Những người lính kiến thiết cuộc sống

Cập nhật, 06:44, Thứ Ba, 30/09/2014 (GMT+7)

Chiến tranh qua đi, những người lính trở về cuộc sống đời thường với vết thương ngày đêm hành hạ cơ thể. Phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”- không chùn bước trước khó khăn, họ bắt tay vào kiến thiết cuộc sống, góp sức cho công cuộc xây dựng và đổi mới quê hương.


Tuy đã cao tuổi nhưng ông Bảy (trái) vẫn cần mẫn làm nông.

Không chùn bước

Sinh ra và lớn lên ở “cái nôi” cách mạng Tam Bình, năm 1963, khi mới 15 tuổi, ông Nguyễn Văn Bảy (Bảy Nhỏ, quê ở xã Ngãi Tứ) đã thoát ly gia đình gia nhập địa phương quân huyện. “Hồi đó, thấy quê hương mình bị giặc giày xéo, thanh niên trong xóm ai cũng quyết theo con đường cách mạng”- ông Bảy kể.

Ý thức được trách nhiệm của tuổi trẻ với nước nhà, ông đã nói lên nguyện vọng, lý tưởng của mình với gia đình. Thế là, khi hay tin có lãnh đạo về địa phương, ông liền xin đăng ký đi tòng quân.

Được cán bộ cách mạng ở địa phương hướng dẫn đường đi nước bước và cho hay trước 2 ngày lên đường tòng quân để chuẩn bị, nhưng hành trang ông Bảy mang theo chỉ là chiếc khăn rằn, bộ quần áo cũ kỹ. Điều quý giá nhất ông mang theo chính là nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Năm 1967, trong một trận chống càn phòng ngự vô xã Mỹ Lộc, một phần thân xác của ông đã nằm lại vĩnh viễn dưới lòng đất: chân phải của ông bị thương nặng, không thể giữ
lại được.

Trong bom rơi đạn lửa, cùng những đau thương mất mát của chiến tranh đã nảy mầm tình yêu đẹp giữa ông và cô gái Lê Thị Sềnh- công tác tại Quân y huyện- đã nhiệt tình chạy chữa cho ông. Thế rồi, “Tổ chức đã lo đám cưới cho chúng tôi. Tuy đơn sơ, nhưng ngập tràn hạnh phúc trước sự chứng kiến của đồng đội”- ông Bảy bồi hồi nhớ lại.

Trở về cuộc sống đời thường, anh thương binh 2/4 Bảy Nhỏ hiểu rõ tình cảnh khó khăn của đất nước trong những năm đầu giải phóng. Chính vì vậy khi được Nhà nước tạo điều kiện bằng cách giao 10 công đất và dự kiến sẽ cất nhà cho ông thì ông xin nhường lại cho những thương binh khác khó khăn hơn.

“Là bộ đội Cụ Hồ, được rèn luyện ý chí sắt đá nên dù ở mặt trận nào mình cũng phải cố gắng vươn lên, không trông chờ vào Đảng, Nhà nước. Người khác lành lặn, nên mần một lát là xong, mình thì khuyết tật, tuy làm không hay, nhưng được cái là... hay làm. Chỉ cần làm cật lực thì sẽ thành công”- ông Bảy tâm sự.

Nhớ lại, lúc ra riêng, ông được cha mẹ cho hơn chục công đất ở xã Loan Mỹ, nhưng chủ yếu là đất gò bỏ hoang, chỉ có khoảng 2 công là canh tác được. Với ý thức “bàn tay ta làm nên tất cả”, hàng ngày vợ chồng ông đào đất, be bờ, khai mương... để cải tạo lại mảnh vườn, thửa ruộng của mình. “Ban ngày làm không xong, đến ban đêm thì đốt đèn, chống xuồng làm tiếp”- ông Bảy kể.

