Truyện ngắn

Đồi ma

Cập nhật, 06:07, Thứ Bảy, 05/12/2015 (GMT+7)

 “… Một… hai… ba… bốn… năm… sáu… bảy…” Ngọc vừa chạy, vừa đếm. Đến số một trăm, anh đếm lại từ đầu:

“Một… hai… ba… bốn…”

Ảnh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)
Ảnh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)

Con đường ngoằn ngoèo, chạy nghiêng nghiêng lên ngọn đồi, hai bên là những lùm bụi nhỏ, thỉnh thoảng có một vài cây xoài mút to còn sót lại đứng chơ vơ trong sương mờ... Đứa con gái lớn của anh, khuyên bố: “Ba ơi! Tập thể dục đi. Con thấy ba mập lên dữ rồi! Coi chừng bị béo phì đó”. Vợ anh nói: “Dạo này, cái bụng của ba mầy mởn đến cỏ tranh cắt cũng đứt!”

Anh cai thuốc lá được hơn ba tháng. Cai thuốc nó buồn miệng lắm! Thế là anh nhai. Mà lại nhai toàn thứ ngặt: tôm khô lạt, đậu phộng, hạt điều sấy, kẹo sô- cô- la… Thôi thì, phải cố tập thể dục để lấy lại sự cân bằng cơ thể, đồng thời cũng phòng chống một số bệnh theo lời khuyên của sách vở.

Chạy theo lộ nhựa rồi tẽ lên ngọn đồi có cái tháp nước là hay nhất. Con đường này còn nhuốm chút hoang sơ của miền rừng, chứ không bát nháo như những con đường trong chợ. Có vài tốp, đủ hạng tuổi cũng tập thể dục như Ngọc. Họ chạy lên đồi và trở xuống. Có người tập khá sớm, có người tập trễ. Ngọc thường dậy lúc bốn giờ sáng.

Sau khi vệ sinh cá nhân và kiểm tra sơ bài vở đã soạn hồi hôm trong máy tính, anh thay đồ và ra đường. Ngọc làm giáo viên của một trường trung học cơ sở. Ngót nghét năm mươi tuổi, nhưng trông anh vẫn còn khá trẻ. Anh thỉnh thoảng có viết bài cộng tác với một vài tờ báo.

Ngọc đi bộ một đoạn thư giãn rồi chạy. Có tiếng chân thình thịch, như có ai đang chạy sát sau lưng anh. Ngọc khẽ ngoảnh lại. Một chàng trai trông rất khỏe mạnh, chạy vút ngang qua anh rồi chìm khuất trong màn sương. Thị trấn nằm cận núi, nên rạng sáng, sương mù nhiều lắm! Có đôi lúc sương dầy bịt, đứng gần một mét không rõ mặt. Ngọc ngồi xả hơi, nghỉ mệt dưới một cây cột điện.

Ánh đèn mờ nhạt, yếu ớt. Có bóng một cô gái đội kết trắng lum lúp chạy đến gần Ngọc. Cô lên tiếng hỏi thăm: “Chú có thấy anh Hùng chạy ngang qua đây chưa?”- “Anh Hùng nào? Tôi đâu có biết!”- “Anh Hùng… nhà ở chỗ rừng tranh ấy?” Hỏi rồi, cô gái không đợi trả lời mà chạy vút nhanh lên đồi. Bóng cô nhạt nhòa…

Ngọc chạy đều, chầm chậm lên đồi. Vừa qua khỏi cái tháp nước, anh bỗng khựng lại. Hôm nay sao người ta tập thể dục đông quá! Anh đứng khuất mình bên hồ trữ nước nhìn ra khoảng sân trống: một buổi tập thật quy mô! Một anh có vẻ như là chỉ huy đứng trước, ra động tác cho mọi người làm theo. Nhưng hơi lạ! Đông thế mà không ồn ào. Ngọc lặng lẽ rút lui xuống đồi: “Chẳng quen ai thì ở đó làm chi”.

Hôm sau, Ngọc chạy lên đồi và lại gặp cái cảnh ấy nữa. Khi trở xuống đồi, Ngọc gặp cô gái đội mũ trắng chạy ngược lên. Cô bé này gặp anh, lại hỏi có thấy anh Hùng gì đó không? Ngọc hơi để ý cô ta. Bên hông cô gái ấy có cái túi dết nhỏ.

“Hừ! Tập thể dục mà bày đặt quảy bị, túi lùm xùm. Chắc kem phấn hay quà vặt gì đấy!” À nghĩ cũng lạ? Người nhỏ nhắn như vậy mà sao chạy khỏe thế! Vút cái đã lên tới gần đỉnh đồi, xa cả mấy trăm mét. Con bé này lanh chanh thật!

Vài lần sau, rồi đến một hôm, Ngọc chạm mặt cô gái và làm quen được với cô ấy, khi cô ngồi nghỉ dưới gốc cây xoài mút, có tàn lá to tròn như cái lộng, sừng sững giữa lưng chừng dốc:

- Cô ở đâu mà sao lại chạy có một mình? Còn anh Hùng- bạn của cô đâu?

- Dạ… Anh ấy lúc nào cũng chạy trước cháu. Chắc là ở trên đồi.

- Ai ở trên ấy mà thấy đông vậy?

- À... à trạm xá ở đó lâu rồi, chú không biết sao? Ở gần đồi Bằng Lăng ấy...

“Cái trạm xá nào? Lạ thật!Trạm xá gì mà chẳng thấy nhà trại gì hết...”- Ngọc cố moi óc nhớ xem.

Trưa hôm ấy đi làm về, anh nuốt vội miếng cơm rồi mang máy ảnh, bút viết đi lên ngọn đồi: “Nếu có đơn vị nào đóng ở đó, mình sẽ làm một bài phóng sự ngắn, gởi báo kiếm nhuận bút cải thiện… Không chừng Đoàn thủy lợi 4 năm xưa trở lại”.

Trời nắng chang chang. Trên đồi chỉ có cái tháp nước đứng chơ vơ. Tháp nước này không cao lắm, có từ thời bao cấp, do đoàn thủy lợi tặng huyện, lúc đắp đập làm hồ chứa nước. Sau này, do quản lý bê bối, máy bơm bị trộm mất hoài. Trạm cấp nước không có kinh phí mua sắm, sửa chữa và trả lương cho nhân viên. Dưới chân đồi, ở thị trấn người ta khoan nước ngầm và đào giếng xài, nên vai trò của trạm bơm cũng chấm dứt, dần dà, theo thời gian, nó trở nên hoang phế!

Ngọc đứng trên nền trạm cấp nước cũ. Chung quanh tháp nước, cỏ tranh la đà lả ngọn, rập rờn theo những cơn gió thổi vi vút qua đồi. “Hừ… chẳng có ma nào ở đây. Con bé “ốc tiêu” ranh thật. Nó lừa mình như trẻ con!” 

* * *

Gần sáng, nhưng trăng vẫn còn sáng vằng vặc.

- Này, “Ốc tiêu”. Trưa hôm qua, chú đã đi lên tới đỉnh đồi, nhưng có thấy… gì đâu?

- Có mà… Cả anh Hùng ở trên ấy! Chú có muốn gặp anh Hùng của cháu không?

- Ừ hay đấy…

- Đi nhé chú?- cô gái giọng hăng hái, phấn khởi khi rủ Ngọc đi lên ngọn đồi- nơi có cơ quan của cô rồi tiếp lời cháu là y tá… Lúc anh Hùng bị thương, cháu đã băng bó cho anh ấy… Cháu là Xinh. Các anh ấy gọi cháu là Xinh Xinh. Còn chú gọi cháu thế nào cũng được”.

Ngọc cảm thấy là lạ và bị cuốn hút vào câu chuyện của Xinh Xinh. Áng mây bay qua, vầng trăng hắt ánh sáng như sữa lên khuôn mặt Xinh Xinh. Cô gái đẹp với đôi mắt long lanh. Hai cái bím tóc thắt con rít thả dài xuống đôi vai, trông rất có duyên. Cô có vẻ đẹp hiền lành, thanh thoát, khiến khi nhìn, người ta có sự trân trọng cô. Vẻ đẹp ấy hình như tương phản với nét đẹp gợi cảm của nhiều cô gái thời nay!

