Đồng chí Phan Đăng Lưu: tấm gương hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng

Cập nhật, 07:59, Chủ Nhật, 08/05/2022 (GMT+7)

 

(VLO) Với 39 năm tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Phan Đăng Lưu đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Nhắc đến Phan Đăng Lưu là nhắc đến người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, một nhà lãnh đạo cách mạng có tầm nhìn xa trông rộng, đầy mưu lược, dũng cảm và kiên cường.

Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902 trong một gia đình nhà nho, có truyền thống yêu nước ở thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Thuở nhỏ, vốn thông minh, ham học, Phan Đăng Lưu theo học chữ Hán, sau học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp.

Sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, ảnh hưởng sự giáo dục của gia đình và truyền thống yêu nước quê hương cách mạng, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Phan Đăng Lưu đã ấp ủ hoài bão giúp dân, giúp nước.

Sau khi tốt nghiệp Trường Canh nông thực hành ở Tuyên Quang, vào làm việc ở Sở Canh nông Bắc Kỳ rồi chuyển sang Sở Canh nông Trung Kỳ, Phan Đăng Lưu đã sớm nhận ra một công chức dưới chế độ thực dân không dễ gì làm lợi cho dân, cho nước, ông quyết định chuyển hướng tập trung vào nghiên cứu các môn khoa học chính trị - xã hội, coi đó là khởi điểm cho con đường đi mới của mình.

Phan Đăng Lưu quyết định gia nhập Hội Phục Việt và tích cực tham gia các hoạt động của Hội, trong đó có phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, mở lớp dạy văn hóa cho công nhân, nông dân trong vùng...

Đây cũng là cơ hội để Phan Đăng Lưu đọc và nghiên cứu nhiều sách báo tiến bộ từ nước ngoài gửi về như báo Người cùng khổ, báo Nhân đạo, báo Việt Nam hồn, cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản… Nhờ đó, giúp Phan Đăng Lưu sáng tỏ con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

Những chuyển biến trong nhận thức, đặc biệt là hoạt động cách mạng của Phan Đăng Lưu đã bị chính quyền thực dân nghi ngờ, chỉ trong mấy tháng, chúng đã chuyển Phan Đăng Lưu đi làm việc ở nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Bình Định, Lâm Đồng. Ở đâu, Phan Đăng Lưu cũng tổ chức hoạt động yêu nước, chống bọn chủ sự Pháp.

Giữa năm 1936, sau gần bảy năm bị giam cầm ở Nhà lao Vinh và Nhà tù Buôn Ma Thuột, Phan Đăng Lưu được ân xá trở về quê nhà Nghệ An một thời gian, rồi trở vào Thừa Thiên Huế hoạt động. Ông nhanh chóng kết nối với các cán bộ Đảng đang hoạt động ở Huế bước đầu củng cố, hình thành Ban lãnh đạo của Đảng ở Trung Kỳ.

Sau khi liên lạc được với Trung ương Đảng, Phan Đăng Lưu được Trung ương chỉ định tham gia Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ.

Trong quá trình hoạt động ở Huế, với ưu thế về vốn chữ Nho, chữ Pháp và tầm nhìn, kinh nghiệm tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức quần chúng, cùng với quan hệ rộng trong các tầng lớp xã hội, đồng chí Phan Đăng Lưu đã góp phần quan trọng cùng Xứ ủy Trung Kỳ lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng Trung Kỳ giành được nhiều thắng lợi.

Tháng 9/1937, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trên cương vị mới, ông đã đóng góp tích cực vào công tác lãnh đạo và chỉ đạo cuộc đấu tranh cải tổ Viện Dân biểu Trung Kỳ kết hợp với các cuộc đấu tranh của quần chúng.

Báo Dân Tiến do đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Báo Dân Tiến do đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và đồng chí Phan Đăng Lưu, cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi to lớn, biến Viện Dân biểu thành diễn đàn đấu tranh công khai của Đảng hướng tới các mục tiêu đòi các quyền tự do, dân chủ: tập hợp Nhân dân đấu tranh đòi giảm thuế, tăng thêm quyền cho Viện Dân biểu, đòi tự do báo chí, thả tù chính trị, tự do nghiệp đoàn, chống bọn phản động thuộc địa, vạch mặt bọn tham quan ô lại lợi dụng chức quyền bán nước, hại dân…

Trong nửa đầu năm 1940, trước sự tăng cường đàn áp, khủng bố của kẻ thù, các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần lượt bị bắt. Ban Chấp hành Trung ương chỉ còn lại một mình đồng chí Phan Đăng Lưu chèo lái con thuyền cách mạng nước ta.

Tháng 11/1940, Hội nghị Trung ương lần thứ bảy của Đảng diễn ra tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, đồng chí Phan Đăng Lưu được cử vào Ban Chấp hành Trung ương mới và được giao nhiệm vụ trở vào Nam truyền đạt ý kiến của Trung ương về hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

Ngày 22/11/1940, khi vừa về tới Sài Gòn, chưa kịp truyền đạt ý kiến của Trung ương đồng chí Phan Đăng Lưu bị mật thám Pháp bắt.

Tòa án binh của chính quyền thực dân Pháp ở Sài Gòn trong các phiên xử ngày 25/3/1941 và ngày 3/4/1941 đã kết án tử hình đồng chí Phan Đăng Lưu.

Bị dư luận nhân dân phản đối, ngày 28/8/1941, thực dân Pháp lén lút bí mật đem đồng chí Phan Đăng Lưu và đồng chí Nguyễn Văn Cừ bắn tại ngã ba Giồng, xã Tân Thới Thượng (Hóc Môn, Gia Định).

Khi bị tuyên án tử hình, đồng chí Phan Đăng Lưu vẫn bình tĩnh, kiên định, tỏ rõ mình là một người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nguyện trọn đời hy sinh cho cách mạng: “Tôi không sợ chết, nhưng chúng xử tôi khổ sai chung thân đày ra Côn Đảo thì hơn.

Còn sống, nhất định tôi tìm được cách vượt ngục để về hoạt động”. Đồng chí Phan Đăng Lưu hy sinh khi mới 39 tuổi, để lại nỗi tiếc thương khôn nguôi cho đồng bào, đồng chí và sự khâm phục của chính những kẻ đã buộc tội, kết án, giết hại đồng chí.

Đồng chí Phan Đăng Lưu đã đi vào lịch sử dân tộc, những dấu ấn, công lao đóng góp của đồng chí còn để lại mãi thiên thu, sự hy sinh oanh liệt của đồng chí đã gieo mầm tái sinh cho sự sống.

Đồng chí ngã xuống, nhưng tinh thần kiên trung của người cộng sản Phan Đăng Lưu đã trở thành bất tử trong đồng bào, đồng chí và bao thế hệ cách mạng, mãi mãi sáng ngời đối với non sông, đất nước Việt Nam.

Cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt của đồng chí Phan Đăng Lưu đã để lại tấm gương đạo đức sáng ngời của một con người tận trung với nước, tận hiếu với dân, không màng danh lợi.

Ở đồng chí Phan Đăng Lưu luôn có niềm tin tuyệt đối với Đảng, niềm tin mãnh liệt vào sự thắng lợi tất yếu của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Phẩm chất đạo đức đó đã nuôi dưỡng chí khí chiến đấu, thôi thúc đồng chí Phan Đăng Lưu luôn đứng trên thế tiến công cách mạng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, từ khi còn là một thanh niên yêu nước đến khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản trong lao tù đế quốc và đến tận những giây phút cuối cùng hy sinh anh dũng trên pháp trường dưới làn đạn của kẻ thù.

PV (sưu khảo)