Niềm tự hào lớn lao văn hóa nước nhà

Cập nhật, 06:39, Thứ Bảy, 11/12/2021 (GMT+7)

 

Người dân thường đến viếng khu Di tích lịch sử văn hóa Nguyễn Đình Chiểu ở tỉnh Bến Tre.Ảnh chụp trước dịch
Người dân thường đến viếng khu Di tích lịch sử văn hóa Nguyễn Đình Chiểu ở tỉnh Bến Tre.Ảnh chụp trước dịch

(VLO) Ngày 24/11/2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vui mừng thông báo sự kiện văn hóa đặc biệt: UNESCO kỷ niệm và vinh danh hai Danh nhân văn hóa Việt Nam là nữ sĩ Hồ Xuân Hương và danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Có thể nói, đây chính là sự “sắp đặt của lịch sử”- để đất nước “vốn xưng nền văn hiến đã lâu” tiếp nối mạnh mẽ tinh thần chấn hưng văn hóa nước nhà.

Tự hào tiếng nước ta

Sự kiện UNESCO thông qua Nghị quyết vinh danh và lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương (niên khóa 2022-2023), có ý nghĩa vô cùng to lớn.

Chúng ta không chỉ nhìn nhận với góc độ một “bà chúa thơ Nôm”, mà cần gắn với văn học sử để có cái nhìn sâu sắc, tầm vóc về niềm tự hào độc lập thông qua nền thơ ca thuần túy ngôn ngữ dân tộc.

Chữ Nôm ra đời khoảng thế kỷ thứ X khi người Việt thoát khỏi ngàn năm Bắc thuộc với chiến thắng của Ngô Quyền vào năm 938, được hoàn chỉnh dần vào các thế kỷ sau đó.

Chữ Nôm được dùng trong sáng tác văn học từ thế kỷ XIII- XV, phổ biến vào thế kỷ XVIII- XIX. Đến nửa sau thế kỷ XIX- nửa đầu thế kỷ XX; chữ Nôm và cả chữ Hán được thay bằng chữ Quốc ngữ ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin.

Và trong suốt ngàn năm lịch sử của triều đại phong kiến Việt Nam, chỉ duy nhất Hoàng đế Quang Trung chính thức đưa chữ Nôm vào văn bản hành chính và khoa cử. Sau chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa (1789), Hoàng đế Quang Trung gạt bỏ tư tưởng độc tôn chữ Hán trong giáo dục và khoa cử của các triều đại phong kiến trước.

Cũng năm 1789, Quang Trung cho mở khoa thi Hương đầu tiên tại Nghệ An. Nguyễn Thiếp được cử làm Đề điệu trường thi kiêm Chánh chủ khảo.

Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, chữ Nôm chính thức hiện diện trong khoa cử; trong các kỳ thi, đề thi được ra bằng chữ Nôm; và đến kỳ tam trường, thí sinh phải làm thơ phú bằng chữ Nôm.

Đây là “bệ phóng” cho nền văn học chữ Nôm phát triển một cách rực rỡ nhất, trong đó có sự đóng góp của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Và chữ Nôm trong thơ Hồ Xuân Hương tiến sâu thêm một bước, là sự “thoát xác” hoàn toàn khỏi thể thơ Đường luật đầy tính khuôn mẫu, bác học, trở thành tiếng nói dân dã một cách bỡn cợt mà vẫn thấm đẫm chất nhân văn, thẩm mỹ, mang vẻ đẹp lung linh hình tượng và vang vọng, đầy ắp âm thanh thuần Việt.

Điều này giúp cho thơ Nôm của Hồ Xuân Hương vừa nói lên tiếng lòng trĩu nỗi tâm tư vừa là thứ vũ khí phản kháng đặc hiệu của phụ nữ vốn yếu thế, bị xem thường trong ý thức hệ phong kiến.

Trên nền tảng lý luận đó, mở ra cho việc nghiên cứu, nhìn nhận sự kiện thế giới vinh danh nhà thơ Nôm Hồ Xuân Hương, dưới góc độ ý thức độc lập, tự chủ một cách trọn vẹn nhất về lãnh thổ và văn hóa, ngôn ngữ dân tộc. Còn dưới góc độ văn học, chúng ta thực sự nghiêng mình cảm phục những nhà ngôn ngữ, dịch giả tâm huyết, công phu thực hiện những bản dịch thơ Nôm Hồ Xuân Hương ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Với đặc thù của vỏ ngôn ngữ tiếng Nôm, đặc biệt trong thơ Hồ Xuân Hương đầy từ tượng hình, tượng thanh thì không hề dễ dàng chuyển qua những hệ ngôn ngữ bất tương đồng. Chính quá trình phổ biến rộng rãi này đã giúp cho gia tài, sự nghiệp sáng tác của Hồ Xuân Hương phù hợp với dân tộc và cả Công ước của UNESCO.

