Đầu tư phát triển điện ảnh mang bản sắc địa phương

Cập nhật, 11:20, Chủ Nhật, 20/12/2020 (GMT+7)

 

“Phim Việt giờ vàng” trên truyền hình Vĩnh Long.Ảnh trích từ phim “Tiếng sét trong mưa”.
“Phim Việt giờ vàng” trên truyền hình Vĩnh Long.Ảnh trích từ phim “Tiếng sét trong mưa”.

Tỉnh Vĩnh Long không có tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động sản xuất phim nhưng hoạt động điện ảnh phát triển mạnh mẽ qua việc sản xuất và phổ biến phim trên sóng Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long (THVL). Từ thực tiễn địa phương, lãnh đạo tỉnh và những người công tác ở lĩnh vực văn hóa có nhiều kiến nghị đóng góp cho dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh dự kiến trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2021.

Nhiều đầu tư cho điện ảnh

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa khảo sát việc thi hành Luật Điện ảnh tại Vĩnh Long. Bà Hoàng Thị Hoa- Phó Chủ nhiệm Ủy ban- đánh giá cao việc phát triển điện ảnh của tỉnh trên cơ sở quy định của luật và đáp ứng thị hiếu người xem.

Theo bà, tỉnh Vĩnh Long dành nhiều nguồn lực cho điện ảnh: đầu tư sản xuất phim, dành khu đất rộng làm trường quay, tạo không gian sáng tạo và là điều kiện để mời những đạo diễn, quay phim, người viết kịch bản tốt… tạo nên những tác phẩm có giá trị, góp phần phát triển điện ảnh địa phương.

Điểm nổi bật của hoạt động điện ảnh trên địa bàn tỉnh là hoạt động sản xuất, hợp tác liên kết sản xuất phim của THVL.

Năm 2008, THVL bắt đầu hợp tác sản xuất phim Việt Nam trung bình 350 tập, nhằm đảm bảo “tỷ lệ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình đạt ít nhất 30% so với tổng số thời lượng phát sóng phim” theo quy định của Luật Điện ảnh và Điều 17 Nghị định 54/2010/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh. Từ năm 2010, THVL bắt đầu phát sóng mỗi ngày 1 tập phim mới vào lúc 20 giờ từ thứ 2- 7 và 1 tập phim thiếu nhi vào tối chủ nhật hàng tuần.

Phim Việt Nam trên THVL được đánh giá đa dạng về thể loại, từ những bộ phim tâm lý xã hội, phim hình sự phá án, đến thể loại cổ trang… đặc biệt là dòng phim chuyển thể từ tác phẩm văn học của Hồ Biểu Chánh như “Lời sám hối”, “Ải trần gian”… và các phim chuyển thể từ cải lương như: “Con gái chị Hằng”, “Tình mẫu tử”, “Tiếng sét trong mưa”… 

Bên cạnh đó, THVL còn tự sản xuất các bộ phim về các nhân vật lịch sử của quê hương Vĩnh Long như: “Khí phách anh hùng” kể về cuộc đời của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, “Trọn nghĩa thủy chung” với câu chuyện đời riêng cảm động bên cạnh cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, nhiệt huyết của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt…

Theo ông Phan Văn Giàu- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh: “Trong hơn 10 năm, THVL đã hợp tác sản xuất 120 bộ phim truyền hình với gần 5.000 tập phim và 2.400 tập phim thiếu nhi hoạt hình 2D, 3D.

 Có thể nói, khung giờ vàng phim Việt do THVL hợp tác sản xuất đã đạt được những thành công nhất định, tạo nên nét đặc sắc riêng cho nhóm các chương trình giải trí của đài, nhiều phim đã đạt giải cao trong các kỳ liên hoan truyền hình toàn quốc”.

Năm 2017, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó về đầu tư cơ sở vật chất, tỉnh đã có 2 rạp chiếu phim tại Trung tâm Thương mại Vincom (mỗi rạp 200 chỗ ngồi) với vốn đầu tư 19,5 tỷ đồng và Nhà hát truyền hình- Cụm rạp chiếu phim với các hạng mục như: khối nhà hát truyền hình với khán phòng 600 chỗ, khối rạp chiếu phim 3 phòng (mỗi phòng 200 chỗ ngồi), khối phim trường có 3 khán phòng giao lưu khán giả… tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng. Đây là tiền đề để tiếp tục phát triển hoạt động điện ảnh và phát thanh- truyền hình của tỉnh.

Kiến nghị có cơ chế đặc thù cho điện ảnh

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- cho biết, trong kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tỉnh xác định điện ảnh là một lĩnh vực công nghiệp văn hóa cần được phát huy và đẩy mạnh bởi vì điện ảnh mang tính nghệ thuật, mang tính quốc tế, là kênh thông tin bổ ích, hữu hiệu quảng bá hình ảnh, con người, đất nước Việt Nam, du lịch Việt Nam…

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh trong thời gian sắp tới của Quốc hội là điều cần thiết. Trong quá trình khảo sát, lấy ý kiến, những sửa đổi, bổ sung này sẽ phù hợp với thực tế, để điện ảnh phát triển bền vững, mang tính hội nhập.

Về thực trạng tổ chức hoạt động điện ảnh trên địa bàn, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng của tỉnh đã được sáp nhập trở thành một bộ phận trong Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh, với trang thiết bị lạc hậu; hoạt động chủ yếu gắn kết trong chương trình biểu diễn của Đội tuyên truyền lưu động, Đoàn ca múa nhạc của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh (chiếu phim tư liệu hoặc chương trình ca nhạc vào đầu buổi từ 20- 30 phút). Bộ phận này không có kinh phí hoạt động, nhân viên kỹ thuật chiếu phim dựa vào chi phí thù lao của Đội tuyên truyền lưu động, Đoàn ca múa nhạc.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhu cầu giải trí của người dân ngày càng cao, công nghệ thông tin phát triển, đầu tư rạp chiếu bóng phải mang tầm, đáp ứng yêu cầu của mọi tầng lớp, cần có cơ chế chính sách cụ thể về quản lý nhà nước. Tỉnh có đề án với mục tiêu tiếp tục xây dựng rạp ở TX Bình Minh và TP Vĩnh Long từ nguồn xã hội hóa.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch- Phan Văn Giàu thì có kiến nghị Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế và cơ chế đặc thù cho các cơ sở điện ảnh để khuyến khích các cơ sở đầu tư phát triển. 

Bên cạnh đó, cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng hơn giữa ngành văn hóa, thể thao và du lịch là cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh, với ngành thông tin- truyền thông và THVL trong công tác quản lý phim phổ biến trên truyền hình. Đặc biệt, cần có quy định quản lý việc tự phổ biến các clip, phim ngắn, video trên môi trường mạng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội- Hoàng Thị Hoa trong buổi khảo sát thực hiện Luật Điện ảnh tại Vĩnh Long.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội- Hoàng Thị Hoa trong buổi khảo sát thực hiện Luật Điện ảnh tại Vĩnh Long.

Luật Điện ảnh ra đời đã tạo hành lang pháp lý, tạo thuận lợi để tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là cơ chế xã hội hóa trong việc sản xuất phim, huy động nguồn lực, chất xám của xã hội, góp phần nâng cao chất lượng phim Việt Nam.

Những ý kiến đóng góp là cơ sở để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chuẩn bị thẩm tra dự án luật điện ảnh sửa đổi sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV dự kiến vào tháng 10/2021.

Luật đi vào thực tế cuộc sống, kỳ vọng về những tác phẩm điện ảnh có giá trị ra đời, như lời Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng- Hoàng Thị Hoa nói: “Việt Nam có phong cảnh hữu tình, cây cối xanh tươi bốn mùa, có bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống, con người Việt Nam sáng tạo… tất cả đủ để phát triển điện ảnh nếu chúng ta đầu tư xứng tầm”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

 

Các tin khác: