Du lịch Vĩnh Long cần nghĩ lớn, làm lớn để trở nên khác biệt

Cập nhật, 06:47, Chủ Nhật, 11/02/2024 (GMT+7)

(VLO) Không thể đi trên “lối mòn” trong suốt mấy thập kỷ qua! Cần có khát vọng, quyết tâm mạnh mẽ để “chỉnh nắn” con đường tương lai cho du lịch Vĩnh Long. Khi mà chúng ta có những tiềm năng khác biệt không địa phương nào có được thì cần phải nghĩ lớn, làm lớn để Vĩnh Long trở thành trung tâm du lịch đặc biệt của đồng bằng.

Du lịch sông nước là sản phẩm truyền thống của du lịch Vĩnh Long.
Du lịch sông nước là sản phẩm truyền thống của du lịch Vĩnh Long.

“Bùng nổ” bằng du lịch văn hóa

Trước hết, cần xác định rõ trong định hướng các dòng sản phẩm đặc thù, thì đâu là phân khúc mang tính nền tảng, truyền thống và phải chỉ ra đâu là mũi nhọn mang tính đột phá, tạo nên sự “bùng nổ” cho du lịch Vĩnh Long.

Điển hình như “sông nước miệt vườn” là hệ sinh thái chung của đồng bằng không phải là “thế mạnh” riêng; ngay cả mỹ từ “đệ nhất homestay” với rất nhiều cơ sở thuộc 4 xã cù lao đạt giải thưởng du lịch ASEAN, thì tất cả các địa phương khác đều có thể xây dựng homestay, hay như du lịch nông nghiệp khó lòng tạo nên những dòng sản phẩm “độc nhất vô nhị”.

Tham quan lò cốm kẹo trên cù lao An Bình (Long Hồ).
Tham quan lò cốm kẹo trên cù lao An Bình (Long Hồ).

Đi theo hướng này chẳng khác nào các địa phương cùng “dàn hàng ngang- cùng tiến” và chính là sự lặp lại một… thế mạnh.

Trong khi đó, không gian văn hóa di sản là tài nguyên du lịch lớn nhất, vô giá và không thể có “phiên bản” mới là “thế mạnh không đâu có được” của Vĩnh Long.

Cần có một “cánh chim đầu đàn” đủ tiềm lực, tài lực, nhân lực cùng với khát vọng, quyết tâm lớn từ địa phương để hiện thực hóa giấc mơ, chúng ta tạo nên “sân chơi mới” và vươn lên “dẫn dắt cuộc chơi” của du lịch đồng bằng.

Một con đường gốm đỏ lồng ghép vào sự kiện kỷ niệm 110 năm Ngày sinh GS.VS Trần Đại Nghĩa (tháng 9/2023), đã chứng minh sức hấp dẫn của di sản Vĩnh Long. Đây chỉ mới là một mô hình, nhưng lần đầu tiên sự nỗ lực của Vĩnh Long đã tạo nên dấu ấn khác biệt.

Đây là cơ sở để chúng ta nghĩ lớn, làm lớn đưa những giá trị di sản sống lại từ lớp bụi mờ của thời gian, bằng vẻ đẹp sâu thẳm, thâm trầm văn hóa xa xưa, vừa lung linh ảo diệu của nghệ thuật tạo hình hiện đại, làng nghề gạch gốm sẽ là và phải là một sản phẩm du lịch “có một không hai” của đồng bằng và cả nước.

Câu chuyện nhỏ cùng ông chủ nhà gốm Tư Buôi, trong lần đầu tiên đến đây trò chuyện riêng, nhìn thấy cái lòng của ông bỏ vào sản phẩm như muốn tái hiện giá trị của làng nghề và đưa cả nền văn hóa nông nghiệp lúa nước vào từng nét chạm trên từng cây cột gốm, nó thực sự thuyết phục du khách như thể lạc bước vào không gian văn hóa Nam Bộ nhưng lại rất riêng của Vĩnh Long.

Tôi đã đặt vấn đề nên sớm đăng ký kỷ lục cho “nhà gốm Tư Buôi”, không phải là “hám danh” mà đó là thực chất và cũng là cách quảng bá tốt nhất cho sản phẩm. Chỉ mấy ngày sau đã nghe ông bay ra Hà Nội làm thủ tục đăng ký kỷ lục cho nhà gốm.