Xinh Xinh đi lên đồi, Ngọc đi theo. Qua khỏi cái tháp nước. Hôm nay, những người tập thể dục đâu không thấy. Gió thổi mạnh, làm những đám mây thấp bay nhanh, cuồn cuộn. Đồi cỏ tranh vật vờ, uốn lượn. Ngọc bước theo Xinh Xinh đi xuyên qua một lối mòn dẫn xuống một thung lũng rộng, chừng bằng ngang cái sân bóng… Rồi lại đi lên một quả đồi cao hơn ngọn đồi có cái tháp nước. Họ dừng lại trước một dãy lán trại cũ. “Trạm của tụi cháu đấy…”

- Sao chẳng thấy ai vậy Xinh Xinh?

- Các chú, các bác ấy chắc đi công tác hết rồi.

- Hùng… bạn cháu có ở đây không?

- Anh ấy nằm cuối dãy… Ở giường số mười.

Ngọc cảm thấy trong lòng dâng lên nỗi sợ ngai ngái, lạ lùng. Câu chuyện từ nãy giờ mang máng giống như trong phim liêu trai kinh dị mà anh đã từng xem đâu đó. Nhưng anh vốn là người rất dạn dĩ và trầm tĩnh. Nghề báo đã vô hình trung tập cho anh tính tò mò muốn khám phá đến nơi, đến chốn. Anh khẽ liếc nhìn nhanh khuôn mặt của Xinh Xinh. Không có gì cả! Cô ấy chỉ hơi xanh chút thôi! Chắc có lẽ lúc vượt lên dốc bị mệt.

- Dẫn chú thăm Hùng đi.

- Dạ.

Xinh Xinh xô nhẹ cánh cửa. Cuối căn phòng dài có cái bóng đèn điện chừng 6 volt, sáng tờ mờ.

- Ở đây không có điện, nên tụi cháu câu đèn bằng pin của máy thông tin.

Có một người đàn ông nằm như ngủ trên chiếc giường cuối dãy.

- Anh Hùng đấy! Anh ấy bị thương… nặng.

Ngọc quay lại định hỏi Xinh Xinh gì đó thì thấy cô cúi mặt, đôi vai rung rung. Hình như cô xót thương cho chàng trai kia:

- Anh Hùng đấy!… Làm sao cứu được anh ấy hở chú?

Ngọc cũng xúc động cho tình cảnh của Xinh Xinh:

- Tìm cách… tìm cách cháu ạ!

Ánh trăng bàng bạc, xanh xao dọi vào cửa sổ của dãy trại. Giọng Xinh Xinh rưng rức, âm âm, thổn thức đến nao lòng:

- Chú ơi!… Đến nước này thì cháu cũng không giấu giếm chú… Tụi cháu đã chết rồi!… Người sống gọi tụi cháu là hồn ma! Chỗ của cháu ở bị bom Mỹ đánh trúng. Nhiều người chết lắm! Cháu với anh Hùng yêu nhau. Anh ấy là người ở ngoài thành. Anh ấy còn một người mẹ và một đứa em gái... Anh ấy nhớ mẹ và thương em gái mình lắm! Anh Hùng hứa ngày hòa bình sẽ dẫn cháu về thành phố!

Ngọc cảm thấy lòng mình dâng lên mối thương cảm dạt dào đối với Xinh Xinh và Hùng, không còn thấy sự ngăn cách giữa người sống và người chết. Ma- xét cho cùng, cũng chính là người.

Hùng nằm im bất động. Mắt anh khép lại với vầng trán như trẻ thơ. Hơi thở anh hoi hóp. Tóc anh nhiều, đen, được chải gọn gàng. Khuôn mặt anh sáng, đẹp, hiền lành với cái miệng có môi dưới trễ nhẹ xuống một chút. Thỉnh thoảng khuôn mặt anh hơi dúm lại, chừng như có vẻ đau đớn lắm, rồi sau đó lại trở về với sắc diện cũ…

Xinh Xinh mở cái túi dết ra. Cô bày những món đồ cứu thương như kéo, dao, kim tiêm, bông, băng và chai nước rửa.

