Qua Nghi Xuân, viếng Đại thi hào Nguyễn Du

Cập nhật, 06:10, Thứ Bảy, 05/12/2015 (GMT+7)

Ngày 5/12/2015, Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du- Danh nhân văn hóa thế giới. Chúng tôi may mắn được đặt chân đến quê hương cụ Nguyễn Du ở làng Tiên Điền, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), dạo bước trong khu vườn yên tĩnh, như thấy đâu đây bóng dáng cụ Nguyễn Du.

“Truyện Kiều” được tái hiện qua 150 bức tranh sơn dầu tấm lớn minh họa ngoài trời.
“Truyện Kiều” được tái hiện qua 150 bức tranh sơn dầu tấm lớn minh họa ngoài trời.

Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du nằm trên địa phận tỉnh Hà Tĩnh, nhưng nếu đi từ TP Vinh (Nghệ An) đến, thì chỉ khoảng 8km, còn đi từ TP Hà Tĩnh đến phải gần 60km và mất hơn 1 giờ đi ôtô. Vì từ TP Vinh, theo QL1A, qua cầu Bến Thủy- cây cầu bắc qua sông Lam, nối tỉnh Nghệ An với Hà Tĩnh, du khách đã đặt chân lên địa phận huyện Nghi Xuân. Theo QL8B khoảng 4km nữa là đến Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du.

Năm 2012, di tích Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định nâng cấp di tích quốc gia đặc biệt. Theo chân người thuyết minh, chúng tôi viếng thăm nhà thờ cụ Nguyễn Du và mộ danh nhân, khu vườn cũ nơi cụ sống khi về Tiên Điền ở thôn Tiền Giáp, nhà Văn Thánh, đàn tế và bia đá cụ Nguyễn Quỳnh, 2 cây cổ thụ trên 300 năm tuổi, nhà thờ và mộ Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm- thân phụ cụ Nguyễn Du, nhà thờ Nguyễn Trọng- chú ruột cụ Nguyễn Du…

Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du đã tiếp tục được tôn tạo, chỉnh trang, đón khách tham quan.

Du khách thật sự xúc động khi bước vào “Không gian văn hóa Nguyễn Du” và có dịp tìm hiểu sâu sắc hơn công lao đóng góp của Nguyễn Du trong sự nghiệp sáng tác văn học nước nhà. Tại Bảo tàng Nguyễn Du, du khách được chiêm ngắm nhiều tài liệu, hiện vật gốc quý, liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của cụ.

Nguyễn Du (1765- 1820) tên tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, nguyên quán tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh) nhưng sinh ra và lớn lên tại Thăng Long (Hà Nội ngày nay).

Cha của cụ là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm và mẹ là Trần Thị Tần ở làng Hoa Thiền, huyện Đông Ngạn, xứ Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh). Từ nhỏ, Nguyễn Du đã được tiếp thu sâu sắc tinh hoa văn hóa của cả 3 vùng: Xứ Nghệ- Thăng Long và Kinh Bắc.

Chính vì thế, Nguyễn Du lớn lên trở thành người học rộng, tài cao, tinh thông cả Phật học và sành các môn thi, họa. Tác phẩm Truyện Kiều là một minh chứng rất rõ về Nguyễn Du. Đây là sự đóng góp rất lớn vào kho tàng văn học Việt Nam.

 
Du khách chụp ảnh lưu niệm trước tượng đài cụ Nguyễn Du.
Du khách chụp ảnh lưu niệm trước tượng đài cụ Nguyễn Du.
 

Nhắc đến di sản Nguyễn Du là nhắc đến những tập thơ chữ Hán chứa đầy suy tư, trắc ẩn như Bắc hành tạp lục, Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, nhắc đến sự thống thiết trong Văn tế thập loại chúng sinh,… Nhưng tầm vóc vĩ đại của Nguyễn Du trước hết gắn liền với tập thơ chữ Nôm “Đoạn trường tân thanh” mà chúng ta vẫn quen gọi là “Truyện Kiều”.

Trên cơ sở cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du đã sáng tạo nên một sản phẩm toàn bích, có ý nghĩa như một bách khoa thư về đời sống. Nhiều nhân vật của Nguyễn Du, dù chỉ được phác họa trong một vài câu thơ, cũng đã thành những nhân vật điển hình. Nhiều nhân vật bước ra ngoài trang sách, thành biểu trưng cho một loại người, một tính người trong xã hội.

Trong bài phát biểu tại hội thảo quốc tế kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du tổ chức tại Hà Nội vào tháng 8/2015, đồng chí Đinh Thế Huynh- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đã ca ngợi rằng: Có thể nói, ở đâu trên đất nước này, nơi nào có cuộc sống, ở đó có Nguyễn Du. Từ những trí thức đến người lao động bình thường, không ai không thuộc hoặc không đọc, không nghe một vài câu Kiều của Nguyễn Du. Người ta đọc Kiều, người ta lẩy Kiều, người ta bói Kiều, người ta ru con bằng những câu Kiều. Trong suy nghĩ của chúng ta, di sản văn hóa của Nguyễn Du là sản phẩm kết tinh trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam qua tài năng trác tuyệt của ông và cùng với thời gian, di sản ấy đã trở thành một phần tinh hoa văn hóa nhân loại.

Truyện Kiều xác lập kỷ lục thế giới

Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du và dịp vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du trên toàn thế giới, tổ chức Liên minh Kỷ lục thế giới vừa công nhận “Truyện Kiều” là “Tác phẩm văn học tạo nên nhiều kỷ lục quốc gia nhất”.

Suốt hơn 200 năm qua, “Truyện Kiều” là kiệt tác văn học đã tạo được chỗ đứng trong lòng độc giả nhiều quốc gia. Tác phẩm này đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ, xuất bản ở nhiều quốc gia trên thế giới. Dự kiến, kỷ lục sẽ được Liên minh Kỷ lục thế giới trao vào tháng 3/2016 tại Việt Nam.

 

Bài, ảnh: LAN THƯƠNG