Nhớ về những bộ phim Xô viết

Cập nhật, 11:22, Chủ Nhật, 06/11/2022 (GMT+7)

(VLO) Tôi còn nhớ khoảng những năm 1978 - 1985, các đội chiếu bóng lưu động cứ một tháng hai lần, lại về làng tôi để trình chiếu các bộ phim của khối các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó nhiều nhất là phim của điện ảnh Xô viết.

Phim được chiếu trên màn ảnh rộng và có thuyết minh, ở ngoài sân bãi của hợp tác. Ngày đó, xem chiếu bóng là một trong những niềm vui lớn nhất của mọi người ở nông thôn, đặc biệt là với lớp trẻ, bởi những bộ phim đó mang một thế giới thật mới lạ đến với chúng tôi.

Trong số những tác phẩm điện ảnh Xô viết được trình chiếu hồi ấy, thì hình tượng người lính Hồng quân là đề tài chủ đạo.

Bộ phim Giải phóng là thiên anh hùng ca về những chiến công vĩ đại và lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần hy sinh cao cả của Hồng quân và nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc và giải phóng châu Âu thoát khỏi chủ nghĩa phát xít.

Những nhân vật anh hùng của Liên Xô trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc đã đi cùng tuổi trẻ của bao thế hệ người Việt Nam qua những bộ phim ấy.

Còn bộ phim Người lính lại ca ngợi phẩm chất của người chiến sĩ Hồng quân ở một khía cạnh khác, đó là sự hy sinh những quyền lợi và niềm hạnh phúc cá nhân để hiến dâng, phục vụ đồng bào của mình.

Bộ phim kể chuyện một anh lính Hồng quân được nghỉ phép 5 ngày sau những năm tháng dài dằng dặc chiến đấu ngoài mặt trận.

Trên đường về, anh đã giúp đỡ hai mẹ con người góa phụ tìm đường về quê do bị lưu lạc trong chiến tranh. Sau đó, anh còn sửa sang lại ngôi nhà cho một người mẹ nghèo cũng có con đi bộ đội. Khi hoàn thành công việc thì cũng là lúc anh hết thời gian được nghỉ phép và phải trở về đơn vị chiến đấu.

Dù không được về thăm quê như dự định và để gia đình, người thân ngóng đợi nhưng anh lính vẫn cảm thấy hạnh phúc như đã được trở về chính ngôi nhà của mình qua những nghĩa cử cao đẹp trên. Rồi còn một số phim cũng rất nổi tiếng khác về đề tài này như: Đội cận vệ thanh niên, Những người báo thù không bao giờ bị bắt…

Nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng cũng được chuyển thể thành phim như Chiến tranh và hòa bình, Những người Cô-dắc, Tuyết nóng… Đó là sự cộng hưởng của văn học và điện ảnh nên càng tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem.

Bộ phim Tính cách Nga được dựng từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn A.Tonstoi, mang đậm tính nhân văn cao cả. Câu chuyện xảy ra vào thời hậu chiến. Một người lính bị thương rất nặng khiến thân thể và khuôn mặt anh bị biến dạng hoàn toàn, trở nên xấu xí, gớm ghiếc.

Đến khi anh trở về quê thì không ai nhận ra khiến anh vô cùng đau khổ. Chỉ riêng người vợ với sự nhạy cảm của trái tim đã nhận ra anh và trân trọng, nâng niu hạnh phúc cuộc đời mình dù nó không còn trọn vẹn. Bộ phim là bản tình ca bất tử, ca ngợi lòng chung thủy của những người phụ nữ trong chiến tranh.

Sau cuộc chiến, rất nhiều thứ bị tàn phá và thay đổi, kể cả thân xác con người, nhưng tình yêu thì vẫn nguyên vẹn và bất diệt, thậm chí còn nồng nàn, sâu sắc hơn. Đấy chính là thông điệp mà những người làm phim muốn gửi đến cho khán giả và đó cũng chính là điều làm nên giá trị của bộ phim.

Còn bộ phim Thép đã tôi thế đấy gồm 6 tập, là bản anh hùng ca về sức sống mãnh liệt và tinh thần cách mạng cao cả của nhân dân Xô viết trong chiến đấu và lao động xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Nhân vật chính là Pavel Korchagin - người thanh niên cộng sản đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để sống và cống hiến cho đất nước, cho lý tưởng cách mạng.

Nhân vật này đã quen thuộc với hàng triệu thanh niên Việt Nam qua những trang sách của nhà văn N. Ostrovsky nên dễ dàng đi vào tâm thức và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.

Bên cạnh đó phải kể đến những bộ phim do điện ảnh Liên Xô và điện ảnh Việt Nam hợp tác sản xuất, tiêu biểu nhất là phim Tọa độ chết. Bộ phim ca ngợi tinh thần đoàn kết, hợp tác trong chiến đấu của hai dân tộc anh hùng.

Tác phẩm điện ảnh này tái hiện cuộc chiến đấu vô cùng quyết liệt và nhiều hy sinh mất mát của quân dân Việt Nam chống lại kẻ thù xâm lược.

Những người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam và những chiến sĩ Hồng quân luôn sát cánh bên nhau. Trong khó khăn, gian khổ, càng hiện lên vẻ đẹp và sức sống của tình đoàn kết, tương trợ giữa quân đội hai nước, và giữa hai dân tộc.

ĐỖ THỊ THU