Cụ Đồ Chiểu giữa lòng dân Nam Bộ

Những đứa trẻ ở Nam Bộ xưa, chắc chắn nằm lòng rất nhiều câu thơ cụ Đồ Chiểu, trước khi chúng được học những tác phẩm của ông.

Từ thuở nằm nôi, chúng đã được các bà, các má hát ru bằng những vần thơ răn dạy chuyện “trung hiếu làm đầu”, chuyện trau mình “câu tiết hạnh”, cách sống nghĩa nhân, hiếu thảo và phân biệt ngay- gian, trung- nịnh…

Những vần thơ mang đời sống ca dao một cách tự nhiên nhẹ nhàng khai mở những bài học đầu đời cho những tâm hồn thơ dại.

Điều đó giải thích vì sao rất nhiều người Nam Bộ xưa, kể cả người “không biết chữ nhứt- một” vẫn thuộc nằm lòng toàn bộ truyện thơ Nôm: Lục Vân Tiên, nhiều đoạn thơ nổi tiếng trong “Ngư tiều y thuật vấn đáp”, kể cả tác phẩm ít được phổ biến hơn như “Dương Từ- Hà Mậu”.

Khu Di tích lịch sử văn hóa Nguyễn Đình Chiểu tọa lạc tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Khu Di tích lịch sử văn hóa Nguyễn Đình Chiểu tọa lạc tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Những tác phẩm văn học của cụ Đồ Chiểu đã bước ra khỏi trang sách đi thẳng vào đời sống, trở thành tiếng nói mang tính dẫn dắt, vừa là tiếng lòng của nhân dân Nam Bộ trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước.

Một nhà nho đúng nghĩa “Nho, y, lý, bốc” đã Việt hóa tư tưởng Nho giáo trong buổi giao thời, sống gần gũi người dân, nói tiếng nói bình dân ngay cả trong những áng văn thơ trác tuyệt, giúp cho mọi người dễ hiểu, dễ thuộc, dễ chấp nhận nhất.

Điển hình truyện thơ Lục Vân Tiên, được viết bằng thể thơ lục bát, theo môtip cổ tích kết thúc có hậu “ở hiền gặp lành”, kẻ ác phải bị trừng phạt, đề cao tinh thần “trượng nghĩa khinh tài”, ghét bất công bênh vực kẻ yếu thế, là ước mơ công lý và phù hợp với tinh thần, đạo lý của người dân Nam Bộ: “Nhớ câu kiến ngãi bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”- nên trở thành những bài học ở đời, trong mọi tầng lớp người dân. Đó là lý do Nam Bộ yêu quý, tôn trọng gọi bằng cụ Đồ với hàm nghĩa bao quát nhất của một người thầy.

Ở tầm vóc to lớn hơn, Nguyễn Đình Chiểu nêu cao tinh thần yêu nước, độc lập, tự chủ dân tộc một cách quyết liệt nhất, thể hiện qua mọi hành động cuộc đời và sự nghiệp sáng tác luôn nhất quán, không mảy may đổi dời suy suyển.

Những áng văn tế soi sáng chủ nghĩa nhân đạo, tinh thần yêu nước, thân dân, yêu chuộng hòa bình, qua đó tầng lớp yếu thế trong xã hội như: phụ nữ, trẻ em, nông dân hiện lên một cách nhân văn, nhân ái nhất.

Bằng sự xúc động chân thành và niềm tự hào lớn lao trước sự kiện văn hóa đặc biệt của đất nước, cũng là dịp để chúng ta cùng “ôn cố tri tân”, cùng “trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau”, cùng chung nhau đồng lòng, tâm huyết với công cuộc chấn hưng nền văn hóa nước nhà.

Có hiểu tường tận mới biết yêu quý, tôn trọng gia tài vô giá cha ông để lại, mà cùng nhau gìn giữ, phát huy những di sản văn hóa, lịch sử ngàn đời của dân tộc. Đó là nền tảng, là động lực cho cơ đồ Việt Nam mãi rực rỡ, trường tồn trên con đường hướng tới tương lai.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG