Hoài những ngã ba

Cập nhật, 19:44, Chủ Nhật, 05/12/2021 (GMT+7)

 

Tan trường. Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tan trường. Tranh minh họa: TRẦN THẮNG


TRẦN THẮNG 

Trong cuộc đời người, khi quyết định việc gì đó khó khăn thường ví như đứng trước ngã ba đường.Và trong cuộc đời ít nhiều lần phải phân vân lựa chọn. Riêng tôi cuộc đời đã may mắn đi qua những ngã ba (theo nghĩa đen) và những ngả đường về ba ngã ấy đã gắn bó nhiều kỷ niệm trong quãng đời học tập, công tác cho đến lúc nghỉ hưu.

Từ ngã ba An Nhơn

Đó là một ngã ba thuộc thị trấn Vũng Liêm, cách TP Vĩnh Long hơn 30 cây số về hướng Trà Vinh. Tại ngã ba này có Bia Nam Kỳ khởi nghĩa, tượng Đốc binh Lê Cẩn- Nguyễn Giao, Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ở đây còn có đặc sản nem An Nhơn đã có từ lâu đời là món quà quê khi có dịp ghé An Nhơn. Ngã ba nằm trên QL53 này là nơi chia đi các ngả một hướng về thành phố Trà Vinh (khoảng cách hơn 30 cây số), một hướng vào chợ Vũng Liêm (chừng 2 cây số) và một đi về TP Vĩnh Long (hơn 30 cây số). Do thị trấn Vũng Liêm tập trung nhiều trường học, trong đó có trường trung học Vũng Liêm (trước đây ở xã chỉ có trường tiểu học nên học sinh trung học đều phải về huyện học) nên số học sinh hàng ngày đi về qua ngã ba An Nhơn rất đông đúc, đường thị trấn thì hẹp nên những buổi tan trường hình ảnh màu áo trắng kéo dài suốt cả một quảng đường huyện lỵ vẫn còn lưu giữ trong ký ức nhiều người.

Vẫn một ngã ba đường về ba ngã

Sao vấn vương lòng tên gọi An Nhơn

Có phải mùi nem xứ sở quê hương

Nặng bước tha hương trĩu lòng viễn xứ

Nhớ ngày xưa mỗi buổi chiều tan học

Áo trắng về nhuộm trắng một ngã ba…

Khi lớn lên tôi vào đại học và nơi tôi đến là một ngôi trường có tuổi đời cả trăm năm (trường thành lập năm 1913) ở quận Bình Thạnh- TP Hồ Chí Minh. “Trường vẽ” là tên mà bà con chung quanh thường gọi nằm đối diện một ngã ba. Từ ký túc xá của trường tôi có thể phóng tầm nhìn về phía trước với con đường Nơ Trang Long dài hun hút, còn nhìn sang trái là hướng đi Phú Nhuận, Tân Bình, nhìn sang bên phải là đi chợ Bà Chiểu, ngã tư Hàng Xanh. Thời bao cấp với nhiều kỷ niệm thuở đất nước còn nhiều khó khăn, những chén cơm ở nhà bếp tập thể với nhiều bông cỏ và những tối cúp điện luân phiên.

Sài Gòn bây giờ chiều còn mây giăng

Đường Phan Đăng Lưu

mưa còn trĩu nặng

Nhớ tiếng xe lam Lăng Ông Bà Chiểu

Ký túc xá xanh rêu mưa rớt ban chiều...

Đến ngã ba Chiều Tím

Trở về quê hương công tác, hàng ngày chạy xe đi làm, tôi phải qua một ngã ba có cái tên rất thơ mộng- Ngã ba Chiều Tím. Đây là ngã ba giao lộ của đường Mậu Thân và đường Phó Cơ Điều, thuộc Phường 3- TP Vĩnh Long. Theo những người lớn tuổi, sở dĩ có tên như vậy là do tại góc ngã ba có một quán cà phê có bảng tên Chiều Tím nên người ta đặt luôn cho cái ngã ba này là ngã ba Chiều Tím cho dễ nhớ. Kêu riết rồi thành quen, cứ nói ngã ba Chiều Tím là người đi đường tự khắc biết hướng mà đi, nghĩ cũng tiện. Khi giải phóng nơi đây còn là con đường nhiều sỏi đá, lắm ổ gà, đến mùa dưa gang bà con thường mang dưa bày bán ven đường. Ngã ba bây giờ đã có cột đèn tín hiệu xanh, đỏ cho an toàn giao thông. Đối diện ngã ba là Công viên Tượng đài chiến thắng Mậu Thân. Đường Mậu Thân bây giờ dân cư san sát nhiều trường học, quán xá mọc lên hiện đang được nâng cấp, mở rộng.

Nhiều lần đi qua ngã ba này, lòng tôi thầm nghĩ chẳng biết có bao mối tình được hình thành qua các buổi hẹn hò trong những quán cà phê ở khu vực ngã ba Chiều Tím và tưởng tượng chắc chủ quán cà phê đẹp lắm, nàng thường mặc chiếc áo bà ba màu tím, miệng luôn nở nụ cười duyên, má lúm đồng tiền làm xao lòng bao lữ khách trong những buổi hoàng hôn buông tím rịm xuống ngã ba.

Có những chiều mây trắng vội buông tay

Mà tà dương như cố tình nán lại

Pha ráng hồng vào bóng huyền tê tái

Cho tím trời chiều tím lối em qua

Nơi hai con đường và một ngã ba

Ai đặt tên là ngã ba Chiều Tím

Để những buổi hoàng hôn buông tím rịm

Nhớ mắt em huyền nhớ nụ cười duyên...

Một buổi chiều, trời bất chợt đổ mưa, tôi tấp xe vào ven đường tránh mưa ở đúng cái ngã ba này. Có lẽ mưa lâu làm lòng người thêm chút u hoài. Trong làn mưa trắng xóa, hình ảnh phố xá nhạt nhòa, dòng suy tưởng đưa tôi trở về quá khứ, hoài niệm về những ngã ba không thể nào quên trong cuộc đời mình.