Sức sống của tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy!

Cập nhật, 11:23, Chủ Nhật, 06/11/2022 (GMT+7)

 

(VLO) Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 thành công đã tạo điều kiện cho nhiều kiệt tác văn học nghệ thuật ra đời, trong đó có tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Nikolai A. Ostrovsky.

Cuốn sách này được coi là “bản tự thuật” về cuộc đời của chính nhà văn và của tuổi trẻ trưởng thành trong cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Tiểu thuyết đã trở thành “cuốn sách gối đầu giường” của nhiều thế hệ thanh niên trên toàn thế giới.

Tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy được khởi thảo từ năm 1930 và hoàn thành năm 1934, là kết quả của sự lao động công phu, bền bỉ, dành nhiều tâm huyết của nhà văn.

Cuốn sách miêu tả bước đường đấu tranh gian khổ, sự tôi luyện “chất thép” của thế hệ trẻ anh hùng ở đất nước Xô viết trong chiến đấu và lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích. Nhân vật trung tâm của tác phẩm là người thanh niên cộng sản Pavel Korchagin.

Đây là hình tượng nghệ thuật chân thật, sinh động được xây dựng từ chính cuộc sống chiến đấu và lao động của thanh niên Nga trong Cách mạng Tháng Mười.

Pavel Korchagin là hiện thân của lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, hiện thân của tinh thần chiến đấu dũng cảm và những phẩm chất đạo đức cao đẹp khác.

Pavel được tôi luyện trong lửa bỏng của chiến đấu. Cuộc đấu tranh cho lý tưởng cộng sản đã sinh ra chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Pavel chiến đấu hết sức dũng cảm, coi thường cái chết, một lòng bảo vệ chính quyền Xô viết trẻ tuổi: “Đảng cần mình ở đâu thì mình phải ở đấy, chứ không phải mình muốn ở đâu thì ở”.

Nhà văn tập trung ca ngợi việc tôi luyện “chất thép” của Pavel trong lao động xây dựng đất nước, cụ thể là trên công trường Bai-ac-ca.

Chính tại đây, Pavel đã thể hiện tất cả phẩm chất cao cả của mình khi vượt qua mọi khó khăn, thử thách như: thiếu ăn, rét mướt, thiếu vật liệu, bọn phản động thường xuyên chống phá…

Đối với Pavel, lao động ở bất cứ cương vị nào cũng là vinh quang và lao động chính là thước đo giá trị của con người trong xã hội mới. Anh luôn tự hào vì mình là một người lao động: “Tôi là một công nhân”.

Hình ảnh mẫu mực của Pavel không chỉ được thể hiện trong chiến đấu và lao động, mà còn được khắc họa sâu đậm trong sinh hoạt hàng ngày và trong cuộc chiến đấu với bệnh tật. Nhiều câu nói của anh đẹp đẽ và sâu sắc như một chân lý, thể hiện lý tưởng cao đẹp của người thanh niên cộng sản.

Anh quan niệm tình yêu lứa đôi phải gắn liền với lý tưởng của dân tộc, gắn liền với lợi ích chung “Tình yêu mà không có tình bạn, tình đồng chí và những điều quan tâm chung thì sẽ trở thành nhỏ nhen, trống rỗng và hào nhoáng”.

Pavel đặt niềm tin tuyệt đối vào Đảng, nguyện trung thành với lý tưởng của Đảng, của dân tộc và có một tình yêu mãnh liệt đối với giai cấp công nhân, với Đảng Cộng sản: “Trái tim tôi còn đập ngày nào thì không ai bắt được tôi xa rời Đảng”.

Lý tưởng sống của Pavel là được đem hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, được phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân “Cái quý nhất của con người ta là đời sống.

Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì quá khứ ti tiện và hèn kém của mình; và để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”…

Khi bị bệnh mù lòa và tê liệt, Pavel vẫn thể hiện nghị lực sống đầy “chất thép”, thể hiện tình yêu và niềm lạc quan mãnh liệt đối với cuộc đời “Hãy biết sống cả những khi cuộc đời trở nên không thể chịu đựng được nữa.

Hãy làm cho cuộc đời còn có ích”… Cuộc đời Pavel là tấm gương ngời sáng về tinh thần chiến đấu và lao động vì lý tưởng cộng sản, vì nền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy đã trở thành “cương lĩnh của cuộc sống”, “ngôi sao dẫn đường, người bạn đầu tiên” của thanh niên.

Cuốn sách đã được dịch in ở nhiều nơi trên thế giới và có ảnh hưởng rộng lớn, trở thành người bạn gần gũi của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam và ở khắp năm châu.

Biết bao anh hùng Xô viết trẻ tuổi nói riêng và những chiến sĩ cộng sản nói chung, đã chiến đấu theo tinh thần của Pavel Korchagin.

Tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy đã được điện ảnh Xô viết chuyển thể dựng thành phim (6 tập), và được các đội chiếu bóng trình chiếu rộng rãi ở Việt Nam vào những năm 1977 - 1985, gây ấn tượng mạnh trong lòng khán giả.

Giá trị của tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy đã được đồng chí Trường Chinh ca ngợi, khẳng định trong bài nói chuyện tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 3: “Văn hào Ostrovsky chỉ để lại cho đời mấy quyển sách mà vẫn sống mãi trong lòng nhân dân”.

Bài, ảnh: ĐỖ THỊ THU