định hướng bảo tồn, phát huy giá trị ẩm thực, góp phần xây dựng thương hiệu ẩm thực địa phương và phát triển du lịch.
 
Theo đó, hiệp hội đã trao chứng nhận cho 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam (giai đoạn 1) hướng tới xây dựng “Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và chuyển đổi số cơ sở dữ liệu đó thành Bản đồ Trực tuyến ẩm thực Việt Nam, Bảo tàng Trực tuyến ẩm thực Việt Nam.
 
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định du lịch ẩm thực là một trong những dòng sản phẩm quan trọng góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và thương hiệu du lịch Việt Nam.
 
Theo đó, Cục Du lịch quốc gia định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch ẩm thực hấp dẫn, chất lượng, trong đó chú trọng cung cấp các trải nghiệm khám phá về bản sắc văn hóa, sinh hoạt cộng đồng tại điểm đến gắn với các món ăn, đồ uống; quan tâm chia sẻ với du khách không gian ẩm thực hay văn hóa ứng xử trên bàn ăn theo truyền thống, từ đó nâng hành trình khám phá du lịch ẩm thực lên một tầm cao mới.
 
Tạo điểm nhấn cho ẩm thực miệt vườn Vĩnh Long
 
Thời gian qua, các mô hình du lịch sinh thái, du lịch vườn trên địa bàn không chỉ khai thác những lợi thế sẵn có như vườn trái ngon, hoa cảnh đẹp mà ngày càng chăm chút về ẩm thực. Các điểm đến chú trọng những đặc sản mang dấu ấn địa phương, với nhiều món ngon, độc, lạ được nuôi trồng sạch tại nhà vườn tạo điểm nhấn để thu hút thực khách. 
 
Chị Nguyễn Thị Đoan Trân- thành viên HĐQT SomoFarm Cửu Long (TT Cái Nhum, huyện Mang Thít) chia sẻ, điểm đến được xây dựng theo hướng mô hình nông nghiệp sạch “từ trang trại đến bàn ăn”, để khách trải nghiệm những hoạt động nuôi trồng hữu cơ.
 
Du khách được chính tay gieo hạt và trồng những luống rau của riêng mình, hái và thưởng thức những trái cây chín ngoài vườn. Heo rừng phục vụ thực khách được nuôi ngay tại trang trại, tận dụng cây cỏ, hèm rượu làm thức ăn.
 
Cây trong vườn không sử dụng phân bón hóa học mà dùng hợp chất sinh học làm từ gừng, sả, tỏi, ớt để chăm sóc, dùng hèm rượu và mật mía làm phân bón hữu cơ…
Du khách trải nghiệm hái rau lá vườn nhà và chế biến món ăn.
Du khách trải nghiệm hái rau lá vườn nhà và chế biến món ăn.
Ông Nguyễn Văn Trong- Điểm du lịch sinh thái Tám Trong (xã Phú Thành, huyện Trà Ôn) cho biết: “Nơi đây đón khách từ tháng 6/2016. Du khách đến đây đều rất thích cảnh của cồn Công do còn vẻ hoang sơ, cách tiếp đón cũng mộc mạc, gần gũi; đồng thời được thưởng thức nhiều món ăn ngon dân dã chế biến từ cá lóc, cá trê, cá tra, ốc bươu, gà, vịt với giá rất “mềm”.
 
Đến đây, du khách còn được tham quan, hái trái cây rất thoải mái với các loại nhãn, cam, chôm chôm và có thể mua khô cá lóc, khô cá lòng tong đặc sản để làm quà cho người thân. Mong rằng sắp tới sẽ có nhiều hộ mở dịch vụ để khu vực trở thành một làng du lịch sinh thái, cộng đồng thu hút nhiều du khách hơn”. 
 
Theo ông Nguyễn Trọng Tín- Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa-TT-DL), Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia” do Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam chủ trì. Trong giai đoạn I/2022, đề án đã nhận được 421 đề cử món ẩm thực được gửi đến từ 60/63 tỉnh, thành phố.
 
Tháng 9/2023, tại Hà Nội, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã tổ chức lễ trao chứng nhận 121 món ẩm thực tiêu biểu giai đoạn I/2022. Tỉnh Vĩnh Long có 3 món đặc sản nổi tiếng gồm: Tàu hủ ky Mỹ Hòa chiên giòn, cá cóc kho nước dừa và cá lăng hơ nhúng giấm đã được Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam chọn vào danh sách 121 món.
 
Đặc biệt, “món tàu hủ ky Mỹ Hòa chiên giòn” đã tận dụng được tài nguyên bản địa, gìn giữ được những giá trị truyền thống và sáng tạo, nâng giá trị món ăn theo xu hướng hiện đại được đánh giá rất cao.
Du khách trải nghiệm bữa ăn miệt vườn tại Vĩnh Long.
Du khách trải nghiệm bữa ăn miệt vườn tại Vĩnh Long.
 
Để ẩm thực là một trong những yếu tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn để thu hút du khách, cần phát huy những lợi thế sẵn có, từ những nguyên liệu của thiên nhiên đến những nguyên liệu đặc trưng riêng có của từng vùng.
 
Trong đó, Bình Tân nổi bật với diện tích trồng khoai lang lớn của cả khu vực ĐBSCL; Bình Minh có bưởi năm roi, trái thanh trà, tàu hủ ky; Trà Ôn có làng nghề bánh tráng hàng trăm năm; cù lao Long Hồ, Vũng Liêm có cây trái bốn mùa ngọt thơm…
 
Đồng thời, cần đẩy mạnh quảng bá trên các kênh truyền thông, trang mạng xã hội và các sự kiện xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế; xây dựng “bản đồ foodtour” để du khách có thể tự mình khám phá, trải nghiệm ẩm thực địa phương…
 
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