Kết nối yêu thương!

Cập nhật, 15:05, Thứ Hai, 13/07/2015 (GMT+7)

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

(“Để gió cuốn đi”- nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)

- Trang vô! Trang vô!…

Hai gương mặt ngờ nghệch nở một nụ cười thật tươi. Trang vô đem theo những thứ mà cả hai cùng thích: nước ngọt, đường, sữa, cà phê, bánh kẹo, mì gói…

Chị Trang đến thăm.
Chị Trang đến thăm.

Căn nhà gạch đơn sơ phía trước trống lổng chỉ có mỗi bộ ván tạp cũ kỹ dựa sát vào vách tường trơ gạch. Bên trong là cái giường ngủ lủ khủ quần áo nằm vắt la liệt. Bên trái là gian bếp với cái tủ ăn bằng gỗ sứt mẻ gãy gọng. Cái bếp củi tí tách dưới cái nồi đen nhẻm bốc khói nghi ngút. Sát bên là cái lu nước nhỏ và bồn vệ sinh. Phía trên treo lủng lẳng mấy cái nồi móp méo đen đít. Căn nhà hình như không có gì gọi là đáng giá! Trông nó thật khốn khổ, khốn khổ như chính cuộc đời chủ nhân nó. Và, chúng tôi phải chạy quanh co qua mấy con đường mòn mới tới được đây! Ở cái nơi xa tít này, có 2 tâm hồn thiếu hơi ấm tình thương, thiếu vòng tay nhân ái!

*

* *

Theo lời chị Trang- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Hòa Phước, 5 năm trước (2010), chị tiếp cận một gia đình thuộc diện nghèo khó trong xã. Bà mẹ già 90 tuổi phải nuôi hai người bệnh tâm thần. Khi còn sức khỏe, ban ngày bà đi làm thuê làm mướn nuôi con và cháu; tối về lo cơm nước, tắm rửa, giặt giũ cho cả hai. Chỉ có tình mẹ bao la trời biển mới đủ để yêu thương và đùm bọc 2 kẻ tâm thần điên dại như vậy! Hàng xóm có thương cũng chỉ giúp đỡ một phần thôi chớ đâu ai có tiền của, thời gian mà bảo bọc săn sóc!

…Hơn 40 năm trước, chị Trần Thị Tám đang ở vào cái lứa tuổi đẹp nhất của người con gái. Tuy bị bệnh nhưng trông chị cũng dễ coi, lúc tỉnh táo thì cũng sạch sẽ, tươm tất. Vào một đêm mưa gió bất thường, mẹ đi làm chưa kịp về, gã hàng xóm đồi bại đã mò vào nhà cưỡng hiếp chị. Màn mưa mù mịt, tiếng sét gầm gừ, gió rít như cũng đồng lõa với tên đốn mạt…

Kể từ hôm đó, chị Tám điên loạn nhiều hơn và đau đớn thay là chị không biết mình đã mang giọt máu của tên cuồng dâm đê hèn. Khi cái thai lớn dần, mọi người mới phát hiện được. Cuối cùng thì một bé gái chào đời trong vòng tay tràn ngập tình yêu thương của bà và mẹ và được đặt tên Trần Thị Loan. Những tưởng cuộc đời nó sẽ tốt đẹp hơn mẹ nó nhưng cay đắng thay, cuộc đời lại quá nghiệt ngã. Nó cũng đồng số phận với mẹ nó, mang căn bệnh trí não kém phát triển!

Thời gian trôi mau, có lúc bệnh tình chị Tám trở nên trầm trọng, chị la hét, đập phá làm mọi người ai cũng sợ hãi, xa lánh. Tình mẫu tử thật bao la, không nỡ cắt lìa núm ruột, bà mẹ vẫn cắn răng chịu đựng, không than thân trách phận, không van xin lòng thương hại của bất cứ ai, một mình vừa đi làm thuê vừa cố chăm sóc chị thật chu đáo. Căn bệnh càng tăng thì đôi chân chị cũng teo dần. Đến một ngày chị không còn khả năng đi lại được, chị như một phế nhân chỉ biết trườn, bò, lê lết và kể từ đó chị như một đứa con nít, chỉ biết khóc cười, ấm ớ vu vơ! Bà mẹ già càng vất vả hơn khi phải chăm sóc một đứa con tâm thần- bại liệt và một đứa cháu tâm thần!

