Trà Ôn phát huy lợi thế tiến lên đô thị loại IV

Cập nhật, 14:37, Thứ Tư, 20/09/2017 (GMT+7)

 

Đô thị thị trấn Trà Ôn nhìn từ cửa ngõ cầu Trà Ôn.
Đô thị thị trấn Trà Ôn nhìn từ cửa ngõ cầu Trà Ôn.

Thị trấn Trà Ôn là đô thị hình thành sớm với nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng, kiến trúc xây dựng so với nhiều địa phương khác. Tuy nhiên để nâng thị trấn Trà Ôn lên đô thị loại IV và một thị xã trong tương lai thì lợi thế này cần được phát huy triệt để.

Phát huy lợi thế

Thị trấn Trà Ôn nằm ở vị trí địa lý Ngã ba sông Hậu và sông Măng Thít có điều kiện giao thông thủy bộ liên vùng tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu phát triển kinh tế- xã hội, phát triển đô thị.

Cùng với quá trình hình thành và phát triển từ lâu đời, thị trấn Trà Ôn đã tạo được cơ sở kinh tế- xã hội và hạ tầng đô thị để có thể khai thác và tiếp tục mở rộng phát triển. Mặt khác, mật độ xây dựng tập trung ở khu hiện hữu, quỹ đất xây dựng ở ngoại vi còn nhiều sẽ đáp ứng được nhu cầu xây dựng mở rộng thị trấn.

Có thể thấy, thị trấn Trà Ôn tuy không nằm ở vị trí trung tâm về địa lý của huyện Trà Ôn nhưng nằm ở vị trí đầu mối giao thông quan trọng của huyện. Chính với vị trí đầu mối giao thông đó, thị trấn Trà Ôn trở thành điểm tập trung đô thị, trung tâm chính trị, kinh tế- xã hội của huyện Trà Ôn.

Mạng lưới giao thông bộ trên địa bàn huyện gồm có tuyến QL54 đi qua, 4 tuyến đường tỉnh và 6 tuyến đường huyện. QL54 là tuyến giao thông bộ đối ngoại chính của thị trấn Trà Ôn. Mạng lưới giao thông thủy có sông Hậu, sông Măng Thít là 2 sông lớn của huyện thuận lợi cho việc vận chuyển giao lưu hàng hóa giữa các huyện trong tỉnh, cũng như với các tỉnh khác trong khu vực.

Thị trấn Trà Ôn đóng vai trò một mắt xích quan trọng trong việc trung chuyển hàng hóa, đặc biệt về nông sản thực phẩm giữa các khu vực ven QL54 và bờ trái sông Hậu, với TP Cần Thơ và với các vùng khác.

Hệ thống đô thị nằm trên trục sông Hậu theo đường thủy, QL54 theo giao thông bộ, hệ thông giao thông thủy bộ chính này sẽ tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa trong vùng.

Theo ông Trương Kế Truyền- Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn, trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của tỉnh, thị trấn Trà Ôn được quan tâm đầu tư, kết cấu hạ tầng hệ thống giao thông nội thị được mở rộng, kết cấu hạ tầng về văn hóa, giáo dục, y tế… được đầu tư xây dựng khang trang, xứng tầm của một đô thị trung tâm huyện.

Đời sống nhân dân được nâng lên và diện mạo đô thị có nhiều thay đổi. Qua rà soát, đánh giá, thị trấn Trà Ôn đạt 72,1% tiêu chí đô thị loại IV. 

Đây là những điều kiện thuận lợi để thị trấn Trà Ôn sớm đạt đô thị loại IV trong tương lai.

Thị trấn Trà Ôn được quy hoạch mở rộng với quy mô đất xây dựng dự kiến phát triển đến năm 2030 là 1.309,9ha, trong đó bao gồm diện tích thị trấn Trà Ôn hiện tại và 5 ấp của xã Thiện Mỹ (gồm ấp Giồng Thanh Bạch, Mỹ Phó, Mỹ Lợi, Mỹ Hưng và Mỹ Hòa).

Vượt qua thách thức

Theo ông Phạm Quốc Minh- Trưởng Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Trà Ôn, để xây dựng thị trấn Trà Ôn lên đô thị loại IV, khó khăn lớn nhất hiện nay là mạng lưới công trình kỹ thuật chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh tế- xã hội đô thị, đòi hỏi những năm tới phải tập trung xây dựng lớn, kinh phí xây dựng cao.

Ngoài khu vực xây dựng hiện có, các khu đất dự kiến xây dựng mới để mở rộng và phát triển thị trấn hầu hết là đất ruộng, nền đất thấp và cường độ yếu, đòi hỏi chi phí đầu tư lớn cho việc san đắp nền và xây dựng móng công trình.

Bên cạnh đó, thu nhập của cư dân thị trấn Trà Ôn nói riêng và huyện Trà Ôn nói chung phần lớn vẫn còn thấp.

Điều này đòi hỏi cần có các chính sách khuyến khích kêu gọi đầu tư, huy động mọi nguồn vốn, trước hết ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng đầu tư hạ tầng công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, nâng cấp và mở rộng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo đà thúc đẩy đầu tư xây dựng chung trên địa bàn.

Còn theo ông Trương Kế Truyền, để nâng tầm đô thị, thị trấn Trà Ôn còn phải vượt qua nhiều thách thức về đô thị thích ứng tình trạng biến đổi khí hậu, yêu cầu chống ngập, bảo vệ môi trường, mật độ dân cư ngoại thị còn thấp, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cần được tiếp tục quan tâm đầu tư, các công trình kiến trúc tạo điểm nhấn đô thị chưa nhiều.

Từ đó, huyện đề ra giải pháp trong thời gian tới là tập trung giải quyết các vấn đề về môi trường, xử lý nước thải, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng chỉnh trang đô thị, tạo điểm nhấn đô thị như đầu tư nâng cấp đô thị thị trấn Trà Ôn, công viên văn hóa, trung tâm thương mại…

Bên cạnh đó là đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư các ngành công nghiệp phụ trợ có lợi thế của huyện bố trí khu vực ngoại thị song song với các ngành thương mại dịch vụ nhằm thu hút dân cư sinh sống, đáp ứng yêu cầu dân cư đô thị.

Ngoài ra, việc lập lại trật tự đô thị, xây dựng cảnh quan đô thị xanh- sạch- đẹp, vận động nhân dân có ý thức bảo vệ đô thị, xây dựng đô thị văn minh cũng được chú trọng.

 

Trà Ôn hiện có 10 dự án, công trình được phê duyệt giai đoạn 2015- 2020, với tổng kinh phí 870 tỷ đồng, trong đó có 2 dự án góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị thị trấn Trà Ôn là trung tâm thương mại thị trấn Trà Ôn và khu nhà ở cho người có thu nhập thấp.

 

 

 

  • Bài, ảnh: LÊ SƠN