Một sản phẩm, một tâm huyết cần được tôn trọng và ghi nhận. Tuy nhiên, ở góc độ khác chúng ta cũng cần cẩn trọng khi xây dựng những mô hình dạng này, bởi nó cần phải gắn trong cộng đồng làng nghề mới giữ cái hồn cái vía của sản phẩm du lịch văn hóa sâu xa.

Nhìn rộng hơn, Vĩnh Long không chỉ có làng gốm nằm bên bờ sông Cổ Chiên, nhìn về phía sông Hậu chúng ta đã có di sản làng nghề tàu hủ ky đã được công nhận cấp quốc gia và rất nhiều di tích văn hóa lịch sử gắn với tiến trình mở đất của cha ông, những di tích gắn liền với tên tuổi những danh nhân kiệt xuất.

Đó là cơ sở các đơn vị lữ hành đủ tầm có thể thiết kế sản phẩm du lịch hoàn chỉnh về “Con đường di sản- danh nhân văn hóa lịch sử Vĩnh Long”. Đó là câu chuyện của tương lai!

Khát vọng lớn, quyết tâm lớn

Nhìn lại thực trạng du lịch hiện nay, trong bối cảnh du lịch cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng đang có những tín hiệu, kết quả phục hồi tích cực, việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 có những đánh giá sát với thực tế.

Con đường gốm đỏ nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh GS.VS Trần Đại Nghĩa (9/2023), dấu ấn thành công tổ chức sự kiện của tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Thanh Thiện
Con đường gốm đỏ nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh GS.VS Trần Đại Nghĩa (9/2023), dấu ấn thành công tổ chức sự kiện của tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Thanh Thiện

Theo đó, việc từ sau khi mở cửa lại các hoạt động du lịch, sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự ủng hộ và chia sẻ của các tổ chức, cá nhân; sự chủ động vào cuộc quyết liệt của các địa phương trong tỉnh; sự đồng hành, sát cánh của doanh nghiệp và công tác chỉ đạo định hướng kịp thời, hiệu quả về cơ cấu lại thị trường, làm mới sản phẩm dịch vụ, liên kết phát triển và quảng bá xúc tiến du lịch đã giúp ngành du lịch vượt qua những khó khăn, thách thức và từng bước phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng.

Du khách tham quan nhà dừa ở điểm du lịch CocoHome
Du khách tham quan nhà dừa ở điểm du lịch CocoHome

Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời, đề nghị: “Ngành du lịch cần khẩn trương, tích cực tập trung triển khai Nghị quyết 82 của Chính phủ về đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, đồng thời xác định rõ nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương trong xây dựng kế hoạch gắn với các giải pháp phát triển du lịch nhanh, phục hồi, tăng tốc, hiệu quả, bền vững.

Ngoài ra, cần tập trung huy động các nguồn lực dành cho đầu tư phát triển ngành du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển kết cấu cơ sở hạ tầng, các công trình trọng điểm; đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết giữa hoạt động du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”,... nhằm tạo tiền đề thúc đẩy phát triển ngành du lịch qua đó góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong thời gian tới”.

 Sau đại dịch COVID-19, lượng khách quốc tế phục hồi nhưng vẫn còn chậm so với kỳ vọng.
Sau đại dịch COVID-19, lượng khách quốc tế phục hồi nhưng vẫn còn chậm so với kỳ vọng.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra chỉ tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025. Tỉnh xác định rõ, để đạt mục tiêu trên thì lượt khách và doanh thu du lịch phải có sự tăng trưởng mạnh.

Và dĩ nhiên để làm được điều đó thì bên cạnh sự quan tâm của các cơ quan nhà nước, sự nỗ lực của doanh nghiệp thì vấn đề nghiên cứu, sáng tạo để tạo ra các sản phẩm khác biệt, liên kết tour, tuyến, giữ chân du khách, tăng chi tiêu của khách khi đến Vĩnh Long là vấn đề quan trọng cần phải tập trung thực hiện và có giải pháp căn cơ.

Mặc dù sau đại dịch, du lịch Vĩnh Long đã có bước phục hồi, tăng trưởng mạnh, song phải cần sự nỗ lực nhiều hơn trong thời gian tới.

Hơn thế nữa, cần khát vọng, quyết tâm lớn đưa Vĩnh Long trở thành trung tâm du lịch đặc biệt của đồng bằng. Đó là ước vọng có cơ sở thực tế dựa trên tiềm năng, tài nguyên du lịch sẵn có, cũng là kỳ vọng những điều tốt đẹp nhất cho du lịch phát triển có tính chất đột phá trong năm 2024.

Một năm mới, niềm tin mới và sức bật mới!

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG