Vì nơi đó là đại gia đình...

Cập nhật, 06:13, Thứ Sáu, 01/07/2022 (GMT+7)

 

Hoạt động dạy trẻ tại cơ sở 4. Cô giáo phải tương tác liên tục, nhận lại một ánh cười của trẻ cũng là một mục tiêu lớn.
Hoạt động dạy trẻ tại cơ sở 4. Cô giáo phải tương tác liên tục, nhận lại một ánh cười của trẻ cũng là một mục tiêu lớn.

(VLO) Một ngày cuối tháng 6, phóng viên Báo Vĩnh Long đến Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long, cụ thể ở các cơ sở của đơn vị để nắm bắt, thấu hiểu hơn về môi trường làm việc tại đây.

Theo Ban Giám đốc, trung tâm hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng trên 200 người thuộc diện bảo trợ xã hội. Mỗi cơ sở trực thuộc trung tâm có chức năng, nhiệm vụ riêng nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu, hoạt động chung là mang lại chất lượng cuộc sống cho người được chăm sóc, trẻ em được nuôi dưỡng tại đây.

Tại cơ sở 1 hiện chăm sóc, nuôi dưỡng người già yếu, trẻ em bị bỏ rơi. Tiếp phóng viên là chị Nguyễn Thị Hồng Liên- nhân viên chăm sóc người cao tuổi.

Chị có dáng người nhỏ nhưng nhanh nhẹn, vừa giới thiệu, trò chuyện vừa dọn dẹp khu chăm sóc, lo khẩu phần ăn uống, thuốc men và chỗ ngủ nghỉ cho các cụ. Chị chia sẻ: “Tôi theo nghề đã mười mấy năm, giờ đây không chỉ là công việc để tạo thu nhập mà còn là một đại gia đình, bởi người quen việc, việc cứ thế gắn chặt cùng người”.

Cũng như nhiều nhân viên chăm sóc khác, chị Hồng Liên cho biết, khi vào trung tâm, mỗi cụ có một hoàn cảnh rất riêng. Có cụ còn minh mẫn để tâm sự chuyện đời éo le cùng nhân viên, có cụ vừa già yếu nằm một chỗ, vừa mang bệnh tật nặng, thậm chí đã đãng trí, nhớ nhớ quên quên.

Lắm khi vừa mới lau dọn, các cụ đã tiêu tiểu vương vãi, chất thải dính cả vào tường, vào chiếu gối, lúc tâm thần không ổn định, có cụ còn ném chất thải vào người nhân viên kèm theo những lời la mắng.

Khó khăn là vậy, nhưng bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, sự cảm thông và lòng trắc ẩn, các nhân viên chăm sóc nơi đây vẫn ngày đêm tận tụy với công việc mà mình đã nhiều năm gắn bó.

Nhân viên tổ chăm sóc người cao tuổi tại cơ sở 1 của trung tâm trong công việc hàng ngày của mình.
Nhân viên tổ chăm sóc người cao tuổi tại cơ sở 1 của trung tâm trong công việc hàng ngày của mình.

Với trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, trẻ bị đa khuyết tật thì việc chăm sóc, nuôi dưỡng cũng rất nặng nhọc, khó khăn. Vừa là công việc chân tay vất vả, còn phải khéo léo, tinh tế để nắm bắt từng chuyển động tâm lý của các em ở đa dạng độ tuổi.

Công việc đặc thù nên tập thể luôn ở tâm thế gồng gánh, hỗ trợ nhau. Ngày lễ, tết đều phải có các kíp thay phiên nhau trực.

Cơ sở 3 của trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh tâm thần. Phải đảm bảo cho mỗi người từng miếng ăn, giấc ngủ, còn lo cho họ thuốc uống, lao động trị liệu, vật lý trị liệu, sinh hoạt tập thể thư giãn đầu óc...

Nhân viên lúc nào cũng quản lý sát sao nhằm hướng dẫn, giúp đỡ họ kịp thời, có khi phải đứng ra hòa giải do họ bị rối nhiễu tâm trí, rất dễ nổi nóng, gây hấn với người khác.

Chăm sóc người cao tuổi và dạy trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ theo hướng dịch vụ là hoạt động chính ở cơ sở 4 thuộc trung tâm. Theo bước nhân viên tại đây, chúng tôi mới cảm nhận hết được sự cố gắng của từng người để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Chị Trần Thị Nhung- giáo viên dạy trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ nói trong xúc động: “Công việc vất vả lắm vì đây là những trẻ có nhu cầu đặc biệt. Có giờ học trẻ thụ động, thờ ơ, tôi cứ tương tác liên tục mà trẻ cứ nhìn nơi đâu.

Có giờ học trẻ la hét, đập phá bàn ghế, khi không kiểm soát là tìm cách đánh cô, cắn bạn, vùng chạy khỏi lớp, tôi phải nhanh chân lẹ mắt giữ trẻ lại, chú ý an toàn chung.

Qua thời gian, trẻ bi bô nói được vài từ rồi vài câu, ngoan hơn, biết ôm lấy cô thể hiện cảm xúc mừng vui, nũng nịu, tôi mừng rơi nước mắt”.

Chị Đoàn Thị Diễm Linh- cũng là giáo viên dạy trẻ chia sẻ, trung tâm vừa đảm trách chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội vừa phấn đấu hoàn thiện mô hình dịch vụ. Vì thế, luôn trên tinh thần chung vai, chung sức để tận lực hoàn thành nhiệm vụ.

Thế đấy, ai cũng chọn cho mình một nghề để mưu sinh. Còn chọn nghề để gắn bó, thì cần lắm tình thương, trách nhiệm, bên cạnh sự cảm thông và giúp đỡ của toàn xã hội.

Bài, ảnh: THÁI LINH