"Nâng cao nội lực, sức mạnh nội sinh bằng sức mạnh của kỹ năng nghề"

Cập nhật, 06:58, Thứ Tư, 08/12/2021 (GMT+7)

 

Các đại biểu tại đầu cầu Vĩnh Long trong lễ khai mạc Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia 2021.
Các đại biểu tại đầu cầu Vĩnh Long trong lễ khai mạc Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia 2021.

(VLO) Thông điệp kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 “Nâng cao nội lực, sức mạnh nội sinh bằng sức mạnh của kỹ năng nghề” đã thể hiện rõ qua nỗ lực của ban tổ chức, các đơn vị, các đoàn và thí sinh dự thi. Một kỳ thi kỹ năng nghề với nhiều điểm mới, nhiều sự phấn đấu, để thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã và đang diễn ra.

Kỳ thi thích ứng đại dịch

Phát biểu tại lễ khai mạc trực tuyến kỳ thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, cho rằng: Đây là kỳ thi được đánh giá hết sức có ý nghĩa trong xu thế chung của thế giới về “chuyển đổi từ giáo dục đào tạo một lần sang học tập suốt đời và đánh giá công nhận trình độ kỹ năng và năng lực hành nghề”.

Đặc biệt, kỳ thi diễn ra trong bối cảnh đất nước đang phải thích nghi an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Là đơn vị đăng cai, đã chuẩn bị sẵn sàng cho hình thức thi trực tiếp, sau đó chuyển sang hình thức trực tuyến, PGS.TS Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho biết: “Để đảm bảo an toàn và phù hợp với điều kiện phòng chống dịch COVID-19, kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 tổ chức thi 14 nghề, trong đó 11 nghề thi theo hình thức trực tuyến được tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long trong điều kiện đặc biệt, chưa có tiền lệ từ trước đến nay, kể cả ở cấp độ của kỳ thi Kỹ năng nghề Thế giới, kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN và cấp độ quốc gia”.

Và để thực hiện kỳ thi an toàn, nghiêm túc, hiệu quả Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đã trang bị hệ thống siêu máy tính, cơ sở hạ tầng mạng hiện đại.

“Hơn nữa, đội ngũ công nghệ thông tin của nhà trường được đào tạo từ các nước phát triển nên rất chuyên nghiệp trong quản trị công nghệ thông tin và nhiều kinh nghiệm triển khai ứng dụng các công nghệ tiên tiến”- Hiệu trưởng Cao Hùng Phi cho biết thêm.

Các nghề thi theo hình thức trực tuyến sẽ được số hóa và quản lý bởi phần mềm Vnskills do Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long xây dựng, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, xử lý dữ liệu lớn (big data) và các công nghệ hiện đại khác để kết nối các máy tính thí sinh vào hệ thống quản lý thi của ban tổ chức và hội đồng thi đảm bảo đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về an toàn, an ninh và bảo mật dữ liệu thông qua mạng Internet.

Lần đầu tiên siêu máy tính cùng công nghệ điện toán đám mây và dữ liệu lớn, các máy ảo cấp cho các thí sinh được sử dụng tại một kỳ thi kỹ năng nghề với tốc độ xử lý rất nhanh, dung lượng lưu trữ lớn, đường truyền băng thông rộng, để thí sinh có thể kết nối làm bài thông suốt với một khoảng thời gian dài cả ngày.

Nhờ đó, các thí sinh có thể làm bài tại nhiều điểm khác nhau nhưng vẫn đảm bảo được sự đồng bộ về mặt trang thiết bị và cấu hình máy tính như nhau.

Mới và an toàn, nghiêm túc

Thí sinh dự thi tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long.
Thí sinh dự thi tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long.

Đây là một kỳ thi được ban tổ chức đánh giá là “có nhiều điểm mới” bao gồm các ngành nghề, độ tuổi và hình thức thi,… Theo đó, đối tượng tham dự kỳ thi được mở rộng, từ 15- 60 tuổi.

Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 còn thể hiện nhiều điểm mới về nội dung kỹ thuật như công tác biên soạn đề thi, công tác chuyên gia, giám khảo, đánh giá và công tác trao giải.

Có nhiều nghề mới lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam: công nghiệp 4.0, điện toán đám mây, phát triển ứng dụng di động…

Ngoài ra, có những nghề chưa từng tổ chức thi tại ASEAN và thế giới mà xuất phát từ nhu cầu lao động lớn trong nước: kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò, kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò, kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò…

Và lần đầu tiên kỳ thi được tổ chức trực tuyến cho một số nghề cùng với thi trực tiếp như thông lệ. Đây cũng là lần đầu tiên tổ chức thi vào năm lẻ, sát với kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020 trước đó.

Em Nguyễn Ngọc Hoàng Quyên- sinh viên năm 4 ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long dự thi ngành Thiết kế đồ họa cho biết: “Em đã chuẩn bị trong một thời gian dài để sẵn sàng tham gia kỳ thi, khi dịch COVID-19 bùng phát em rất lo lắng, sợ không thể dự thi được”.

Sau đó, kỳ thi được tiến hành theo hình thức trực tuyến, Hoàng Quyên lại lo “đường truyền mạng có vấn đề, những sự cố xảy ra làm ảnh hưởng đến kết quả thi.”

Đến nay, Hoàng Quyên đã thi xong và rất vui mừng vì “thi thành công ngoài sự mong đợi, đường truyền ổn định và không có sự cố gì trong suốt quá trình thi. Em cũng được các thầy cô hỗ trợ, 4 mô đun được thực hiện tốt”- Quyên vui vẻ cho hay.

Theo ban tổ chức, kỳ thi được số hóa bởi phần mềm quản lý, sử dụng các công cụ giám sát hiện đại nhằm cung cấp các thông tin chính xác, kịp thời theo thời gian thực cho công tác theo dõi giám sát, đánh giá, chấm điểm trong quá trình làm bài của thí sinh đảm bảo tính khách quan, trung thực và minh bạch.

Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 năm 2021 với quy mô 50 đoàn, 508 thí sinh tham gia với 35 nghề. Theo chỉ đạo của Hội đồng thi Quốc gia, để đảm bảo an toàn và phù hợp với điều kiện phòng chống dịch COVID-19, kỳ thi tổ chức thi trước 14 nghề, trong đó 3 nghề thi theo hình thức trực tiếp (do Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam chủ trì) và 11 nghề thi theo hình thức trực tuyến (do Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long chủ trì). Trong đó, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long có 22 sinh viên dự thi ở 8 nghề.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN