Hợp tác quốc tế góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học

Cập nhật, 14:32, Thứ Tư, 03/04/2024 (GMT+7)

 

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long làm việc với đối tác Nhật Bản.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long làm việc với đối tác Nhật Bản.

Với xu hướng hội nhập toàn cầu, hợp tác quốc tế (HTQT) có ý nghĩa to lớn giúp các cơ sở giáo dục ĐH nâng cao chất lượng đào tạo. Vấn đề này được đề cập trong tọa đàm mới đây do Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long tổ chức với chủ đề: “HTQT trong đào tạo và nghiên cứu khoa học tại các trường ĐH sư phạm kỹ thuật”.

Xu thế tất yếu

Khẳng định vai trò của HTQT, các trường ĐH tham gia tọa đàm đã cùng chia sẻ kinh nghiệm, bài học thành công trong quá trình HTQT của các trường.

Cụ thể, về đào tạo lao động Việt Nam đáp ứng nhu cầu quốc tế, PGS.TS Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, góp ý: “Để mở rộng thị phần tại các thị trường quốc gia, lãnh thổ, tiếp nhận lao động Việt Nam, đảm bảo về số lượng và chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian tới cần tập trung nâng cao lao động qua đào tạo, có trình độ chuyên môn kỹ thuật tay nghề”.

Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục ĐH không ngừng tìm kiếm những hướng đi thích hợp để nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới không ngừng để cập nhật nhanh chóng những xu thế mới, tri thức mới trong quá trình đào tạo của các trường.

“Dưới hình thức du học tại chỗ, năm 2019 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long và ĐH Tongmyong Hàn Quốc đã ký kết hợp tác đào tạo chương trình chất lượng cao 2 + 2. Đến nay, đã có 11 chuyên ngành được đào tạo với gần 150 sinh viên. Nhà trường cũng kết nối và thiết lập mối quan hệ hợp tác với hơn 80 công ty, doanh nghiệp, nâng tổng số đối tác của trường lên gần 140 đơn vị”- ông Cao Hùng Phi cho biết.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, các trường cũng chia sẻ khó khăn. Đây không phải là khó khăn riêng mà là khó khăn chung của nhiều đơn vị. Theo TS Đặng Quyết Thắng- Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định, khi triển khai thực hiện hoạt động HTQT, nhà trường còn trở ngại nhất định đó là về trình độ ngoại ngữ của cán bộ, giảng viên, sinh viên còn hạn chế, dẫn đến tâm lý e ngại khi tiếp xúc và thực hiện công tác đối ngoại.

Hoạt động nghiên cứu khoa học chưa tiếp cận được thực tế dẫn đến khó thu hút được sự hỗ trợ kinh phí từ nước ngoài như dự án. Một số giảng viên còn lo ngại về vấn đề văn hóa, điều kiện học tập nghiên cứu ở các nước Châu Âu, chủ yếu tập trung tìm kiếm nguồn học bổng từ các nước trong khu vực.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Tại buổi tọa đàm, các trường cũng nêu lên những giải pháp HTQT như: về cơ chế chính sách, thu hút sinh viên nước ngoài học tập hoặc đưa sinh viên Việt Nam ra học tập nước ngoài,... định hướng phát triển HTQT nghiên cứu khoa học trong thời gian tới.

Theo ông Cao Hùng Phi, giải pháp thúc đẩy HTQT trước mắt là các cơ sở giáo dục cần thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cần có các cơ chế, nội dung, quy định, chính sách ưu đãi, rõ ràng, cụ thể trong các biên bản và dự án đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đồng thời, thu hút đầu tư nước ngoài thúc đẩy HTQT.

“Đào tạo nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục và nghề nghiệp; từng bước đạt chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế, nhằm duy trì việc làm bền vững cho người lao động và nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp”- ông Cao Hùng Phi nói.

Chia sẻ kinh nghiệm HTQT tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định, TS Đặng Quyết Thắng cho rằng: “Cần thường xuyên theo dõi, cập nhật những chủ trương đường lối, nghị quyết, kết luận các hội nghị của Đảng để vận dụng cụ thể phù hợp với điều kiện của trường. Xây dựng và triển khai các hoạt động HTQT phù hợp với chiến lược phát triển chung của nhà trường trong từng giai đoạn”.

TS Đặng Quyết Thắng cũng đề nghị phải tích cực chủ động trao đổi với các đối tác để tìm nguồn, khai thác các dự án, chương trình HTQT về đào tạo, nghiên cứu khoa học. Khuyến khích giảng viên và sinh viên học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ ngoại ngữ; tham gia các hội thảo, hội nghị khoa học quốc tế. Cập nhật phát triển chương trình đào tạo trên cơ sở tham khảo các chương trình tiên tiến quốc tế, ý kiến phản hồi của các bên liên quan. Đồng thời hoàn thiện các điều kiện về liên kết đào tạo; tìm hiểu nghiên cứu luật pháp của nước ngoài liên quan lĩnh vực hợp tác và HTQT về giáo dục, các thông tin về hạn kiểm định.

HTQT có vai trò quan trọng trong nghiên cứu và đào tạo trao đổi kiến thức mới. Thông qua các dự án nghiên cứu, các chương trình đào tạo chung thì quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp và trường ĐH, các nhà nghiên cứu, học giả và sinh viên ngày càng nâng cao, góp phần nâng chất lượng, uy tín của cơ sở giáo dục ĐH.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN