Câu chuyện mẹ và con

Cập nhật, 06:29, Chủ Nhật, 20/12/2015 (GMT+7)

Thằng Đo vừa quẹo vào hẻm thì đèn đường bật sáng. Nó đang đói vì từ bữa sáng tới giờ, chưa thêm được chút gì vô bụng. Nó bị đuổi việc vì đã bốn lần vắng mặt lúc chủ thầu kiểm tra. Một gói xôi không thấm vào đâu với cái bụng cần năm chén cơm một bữa. Nhưng làm gì khác hơn được. Nó vốn ham chơi, lười biếng và lại mê đá gà. Mẹ nó cũng bất bình với thằng con bất trị này.

Ảnh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)
Ảnh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)

Ba đứa con cùng cha cùng mẹ mà nó dường như không được mẹ thương. Nó thầm oán trách mẹ. Thằng Cân với con Đong thì khác, lúc nào cũng mẹ mẹ, con con. Từ ngày Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì đất đai vù vù tăng giá. Cái nhà trong hẻm ngày nào còn khoảng đất trống, lúc ông già còn sống chỉ để trồng mấy bụi chuối cũng có giá.

Mẹ nó cắt bán cho người hàng xóm, lấy tiền chia làm bốn. Một phần sửa lại căn nhà cho tươm tất. Còn lại chia đều mỗi đứa một phần. Con Đong có chồng cũng ổn định. Tuy không khá giả gì, nhưng vẫn nuôi được ba đứa con ăn học đàng hoàng. Thằng Cân là anh cả, đã từng cực khổ với gia đình cho tới lúc có vợ có con.

Ai cũng đâu ra đó. Chỉ có nó là nỗi buồn đau trong lòng người mẹ đã vất vả hơn nửa đời người. Phần tiền của nó đã bay như bụi cám. Mẹ nó muốn cất giữ cho tới lúc nó cưới vợ. Nhưng nó đã nằng nặc: “Cần gì phải cưới cho tốn kém. Tui dắt nó về là xong. Bà đưa tiền cho tui làm ăn còn có lý hơn!” Chị Sáu lúc đầu cũng cương quyết không đưa. Một bữa, nó về sau khi đã uống say. Nó ra oai bằng cách đập cái tủ áo của mẹ: “Bữa nay bà mà hổng đưa phần tui. Tui sẽ đập phá hết để coi bà còn giữ được hông!”

Chị Sáu hoảng hồn vì nó đã đập bể kiếng cái tủ rồi. Nó còn hầm hầm bước qua bàn thờ và xoay lại thách thức: “Bà nói tui dám đập bàn thờ hông? Tại sao của mấy người kia bà đưa ngon ngọt. Còn tui, bà chờ tui phải nặng nhẹ mới đưa? Tui là con xin con lượm chắc?” Thấy không thể đấu với thằng con bất trị này, chị Sáu rớt nước mắt lấy tiền đưa nó: “Mầy lấy tiền thì phải lo làm ăn. Đừng cờ bạc đá gà tới hết.

Tao còn phải cực khổ lo ăn, hổng gánh vác cho mầy được đâu!” Đo cầm xấp tiền trong tay xởi lởi: “Bà yên tâm. Tui sẽ làm cho bà thấy. Tui hổng ăn bám bà đâu!” Rồi nó đi. Đi biệt gần ba tháng. Chị Sáu lo lắng đêm ngày. Nhưng việc mua bán ở bến phà không thể bỏ. Cầu Cần Thơ đang được làm. Mai này, chị không mua bán ở đó nữa. Chị rầu thúi ruột mà thằng con này còn để chị phải bận tâm. Rồi cái ngày chị lo lắng cũng đến.

Đo về nhà với bộ dạng thê thảm. Nó ốm như vừa qua một cơn đau nặng. Vừa vô tới nhà, nó đã hấp tấp: “Mẹ còn cơm hông, cho con ăn một bữa, sáng giờ chưa ăn gì!” Chị Sáu vừa nấu xong bữa tối. Chị nhìn nó mà rùng mình. Nó làm gì mà thê thảm vậy. Chưa kịp đem đồ ăn ra bàn, thằng Đo đã bới vội tô cơm, xúc mấy miếng thịt kho, ăn ngấu nghiến. Chị nhìn nó ăn mà tưởng tượng mọi chuyện: “Mầy đem tiền đi cúng đâu hết rồi? Không còn tiền ăn bữa cơm sao mà về ăn chực?”

Đo ực vội ca nước rồi trợn mắt: “Ăn bữa cơm mà bà vặn vẹo như vậy sao? Tui làm ăn thất bại. Tiền bạc không còn, về nhà không được hả?” Chị Sáu rụng rời: “Trời đất! Bao nhiêu tiền chưa đầy ba tháng mầy làm sạch. Bây giờ về báo tao chắc! Con ơi là con! Mầy biết tao ngồi bán mặt cho mưa nắng, chắt mót từng đồng.

Còn mầy có tiền thì đi cờ bạc. Giỏi thì đi luôn đi, sao còn về cái nhà này!” Rồi chị khóc, khóc cho đời mình vô phước. Thằng con bất trị này sẽ là gánh nặng đời chị đây. Thấy mẹ ngồi khóc, Đo hơi lúng túng: “Thôi! Tui lỡ thất bại rồi. Tui sẽ tìm việc làm. Bà đừng buồn. Bây giờ tui về nhà ở. Tui đi làm lo gì hổng có tiền ăn!” Nói xong một hơi nó lăn ra ngủ. Chị Sáu không cơm nước gì nổi. Cứ nghĩ tới số tiền mà nó đã lấy đi. Chị thắp nhang bàn thờ anh Sáu mà lòng đau như cắt.

Vừa đẩy cái cổng rào, Đo thấy con Hồng chạy vụt qua cuối hẻm. Nó đuổi theo “Đứng lại! Mầy thấy tao thì chạy. Sao vậy? Mầy làm bộ quen tao để tụi thằng Đực gạt tiền tao hả? Bữa nay mầy không nói rõ, tao đập cho mầy chết rồi đi ở tù!” Con Hồng xanh mặt, thằng Đo nắm được tay nó. Hồng nhỏ nhẹ: “Em xin anh. Em hổng dính líu gì tới tụi thằng Đực đâu.

Em thề đó!” “Vậy sao mầy xúi tao làm ăn với nó. Làm chưa được một tháng, nó biến mất. Còn mầy cũng lặn luôn?” Con Hồng xuống nước: “Em thấy nó cũng đi lại mua bán, em chỉ muốn giúp anh kiếm tiền, ai biết nó trời đất như vậy!” Thấy con Hồng không có vẻ gì là đồng bọn với tụi thằng Đực, Đo buông tay nó ra: “Mầy có gặp nó, nói tao muốn lấy tiền lại. Nếu không tao sẽ báo công an!” Con Hồng dạ dạ rồi đi như chạy.

Đo bước vào nhà. Chị Sáu vẫn chưa về. Nó ra nhà sau thấy mấy trái bắp có lẽ mẹ cố tình để lại. Vừa cạp bắp, nó ngẫm nghĩ chuyện đã qua. Đo biết thằng Đực qua lời giới thiệu của con Hồng (nó mua bán đồ lặt vặt dưới bến phà và nhà ở cùng xóm với Đo). Thằng Đực cho biết nó lấy “hàng đá”, “hàng trắng” bán cho các con nghiện. Nó ít vốn.

Biết thằng Đo đang có số tiền lớn, nó ngọt ngào: “Tụi này ít vốn nên không có nhiều hàng. Nếu anh chịu hợp tác, chỉ cần đưa vốn, tụi này làm rồi chia cho anh. Bảo đảm một vốn bốn lời. Anh khỏi lo, tụi này làm, tụi này chịu. Có bắt cũng không dính líu tới anh!” Đo vốn tính lười biếng, ham chơi. Nghe thằng Đực nói cũng có lý. Nó bán chứ đâu phải mình. Nó vẫn nghe người ta nói buôn bán ma túy lời nhiều lắm. Nó cũng muốn làm thử. Có nhiều tiền rồi, để coi mẹ nó có còn coi thường nó không.

Lần đầu, Đo đưa thằng Đực ba triệu. Chỉ mấy ngày sau, nó vui vẻ đưa lại năm triệu. Đo mừng húm. Trời đất! Như vầy thì chẳng bao lâu nó sẽ có cả núi tiền. Lần đó, Đo đưa lại thằng Đực năm triệu nó vừa đưa. Một tuần sau, thằng Đực lại đưa Đo tám triệu. Nó còn cho biết chuyến này đi lấy hàng tận biên giới sẽ rẻ hơn và lời nhiều hơn, nhưng thiếu vốn. Nó chỉ nói như vậy chứ không nói gì thêm. Đo nghĩ việc này nếu có cơ hội mà không làm thì uổng quá! Đo hẹn chiều lại sẽ đưa vốn nhiều hơn để đánh một chuyến. Rồi nó đi thẳng về đám đá gà. Bây giờ tha hồ chơi không cần phải lo ngại gì nữa.

Tối đó, Đo đưa thằng Đực trọn số tiền năm mươi triệu và nhẩm tính làm gì cũng được tám mươi triệu trong tay. Rồi nó đưa con Hồng đi ăn một bữa thỏa thuê để cảm ơn và tặng thêm mấy bộ đồ đắt tiền. Một tuần, mười ngày, rồi nửa tháng… Thằng Đực vẫn biệt tăm. Con Hồng cũng mất dạng luôn. Đo chỉ còn mấy triệu trong tay, lại bị tụi đá gà bóp cổ hết. Nó rời nhà trọ sau khi chủ nhà đã xiết chiếc xe trừ nợ. Nó tìm thằng Đực thêm nửa tháng nữa, nhưng thằng Đực như viên sỏi chìm xuống hồ, mất biệt.

Không còn đường nào khác để đi, nó đành về nhà. Dẫu sao, mẹ cũng đâu bỏ mặc đứa con mình mang nặng đẻ đau. Tuy đau lòng vì thằng con bất trị này nhưng chị Sáu vẫn tìm tới mấy người quen cũ của chồng để tìm việc cho Đo. Nó được nhận vào làm phụ hồ với lương trả mỗi tuần đủ sống. Nhưng cái tánh ham chơi đã làm nó mất việc. Lẽ ra, chỉ bỏ việc không lý do hai lần là chủ đuổi. Nhưng chủ thầu niệm tình ba nó ngày xưa là một người thợ siêng năng. Đo không biết sửa đổi. Đang làm, hễ nghe ở đâu có đá gà thì nó chịu không nổi, lại tìm cách trốn đi. Lần thứ tư, nó bị đuổi.

Chị Sáu dầm mưa về nhà. Bữa nay bắp ế quá. Còn hơn hai chục. Chị rầu buồn chuyện thằng Đo mà ốm đi nhiều. Gần tháng nay, nó chỉ ăn rồi ngủ. Có khi đi biệt cả ngày rồi trở về nhà. Chị biết nó đi kiếm tụi đá gà chớ không đâu. Nếu cứ như vậy hoài, chị chắc không kham nổi. Nhìn mớ bắp còn ế, chị nghĩ tối nay không nấu cơm nữa. Chị cạp bắp là xong. Thằng Đo có về thì cứ ăn bắp. Để nó sẵn cơm thì không biết lo. Cả ngày mệt mỏi, chị tắm xong thì nằm võng rồi ngủ quên.

Thức dậy từ ba giờ, chị Sáu nhóm bếp nấu bắp. Bước lên nhà trên không thấy thằng Đo, chị giật mình. Rõ ràng nửa đêm chị nghe có tiếng mở cửa và tiếng bước chân của nó. Sao cái giường trống trơn không thấy giăng mùng. Linh tinh báo điều chẳng lành. Chị nhìn qua cái tủ quần áo có một ngăn kéo chị vẫn để tiền ở đó. Ổ khóa vẫn còn nguyên. Chị lấy chìa khóa mở tủ. Trời hỡi trời! Bao nhiêu tiền dành dụm biến mất. Chị ngồi bệt xuống nền nhà, nước mắt lặng lẽ rơi.

