Thu nhập ổn định với mô hình mài kim

Cập nhật, 12:58, Thứ Năm, 25/09/2014 (GMT+7)

Để giúp phụ nữ (PN) nông thôn có việc làm thêm, tạo thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp đã tổ chức nhiều mô hình đa dạng các ngành nghề một cách hiệu quả, giúp các hộ PN nghèo vươn lên và xã Long Mỹ là một điểm sáng.

Công đoạn mài kim được làm trên máy, một ngày cho thu nhập được 100.000 đồng/lao động.

Tạo việc làm thêm ổn định cho phụ nữ

Rất chú trọng đến cuộc sống của hội viên PN nghèo, Hội LHPN xã Long Mỹ đã tìm hiểu và tổ chức được nhiều mô hình việc làm, tạo thu nhập nâng cao cuộc sống chị em, góp phần cùng địa phương hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Hình thành từ nhiều năm nay, mô hình mài kim châm cứu đã tạo việc làm cho khoảng 300 lao động, với mức thu nhập bình quân khoảng 2 triệu đồng/tháng. Vừa có thể làm nghề chính nuôi gia đình, vừa làm phụ thêm để cải thiện cuộc sống. Mô hình hiệu quả ở tính ổn định và lâu dài, được dạy nghề tận tình, cụ thể để mọi người dân đều có thể làm được.

Nguồn hàng xuất phát từ tịnh xá Ngọc An nằm trên địa bàn xã, được lấy từ các tỉnh mang về cho người dân địa phương làm kiếm thêm thu nhập. Nguyên liệu là dây đồng, còn máy mài, máy xe, kẽm và kim đều do đầu mối cung cấp và dạy nghề, người dân chỉ việc làm ăn công. Có 2 công đoạn làm thành cây kim châm cứu là xe và mài, một nhóm nhận hàng xe, nhóm khác đảm trách công đoạn mài thành cây kim.

Công đoạn xe 1.000 cây tiền công được 55.000đ, còn mài thì 1.000 cây được 20.000đ. Làm xuyên suốt cả ngày có thể kiếm được 100.000 đ/người, làm thêm cũng kiếm được 30.000- 40.000 đ/ngày.

Chị Nguyễn Thị Kiều Sương- Chi hội trưởng Chi hội PN ấp Long Khánh cho biết, nghề này có từ nhiều năm nay, giải quyết được việc làm thêm cho lao động nữ rất hiệu quả, thu nhập giúp cải thiện rất nhiều sinh hoạt hàng ngày. Quan trọng là nghề này có việc làm ổn định, chỉ cần đến tịnh xá học nghề; lấy hàng, giao hàng tại tịnh xá và nhận tiền công. Tuy nhiên, công việc đòi hỏi chị em phải có tính kiên nhẫn, tỉ mỉ và chịu khó.

Cải thiện cuộc sống

Chị Lê Thị Minh Tuyết (50 tuổi, ấp Long Khánh) làm nghề được 4 năm, kiếm thêm được khoảng 30.000- 50.000 đ/ngày. “Gia đình tôi chăn nuôi là chính, lúc rảnh làm thêm để kiếm tiền cho con đi học. Nhờ nó xây xài đỡ lắm”- chị nói.

Hai mẹ con chị Lê Hoàng Yến (ấp Long Khánh) một ngày kiếm được cả trăm ngàn ở công đoạn xe. “Tôi thì bán tạp hóa, con gái đang đi học trung cấp nên lúc nào rảnh là hai mẹ con làm, vừa máy vừa tay nên thu nhập thêm khá lắm, cho con đi học khỏe luôn. Làm riết đâm ghiền, bữa nào không làm thấy buồn, có việc làm thêm tại nhà quý lắm”.

Ở công đoạn mài thì phải làm trên máy, chị Võ Thị Thu Hằng (34 tuổi, ấp Long Khánh) mượn từ tịnh xá 2 máy mài, tiền công mài thấp hơn công đoạn xe nhưng được cái là làm nhanh hơn. Ngoài những lúc buôn bán, làm việc nhà, vợ chồng chị Hằng mài được khoảng 3.000- 4.000 kim/ngày.

Đến trước sân nhà chị Nguyễn Thị Kim Ánh (ấp Long Khánh) thấy không khí thật nhộn nhịp. Khoảnh sân trước nhà chị là nơi tập hợp của mấy chị em chung xóm, những lúc rảnh các chị em tụ lại đây xe kim để kiếm thêm tiền. Chị Ánh là một PN khuyết tật, trước đây khi không có nghề xe kim chị đi chằm lá mướn, nhưng từ khi có nghề này chị chuyển hẳn qua làm tại nhà vừa nhẹ nhàng vừa tiện lợi phù hợp với sức khỏe của chị.

Chủ tịch Hội LHPN xã Long Mỹ Ngô Nguyễn Hiền Nhi cho biết, mô hình xe kim châm cứu ổn định nguồn hàng và lâu dài nên chị em rất yên tâm tham gia, có nhiều lao động làm nên được chia ra nhiều nhóm để các chị ở chi hội ấp dễ quản lý và thực hiện công tác tuyên truyền vận động. Đồng thời, góp phần cùng địa phương thay đổi ngành nghề, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: HẢI YẾN