Sau nhiều năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vừa khai hoang, vừa tích góp, đến nay, ông đã có trong tay 23 công đất. Đất ruộng thì ngoài trồng lúa, ông còn tận dụng đường bờ để trồng màu. Đất vườn thì trồng bưởi da xanh, măng cụt và ông “mê nhất” là trồng cam sành, vì theo ông “có thể lo cho 5 đứa con được đầy đủ và cất nhà đàng hoàng như hôm nay là nhờ cây cam sành”.

Gần đây, ông đã hiến hơn 1.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn và thủy lợi nội đồng. “Ngày xưa quê hương nuôi mình khôn lớn, giờ mình cũng phải đóng góp để xây dựng quê hương giàu đẹp hơn”- ông Bảy nói.

Đồng lòng vượt khó

Lớn lên khi chiến trường biên giới Tây Nam đang trong giai đoạn ác liệt, năm 1983, bước sang tuổi 19, anh Phạm Thanh Hoàng (xã Long An- Long Hồ) đã tình nguyện đăng ký lên đường nhập ngũ và được điều về Quân đoàn 4 thuộc Sư đoàn 7.

Sau 4 năm chiến đấu với nhiều thành tích, năm 1987, anh xuất ngũ về địa phương. “Hồi đó khó khăn lắm, được cha mẹ cho ra riêng với 2 công đất mà không biết phải canh tác sao? Tính mãi, vợ chồng mới bàn nhau trồng nhãn da bò. Ngoài bán trái, tôi còn bầu thêm nhánh để bán, nhờ vậy mà kinh tế dần khá lên”- anh Hoàng kể.


Anh Hoàng (phải) luôn quan tâm giúp đỡ hộ nghèo và nhiệt tình tham gia công tác xã hội ở địa phương.

Dành dụm được một ít vốn, anh mua thêm 5 công đất và mở rộng mô hình VAC. Từ năm 2007, anh đào ao nuôi ba ba thương phẩm.
 
Thấy có hiệu quả, anh tiếp tục nuôi thêm ba ba giống. Với diện tích mặt nước ao trên 1.000m2, anh nuôi khoảng 1.000 con ba ba thịt và 1.000 con ba ba giống. Hiện, ba ba loại 1 có giá dao động từ 300.000- 340.000 đ/kg, còn lại cũng có giá trung bình 250.000 đ/kg. Trừ chi phí, anh thu lợi nhuận khoảng vài trăm triệu đồng/năm.

Ngoài ra, anh còn nuôi thêm gà thả vườn, làm giàn trồng mướp và trồng mía bán cho các quán nước giải khát quanh nhà. Chỉ tính riêng tiền trồng mía, mỗi ngày, anh cũng bỏ túi trên 100.000đ để đi chợ và chi tiêu lặt vặt khác.

Hồi xưa còn khó khăn, sợ không lo cho con được đầy đủ, nên sau khi lập gia đình 7 năm, vợ chồng anh mới dám sinh con đầu lòng. Hiện, con anh cũng tiếp bước truyền thống phục vụ trong quân đội. “Để kinh tế khá lên thì vợ chồng phải đồng lòng vượt khó, đạt được điều đó sẽ thành công”- anh tâm sự.

Đến nay, khi đã bớt vướng bận “miếng cơm, manh áo”, anh Hoàng dành nhiều thời gian hoạt động xã hội ở địa phương. Hộ nào khó khăn, anh sẵn sàng giúp cây con giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Nhờ vậy, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, mua được đất và con em học hành đàng hoàng.

Trong số những người được anh giúp đỡ có anh Phan Ngọc Đồng thuộc diện khó khăn. Được địa phương hỗ trợ cất nhà, anh Hoàng thì hỗ trợ nhãn da bò và ba ba giống. Sau nhiều năm chí thú làm ăn, đến nay, cuộc sống của anh Đồng đã
ổn định.

Ông Nguyễn Hoàng Nhân- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã đánh giá: “Anh Hoàng là một cựu chiến binh gương mẫu ở địa phương, luôn đi đầu trong làm ăn kinh tế và tham gia các hoạt động xã hội. Mô hình kinh tế của anh Hoàng rất đáng để bà con học hỏi và nhân rộng”.

Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN- NGUYỄN THỊNH