Gánh gồng, làm thuê cuốc mướn, nhờ sự trợ giúp của Hội phụ nữ, các ban ngành trong xã cuộc sống của ba mẹ con cũng đắp đổi qua ngày. 2 năm sau, bà mẹ qua đời! Đứa con gái trên 60 tuổi và đứa cháu gái… gần 40 tuổi! Bà ra đi mà không đành nhắm mắt vì không biết ai sẽ thay bà lo lắng cho đứa con tàn tật và đứa cháu ngây dại!

Như một cơn gió mát, chị Trang cùng các đoàn thể trong xã đã tìm đến. Những ngày đầu thấy mọi người xuất hiện, cả hai ngơ ngác, sợ hãi bỏ trốn. Trước giờ, họ chỉ biết có bà mẹ già lụm cụm trong căn nhà xiêu vẹo của mình nên thấy người lạ họ không dám ló đầu ra, mặc mọi người kêu khản cả tiếng. Mà hình như mẹ con họ cũng không biết cả tên của mình. Họ cứ như 2 đứa trẻ lù khù, ngờ nghệch!

Nhờ sự vận động và trợ giúp của Hội phụ nữ, các ban ngành trong xã và các Mạnh thường quân, căn nhà ọp ẹp được tu sửa lại, dù đơn sơ nhưng cũng đủ che nắng che mưa, cũng ấm cúng cho mẹ con họ nương nhau sống. Ngày qua ngày, mỗi người một tay, cái chái bếp được nới rộng, bồn tiêu được xây mới. Mẹ con họ không còn phải lê lết ra ngoài đi vệ sinh những khi trái gió trở trời, mưa to gió lớn. Phòng Thương binh- Xã hội trợ cấp mỗi tháng 600.000đ, chị Trang gửi hàng xóm mua thịt, cá nấu sẵn đem qua cho mẹ con họ. Một số Mạnh thường quân mua cho gạo ăn hàng tháng. Sư cô Huệ Hạnh và cô Mai ở TP Hồ Chí Minh khi biết được hoàn cảnh thương tâm của họ đã phát tâm mỗi tháng dành 500.000đ chu cấp thêm. Với số tiền đó, chị Trang chia làm 2 đợt mua đường sữa, xà bông, nước tương, mắm muối, bánh kẹo, nước ngọt, cà phê, mì gói đem đến. Xem ra cuộc sống của mẹ con tương đối ổn định.

Mưa dầm thấm lâu, chị Trang như con ong siêng năng, cần mẫn tới lui tiếp tế lương thực, mỗi lần đến lại đứng bên ngoài trò chuyện, thủ thỉ thăm hỏi. Dần dần, mẹ con họ dám lân la ra ngoài đứng nhìn rồi… biết nói chuyện, nhớ tên mình. Đặc biệt là tin tưởng vào chị Trang, biết trông ngóng, mừng rỡ khi chị Trang và mọi người đến thăm!

Từ đó hàng xóm bắt đầu quan tâm, giúp đỡ mẹ con họ nhiều hơn. Chị Hai kế bên nhà, ngoài việc đi chợ giúp mua đồ ăn đã cố gắng dạy cho Loan biết nấu cơm, kho thịt, cá; phụ giúp Loan tắm rửa chị Tám mỗi ngày; động viên, nhắc nhở Loan tắm giặt, rửa chén, vệ sinh nhà cửa. Cũng nhờ tình thương của bà con láng giềng nên tuy bệnh tật nhưng mẹ con họ vẫn sạch sẽ và bây giờ đã dạn dĩ có thể tiếp cận được với thế giới bên ngoài. Tất cả những gì tốt đẹp nhất mọi người cố gắng dành cho 2 người phụ nữ kém may mắn này- từ chi phí trị bệnh, cuộc sống hàng ngày đến chốn nơi sinh hoạt!

Nhìn Loan âu yếm đút cơm cho bà mẹ tật nguyền, ai cũng rơi nước mắt. Loan có thể quên tất cả nhưng tình mẫu tử, trong Loan vẫn không thể nào quên. Có thứ gì ngon, món gì bổ, Loan cũng dành cho mẹ. Ăn cơm thì nhường thịt, cá cho mẹ, còn mình chỉ chan nước và rau chuối qua ngày. “Nó là một đứa con hiếu thảo”. Nghe hàng xóm nói mà mọi người như đứt ruột. Ở đâu đó có những đứa con vì danh lợi, bạc tiền mà lớn tiếng chửi cha, mắng mẹ- thậm chí còn ra tay sát hại tàn nhẫn. Còn ở nơi đây, giữa 2 con người bệnh hoạn kiệm lời, chỉ biết cười này lại có một thứ tình mẫu tử thiêng liêng không gì chia cắt được!

“Loan bây giờ giỏi lắm nhe, biết làm đủ thứ hết đó”- chị Trang hãnh diện khoe với chúng tôi. Còn Loan chỉ biết cúi đầu… cười. Loan đã biết nhớ tên mình, tên mẹ, tên chị Trang và còn biết nấu cơm, biết tắm giặt, rửa chén bát (theo lời nhắc nhở). Đặc biệt Loan đã dạn dĩ hơn, dám đi ra ngoài. Thỉnh thoảng, Loan cũng đi chợ. Tuy không biết xài tiền nhưng được người quen thương cảm mua cho thứ này thứ kia- lúc thì tô hủ tiếu đem về cho mẹ, khi thì gói xôi để dành ăn sáng- hoặc những người bán hàng trong chợ cho mớ huyết, cân xương, bó rau, nải chuối… Loan cũng biết tự đến Trạm y tế khám bệnh, lấy thuốc cho mẹ, biết đi kiếm củi quanh nhà (những vườn nhãn bị đốn hạ vì bệnh chổi rồng). Từ một người bệnh trí não kém phát triển không biết gì, nhờ vòng tay nhân ái của xã hội, của mọi người xung quanh, mẹ con Loan đã có thể hòa nhập cộng đồng, có thể sống một cuộc sống yên bình. Hạnh phúc thật ra rất giản dị, không ở đâu xa, chỉ cần được sống yên ấm bên người thân yêu, được giúp đỡ những người kém may mắn, bất hạnh hơn mình thì đã là hạnh phúc lắm rồi!

Tôi nhớ có lần Hòa thượng Thích Phước Tú ở chùa Giác Thiên (TP Vĩnh Long) nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi, khốn khó đã dặn mọi người trong chùa phải luôn yêu thương, chăm sóc các chú nhỏ thật chu đáo bởi các chú đã mất mát quá nhiều. Hòa thượng nói: “Không có tình thương, tụi nó không sống nổi đâu!”

“Tình thương”- 2 tiếng thật đơn giản nhưng ý nghĩa và sức mạnh của nó thật to lớn. Nó có thể làm sống lại tính nhân bản trong mỗi con người.

*

* *

Trong công cuộc xây dựng “nông thôn mới”, an sinh xã hội cũng là một trong những tiêu chí quan trọng. Phấu đấu để giảm tối đa tỷ lệ nghèo trong xã xem ra không phải chuyện một sớm một chiều. Nhưng nếu mọi người cùng chung tay, góp sức “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “lá lành đùm lá rách” thì chắc chắn niềm vui về một xã nông thôn mới ở Bình Hòa Phước sẽ không xa và cuộc sống người dân nơi đây sẽ ngày càng phồn thịnh, tươi đẹp hơn.

Học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ, Hội Phụ nữ xã Bình Hòa Phước cũng như chị Trang đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, quan tâm chăm lo đến quyền lợi chị em phụ nữ. Các chị đã cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến của Bác dành cho mọi người: “Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam. Bác thương các cụ già xuân về gửi biếu lụa. Bác yêu đàn cháu nhỏ trung thu gửi cho quà. Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng. Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương…”(Bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la”- nhạc sĩ Thuận Yến).

Cảm ơn chị Nguyễn Thị Thu Trang- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Hòa Phước- người đã bỏ nhiều công sức, thời gian để tìm đến giúp đỡ những gia đình nghèo khó trong xã. Bằng tấm lòng yêu thương, sự kiên nhẫn, chị đã cùng với mọi người kết nối yêu thương, đem đến niềm tin yêu vào cuộc sống cho những mảnh đời bất hạnh tưởng sẽ mãi mãi đứng bên lề cuộc sống!

Cảm ơn các ban, ngành, đoàn thể cũng như các nhà hảo tâm gần xa đã mở rộng vòng tay, mang đến một tình thương thật ấm áp cho những phụ nữ bệnh tật, thiếu hơi ấm tình người!

Mong rằng đâu đó trên khắp mọi miền đất nước, sẽ có thêm nhiều bàn tay nhân ái chung lo cho những “chị Tám”, “em Loan”, những người có cuộc sống bất hạnh, không may mắn tìm thấy một mái ấm tình thương, một niềm tin vững chắc vào cuộc sống mới hôm nay.

PHƯƠNG ÁNH