Chị Sáu buồn rầu ngã bịnh và nghỉ bán bốn ngày. Thằng Đo về nhà vào ngày chị đã đỡ nhiều. Nó có vẻ biết lỗi rồi. Số tiền lấy cắp của mẹ, nó đi cá độ đá gà. Nó cứ tưởng nếu ăn sẽ có chút tiền trong tay. Không ngờ vận đen vẫn đeo đuổi nó. Nghe người hàng xóm nói mẹ nó bịnh, nó định về xin lỗi mẹ.

Không ngờ, chị Sáu không thèm nhìn mặt nó. Chị cứ ngồi bó gối nhìn trừng trừng tấm ảnh anh Sáu trên bàn thờ. Thằng Đo lấy tô ra đầu hẻm mua cháo. Nó đặt tô cháo lên bàn: “Mẹ ăn cháo cho nóng. Mẹ có mua thuốc uống hông?” Chị Sáu vẫn ngồi bất động. Nhìn mẹ mình như vậy, nó thấy xốn xang trong lòng. Ngay lúc ba mất nó thấy mẹ cũng không đau buồn như vậy.

Suốt một tháng trời, chị Sáu không nói tới thằng Đo một tiếng. Chị nấu bắp rồi đi bán. Về nhà, chị không nấu cơm. Chị ăn ngoài bến phà luôn. Chị quyết không để thằng Đo ỷ lại, về nhà có cơm ăn. Chị không tha thứ cho nó. Giọt nước cuối cùng đã tràn ly.

Một bữa khi vừa đi bán về, chị thấy tờ giấy thằng Đo viết cho chị “Mẹ ơi! Con có việc làm rồi. Con làm ở công trình cầu Cần Thơ. Con biết lỗi rồi. Con hứa sẽ cố gắng làm để trả lại tiền cho mẹ. Con ở luôn với mấy anh em ngoài công trình. Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe. Khi nào rảnh con sẽ về thăm mẹ!” Chị Sáu xếp tờ giấy lại lẩm bẩm “Chắc cũng không được mấy ngày. Tánh nào tật nấy mà! Tin nó làm sao được!” Nhưng một tháng trôi qua… Rồi hai tháng…

Chị không thấy thằng Đo về thăm chị như đã hứa. Chị bỏ bán một buổi, lần dò qua chỗ cầu đang thi công. Cuối cùng, chị cũng biết được tin tức của nó, biết chỗ nó làm. Mấy người buôn bán gần đó cho hay có một công nhân đau bụng, thằng Đo đã đưa giúp đi bịnh viện rồi. Chị Sáu ra về, lòng cũng vui. Thì ra, nó đã cố gắng làm. Nhưng sao nó không về thăm mình.

Thằng Đo nghe mấy người buôn bán kể lại chuyện mẹ nó tới công trình. Nó xúc động lắm, nhưng phải đợt lương tới. Ít ra, khi về thăm mẹ cũng phải trả lại chút tiền. Nó đã cố gắng nhiều rồi. Mọi việc nó làm đều là tội lỗi. Nó quyết tâm phải chuộc lại lỗi lầm. Phải cho mẹ thấy nó đã nên người.

Một sáng kia, chị Sáu vừa dọn bắp ra xong. Đang loay hoay thì có tiếng người ồn ào, la ó, kêu gào: “Cầu sập rồi! Chỗ vừa đổ mấy ngày trước đó!” “Không phải! Chỉ là cầu dẫn thôi!” Rồi tiếng chân người rầm rập. Mọi người đổ dồn về nơi xảy ra sự cố. Chị Sáu bỏ cả thúng bắp, chạy sấp chạy ngửa tới chỗ thằng Đo làm. Chỗ đó rõ ràng tuần trước chị tới hỏi thăm nó mà. Đo ơi! Con đừng có làm sao nghe! Chị vừa chạy vừa vái van Trời Phật và anh Sáu phù hộ cho thằng Đo.

