Dịp hè, phòng tai nạn thương tích cho trẻ

Cập nhật, 05:49, Thứ Hai, 27/06/2022 (GMT+7)

 

Phụ huynh có thể chủ động phòng ngừa tai nạn đuối nước cho con bằng việc cho trẻ học bơi.
Phụ huynh có thể chủ động phòng ngừa tai nạn đuối nước cho con bằng việc cho trẻ học bơi.

Với bản tính hiếu động, tò mò nhưng chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh cùng với sự bất cẩn của phụ huynh là nguyên nhân khiến những tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em gia tăng, đặc biệt là thời gian trẻ được nghỉ hè.

Trẻ tai nạn do té ngã

Gần đây, Khoa Ngoại chấn thương- Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận nhiều trường hợp chấn thương trẻ em chủ yếu do tai nạn sinh hoạt, một số ít do tai nạn giao thông, trẻ đến bệnh viện có nhiều hình thái chấn thương, từ thương tổn nhẹ đến thương tổn lớn hơn như gãy xương trật khớp.

Nhìn con gái Nguyễn Ngọc Khánh Hà (3 tuổi, Phường 2- TP Vĩnh Long) vừa phẫu thuật chấn thương gãy chỏm quay trễ tại Khoa Ngoại chấn thương mà anh Nguyễn Quang Tín không khỏi xót thương. “Tối hai chị em chạy giỡn quanh nhà. Không may bé nhỏ trợt chân té chống tay. Ẵm lên con khóc thét, cái trỏ tay phải chỏi bị lều khều là tôi nghi con gãy tay rồi. Vợ chồng tức tốc đưa con vô bệnh viện và được bác sĩ hội chẩn mổ điều trị chỏm quay, nẹp bột cánh tay cho con”.

Theo các bác sĩ: đối với trẻ nhỏ khi gãy xương cần phải khám chuyên khoa, vì ở trẻ con xương là sụn, chụp X quang rất khó thấy tổn thương. Ngoài ra, sụn tăng trưởng ở trẻ nếu bác sĩ không có chuyên khoa sẽ dễ nhầm lẫn với gãy. Vì vậy, với những chấn thương ở trẻ con, cần phải đi khám tại những bệnh viện lớn có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình nhi để phân biệt là có gãy xương hay không, hoặc khi gãy ở vùng khớp phải điều trị thật sớm; không nên tự ý điều trị bó thuốc cho trẻ.

Có thể nói hầu như đứa trẻ nào cũng từng bị ngã từ một vài lần đến nhiều lần. Trẻ bị ngã phần lớn là do sự vô ý hoặc bất cẩn của người lớn hoặc do tính tò mò, hiếu động chạy giỡn, chưa nhận thức được hết những nguy cơ xảy ra tai nạn. Thường gặp nhất là té ngã do chơi đùa xô đẩy nhau, trẻ chạy nhảy ở những nơi trơn trượt, leo trèo, cầu thang, tai nạn giao thông,… Có trường hợp trẻ chỉ bị xây xát nhẹ ngoài da và không gây hậu quả gì nghiêm trọng, nhưng có trường hợp bị chấn thương rất nặng nề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Tín- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An- Loan Trâm khuyến cáo: “Khi ở nhà, chúng ta phải có người coi trẻ để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra trong chính ngôi nhà của mình như: phỏng, điện giật, té xô, té hồ nước hòn non bộ gây ngạt nước, uống nhầm thuốc, hóa chất… Bậc thềm, cầu thang phải có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng trẻ bị ngã. Ổ điện trong nhà phải có hệ thống an toàn, chống giật hoặc thiết kế phù hợp, ở tầm cao trẻ không thể tiếp cận được. Những tai nạn do điện thường là tai nạn nặng, để lại nhiều biến chứng nặng nề đối với trẻ nhỏ; khi đi xe máy phải đội nón bảo hiểm và cài dây an toàn”.

Đến chích vắc xin ngừa dại tại CDC tỉnh, bên chân trái băng bó, em Lê Quốc Anh (7 tuổi, xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình) kể: “Con chó nhà mới đẻ nên nó dữ quá, nó táp vô chân con chảy máu. Ba dẫn con lại trạm băng vết thương rồi chở con ra đây chích ngừa nè. Ba xích con chó lại luôn rồi”.

Theo bác sĩ Lê Thị Thắng (CDC tỉnh), khi bị chó mèo cắn cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. Sau đó, thực hiện tốt việc tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại. Trẻ bị vật nuôi tấn công do sự lơ là của người lớn, chủ quan để trẻ chơi một mình, súc vật tấn công trẻ thình lình, bất ngờ khiến phụ huynh trở tay không kịp. Trẻ bị súc vật tấn công phải đi tiêm ngừa.

Ngoài ra, những bệnh liên quan đến ký sinh trùng chó, mèo không kém phần nguy hiểm. Nguy cơ lây nhiễm cũng tăng lên nếu chó, mèo được cho đi lại tự do trong nhà hoặc trẻ thường xuyên ôm ấp, nựng nịu chúng. Chất thải của vật nuôi dính vào vật dụng, nhất là nước tiểu của mèo, cũng dễ gây hen suyễn, dị ứng hô hấp.

Phòng tai nạn đuối nước ở trẻ

Đuối nước là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em, nhất là ở vùng nông thôn. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm. Riêng tỉnh Vĩnh Long đã có 5 trường hợp tử vong do đuối nước. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ, chưa giám sát chặt chẽ con em mình, để trẻ tự do đi lại, trong khi các em lại thiếu những kỹ năng phòng chống đuối nước. Sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tai nạn đuối nước, nhất là khi học sinh vừa được nghỉ hè.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Tín, đuối nước là một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, nơi có nhiều ao, hồ, sông, rạch. Đây là một dạng của ngạt, do nước bị hít vào phổi, gây co thắt thanh quản dẫn đến tắc nghẽn đường thở khi nạn nhân ở trong nước. Trong trường hợp bị ngạt quá 4 phút sẽ có tổn thương não, quá 10 phút có thể gây tử vong hoặc may mắn sống sót có thể để lại di chứng não nặng nề.

Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy đến với trẻ em do đuối nước, các bác sĩ khuyến cáo: Đối với các trẻ nhỏ các bậc phụ huynh cần chú ý đến trẻ, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi trẻ được nghỉ hè. Chỉ cần một phút sơ sẩy có thể trả giá bằng cả mạng sống của trẻ. Tuyệt đối không để trẻ chơi gần ao, hồ, kênh, mương… Phụ huynh hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa tai nạn đuối nước cho con bằng việc cho trẻ học bơi; tập huấn các kỹ năng bơi, sinh tồn dưới nước và sơ cứu cơ bản trong trường hợp không có sự giúp đỡ của người lớn.

Qua số liệu thống kê hàng năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước, trung bình mỗi ngày có 5 trẻ bị đuối nước, đứng đầu trong các tai nạn thương tích của trẻ.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN