Tác giả ca khúc "Sóng biển lang thang" một thời... lang thang

Cập nhật, 12:22, Chủ Nhật, 20/12/2015 (GMT+7)

Mấy năm nay, do tình hình bất ổn ở biển Đông nên rất nhiều nhạc sĩ viết về biển đảo. Nhưng cách đây hơn 40 năm, nhạc sĩ Hồng Đăng đã có hàng chục ca khúc viết về biển đảo như: “Lênh đênh”, “Biển hát chiều nay”, “Lời ru của sóng”, “Nỗi nhớ đêm đại dương”, “Hạt muối của biển”, “Biển và cô gái chưa quen”, “Người mẹ thành phố biển”, “Biển nắng”, “Biển đêm”, “Âm vang của sóng”, “Có một vùng đảo xa”, “Hoàng hôn Hạ Long”, “Gửi tặng biển khơi”,...

Nổi tiếng nhất là bài “Biển hát chiều nay”, so với các ca khúc viết về biển của ông. Có một nhà báo phỏng vấn Hồng Đăng: “Do đâu mà ông viết nhiều về biển?” Ông trả lời: “Tôi sinh ra ở vùng quê nghèo ven biển miền Trung (huyện Yên Thành- Nghệ An).

Biển đã gây cho tôi ấn tượng cuộc đời sóng gió, những thăng trầm “dữ dội và dịu êm” của kiếp người”. Tôi say mê nhiều thứ: kịch, múa, thơ, hát. Năm 12 tuổi, tôi đã xa nhà, tự lập để kiếm sống bằng làm gia sư để có tiền ăn học... Cảnh ngộ đặc biệt và những nếm trải đã khiến tôi sớm bị ám ảnh với biển, với lênh đênh…”

Thật không may, chính vì yêu biển ông mới có “sự cố nghề nghiệp” vào năm 1962 về bài hát đầu tiên viết về biển có tên: “Sóng biển lang thang”. Năm đó, Hội Nhạc sĩ Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Zech) có tổ chức cuộc thi viết về biển. Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng thông báo cho các nhạc sĩ Việt Nam tham gia. Thông qua Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hồng Đăng gửi ca khúc “Sóng biển lang thang” sang bên đó tham dự, thì khi lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam duyệt, có người cho là “sóng biển lang thang” có nội dung “xét lại”.

Tại sao con sóng lại lang thang, sóng lang thang đi đâu hay tâm trạng của tác giả chán không khí xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc mà mượn “Sóng biển lang thang”? Tại sao đem tình yêu từ nước này sang nước kia?

Cuối cùng, nhạc sĩ Hồng Đăng bị kiểm điểm, tạm thời treo bút 7 năm trời, còn các ca khúc của ông 5 năm không được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. 7 năm đó ông “lênh đênh”, “lang thang” khắp nơi. Đến nỗi có lần đi thực tế xuống Sở Thủy sản Hải Phòng theo lời mời của Sở Văn hóa Hải Phòng thì ông không được xuống tàu vì sợ lộ bí mật an ninh.

Bởi trước đó, có ai đó đã “tố” nhạc sĩ Hồng Đăng có vấn đề “xét lại”. Không chỉ có vậy, ngay từ tuổi thơ, nhạc sĩ Hồng Đăng cũng phải thay tên. Lúc đầu, cha mẹ đặt tên là Phan Đăng Hồng vì nhà ở chân núi Hồng Lĩnh, khi đi học bạn bè cứ trêu đùa là tên của con gái. Sau, cha mẹ phải làm lại giấy khai sinh là Phan Hồng Đăng.

Tuy cuộc đời có giai đoạn thăng trầm như vậy, nhưng nhạc sĩ Hồng Đăng vẫn như ngọn đèn tỏa sáng- nhất là sau sự cố ca khúc “Sóng biển lang thang”, ông viết càng hay, tiêu biểu là bài “Hoa sữa”. Năm 1990, ông được bầu vào BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam và 2 nhiệm kỳ liền là Phó Tổng Thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc. Nay ở tuổi bát tuần (ông sinh năm 1936), ông có khoảng 700 ca khúc.

Ở tuổi này, ông đâu còn sức lênh đênh, lang thang nhưng thi thoảng ông vẫn nhớ về sự cố nghề nghiệp lang thang ấy. Chính nó đã làm động lực thúc đẩy ông sáng tác hay hơn, nhiều hơn, để có một vị trí, chỗ đứng trong đời sống âm nhạc của công chúng.

LÊ HỒNG THIỆN (Hưng Yên)