Mọi người đều đổ dồn về đó. Chị Sáu chen giữa dòng người, mắt vẫn cố tìm con mình. Hiện trường thật hỗn độn. Mấy người kịp chạy thoát vẫn còn bàng hoàng. Chị Sáu nắm tay một thanh niên: “Có thấy thằng Đo không? Nó làm ở đây nè!” Người thanh niên lắc đầu. Chị lại nắm vai người khác: “Có thấy thằng Đo con tui hông? Nó làm ở đây mà!” Người đó cũng trả lời không biết.

Nước mắt đã chảy dài trên gương mặt khắc khổ của chị. Những người bị thương đang được khiêng ra. Người còn khỏe thì giúp người bị nạn. Trong tình cảnh này mới thấy tình người thấm thía biết bao. Những người buôn bán cũng bỏ mặc chuyện kiếm tiền, ra sức giúp. Ai làm được gì thì làm, trước khi chính quyền vào cuộc.

Chị Sáu vừa khóc vừa chạy theo mấy cái cáng khiêng người. Chị cố nhìn coi phải thằng Đo không. “Còn bị chôn vùi trong đó nhiều lắm!” Tiếng người nào đó cất lên. Chị gào lên: “Đo ơi! Con đâu rồi? Con có sao không” Chị vấp té rồi ngồi dậy, rồi lại vấp té. Đầu gối chị trầy xước, ống quần rách toạc mấy chỗ, nhưng chị không thấy đau. Chỉ nỗi đau trong lòng. Đau như ngày anh Sáu mất. Bỗng một bàn tay nắm lấy tay chị kéo lên “Mẹ! Con đây nè! Con không sao hết!”

Chị Sáu nhìn trừng trừng người vừa nói với mình: “Trời ơi! Con đây hả? Con hổng bị thương hả?” Đo lôi mẹ ra ngoài rồi ôm chầm: “Mẹ ơi! Con hổng sao thiệt mà! Bữa nay con hổng có làm. Con xin nghỉ một ngày về thăm mẹ. Vừa ra tới đường lớn thì nghe ầm ầm. Con liền quay trở lại!” Nước mắt thằng Đo cũng lặng lẽ chảy. Nó đã thấy tấm lòng mẹ đối với nó. “Thôi mẹ về đi! Con vô phụ tìm mấy anh em bị nạn. Mẹ nhớ bôi thuốc chỗ chảy máu đó!” Nói xong, nó chen trở vào. Chị Sáu chắp tay thầm cảm ơn Trời Phật. Rồi chợt nhớ ra, chị nói vói theo: “Cẩn thận nghe con!”

****

Chị Sáu vừa dọn quán bún của mình. Thằng Đo cũng loay hoay sắp đặt bàn ghế. Nhìn thằng con giờ đã nên người, chị nghe lòng vui như ngày sinh nó ra. Sau chuyện xảy ra năm đó, thằng Đo như trở thành một người khác. Nó chăm chỉ làm, lại bỏ hết những thói hư tật xấu. Mỗi lần lãnh lương nó đều đem một phần về cho mẹ. Nó biết mình có làm gì đi nữa cũng không bù được những lỗi lầm đã gây ra để mẹ phải đau lòng. Hình ảnh mẹ lúc đi tìm nó té ngã đau đớn thế nào là hình ảnh suốt đời này nó không quên được. Tấm lòng mẹ, tình thương của mẹ cho nó là như vậy đó. Vậy mà nó lại làm bao nhiêu chuyện để mẹ buồn mẹ khổ. Nó thật đáng chết!

Cầu Cần Thơ hoàn thành, chị Sáu chấm dứt mấy chục năm mua bán ở bến phà. Chị sang lại quán bún của một người quen và bắt đầu công việc mới. Thằng Đo bây giờ đã là thợ xây được xếp vào loại khá. Nó chơi cũng giỏi, bây giờ làm cũng giỏi. Mỗi sáng, nó dậy sớm phụ dọn quán với mẹ rồi đi làm. Chỉ khi đi làm xa, nó mới không ăn cơm với mẹ. Còn thì cơm trưa cơm tối đều ở nhà.

SƠN QUÂN (Trà Vinh)