Chuyện làng văn nghệ

Tác phẩm "Vân muội" của Vũ Hoàng Chương

Cập nhật, 06:24, Thứ Bảy, 14/05/2022 (GMT+7)

(VLO) Vũ Hoàng Chương có nhiều kỷ niệm với bạn văn chương, lúc ấy ông đã thôi học Toán, xuống Hải Phòng dạy tư. Dịp rằm tháng bảy, ông cùng nhà thơ Đỗ Huy Nhiệm, Lê Trọng Quỹ và Thế Lữ cùng lên nghe quan họ ở Kinh Bắc.

Sở dĩ Vũ Hoàng Chương thích lên Kinh Bắc vì đã từng làm xếp ga Bắc Ninh, hơn nữa lại có người yêu tên là Vân ở làng Dương Ổ. Đấy là nàng thơ để Vũ Hoàng Chương viết kịch thơ “Vân muội” và ra tập thơ “Mây” năm 1943.

Một lần khác vào năm 1942, Vũ Hoàng Chương định lên thăm “nàng thơ”, đến ga Đầu Cầu thì gặp Tô Hoài và Nguyễn Bính, thế là rủ nhau cùng đi luôn. Lên đến Bắc Giang ghé thăm nhà thơ Bàng Bá Lân. Mấy ông “lêu têu” cứ tưởng gặp bạn quý, Bàng Bá Lân sẽ đãi một chầu hát ả đào linh đình.

Nhưng vì tính Bàng Bá Lân lành hiền nên chuyện đó không xảy ra. Vũ Hoàng Chương và Nguyễn Bính tức khí cùng nhau làm thơ họa cho bõ tức. Nguyễn Bính ra câu đầu:

 “Tô Hoài, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương”.

Vũ Hoàng Chương tiếp: “Còi thét vào ga Phủ Lạng Thương/ Sở tại bàng quan chầy xuống xóm”.

Nguyễn Bính tiếp: “Thi nhân Bá Ngọ chuyến lên đường/ Giòng trong giòng đục thêm ngao ngán”.

Vũ Hoàng Chương tiếp: “Chùm chín chùm xanh uổng vấn vương”.

Họa thơ đến đây dù muỗi cắn, vẫn buồn ngủ. Hai ông lăn ra ngủ cạnh Tô Hoài đã “kéo gỗ” từ sớm. Đến khi thức dậy ra ga, bài thơ “Liên ngâm” mới hoàn thành xong hai câu cuối: “Nằm muỗi qua đêm chờ sáng dậy/ Còi xe phong hỏa xé màn sương”.

Việc định biến “nàng thơ” xứ Quan họ thành hôn thê của Vũ Hoàng Chương thất bại vì “nàng thơ” đã được gia đình gả chồng cho từ năm 12 tuổi.

Theo tục lệ, nếu thoái hôn thì gia đình nhà gái phải trả lễ cho nhà trai. Mặc dù Vũ Hoàng Chương sẵn sàng làm việc này, nhưng “nàng thơ” nhút nhát của ông đã không dám hé răng với cha mẹ. Bởi vậy, họ đành chia tay nhau. Cái còn lại chính là kịch thơ “Vân muội” và tập thơ “Mây” đi vào lịch sử văn nghệ Việt Nam.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa Huy Cận và Vũ Hoàng Chương ở Hàng Lược cũng để lại một giai thoại hay. Vừa gặp nhau, Huy Cận đã đọc ngẫu hứng hai câu lục bát: “Đã lên gặp lại chàng say/ Lửa thiêng xin đốt chờ Mây xuống trần”. 

Vũ Hoàng Chương đối ngay khiến Huy Cận rất phục: “Mây kia chẳng chịu xuống trần/ Lửa ơi! Theo khói lên gần với mây”. Từ Cách mạng tháng Tám, Vũ Hoàng Chương vẫn gắn bó với kịch thơ.

PHƯƠNG NGHI (lượt trích theo laodong.vn)