- Chú có thể giúp gì cho cháu… Cháu cứ nói- Ngọc nhìn Xinh Xinh đang lui cui.

- Chú… chú ơi! Anh Hùng bị chỗ bụng. Bây giờ chú phụ với cháu đưa “nó” vô, khâu lại!

Ngọc nhẹ nhàng dở tấm chăn đắp ngang bụng của Hùng. Một khúc ruột đã xanh tái của anh bị thòng ra ngoài! Hùng bị miểng bom chém ngang hông. Xinh Xinh nâng nhẹ khúc ruột, nhét từ từ vào bụng Hùng. Cô chăm chú, cẩn thận khâu kín lại. Ngọc cầm cái ben, kẹp com-rét nhúng can-ti-dót sát trùng vết thương. Xinh Xinh buồn bã nói với Ngọc:

- Cháu cám ơn chú đã tiếp cháu… Ruột của anh Hùng đã bị hoại tử! Anh Hùng chắc không sống được đâu! Cháu tìm gặp anh ấy trong một hốc đá.

… Có tiếng gà rừng gáy lơ thơ, nghe đồng vọng, mơ hồ. Phương Đông ưng ửng, hắt chút ánh hồng sâm sẫm lên bầu trời nhàn nhạt ánh sao. Dãy trạm xá, Xinh Xinh và Hùng bỗng như nhòa ra, tan loãng, rồi biến mất giữa rừng cỏ tranh còn mịt mờ sương sớm.

* * *

Hồi năm 2000, trên ngọn đồi có cái tháp nước cũ ven thị trấn, Nhà nước đã xây dựng một bệnh viện khang trang. Người dân ở đây mỗi khi ốm đau không còn phải bao tàu xe đi thị xã. Đây là một trung tâm y tế của khu vực mấy huyện, có đội ngũ y bác sĩ trẻ, phần đông được đào tạo chính quy, bài bản sau ngày miền Nam giải phóng.

Mỗi buổi sáng sớm, cán bộ, nhân viên và cả những bệnh nhân nhẹ, tập thể dục trông rất vui mắt trong cái sân rộng, có bóng mấy cây xoài mút to, lớn cao ngạo nghễ, đứng sừng sững trơ gan cùng tuế nguyệt. Ngọn đồi này, trước đây lũ trẻ mục đồng thường hay né tránh dẫn trâu bò lên ăn cỏ.

Chúng đồn trên đồi có “ma”! Có đứa đã gặp rồi! Vả lại, trên ấy phần nhiều là cỏ tranh mọc lan với sim mua dại, trâu bò không khoái khẩu lắm!

Chuyện Ngọc gặp “ma” trên đồi cỏ tranh, đôi lúc anh kể lại, chẳng mấy ai tin! Thậm chí, vợ anh còn cho anh biết rằng, có nhiều lần anh quá chén với bạn bè, về nhà ngủ vùi, quên đi tập thể dục. Bà xã anh còn tỏ vẻ am hiểu về “phân tâm học”!

Cô ấy phán: “Những lúc ấy, tiềm thức của anh trỗi dậy, và anh đã nằm chiêm bao thấy mình lên đồi gặp…“ma!”. Riêng Ngọc, đến bây giờ, anh vẫn mang máng, hồ nghi rằng chuyện mình từng gặp Hùng và Xinh Xinh là có thật(?). Đã đôi ba lần anh suýt bị ngã xe, hình như Hùng và Xinh Xinh đã che chắn cho anh, vực anh dậy và đưa anh về nhà (!!??).

Còn chuyện thời chiến tranh, ở đó có một trạm xá là có thật. Năm ngoái, người ta đã khai quật trên ngọn đồi cỏ tranh gần bệnh viện, một ngôi mộ tập thể tới gần ba ngàn hài cốt. Theo lời kể của dân cố cựu ở địa phương, các hài cốt này chết vào “mùa hè đỏ lửa” (1972). Những người thoát chết, ly tán bốn phương, khi trở về nơi chốn cũ chỉ biết ngậm ngùi, rơi nước mắt, thắp mấy nén hương tưởng nhớ những người thân đã “mồ xiêu, mả lạc” giữa ngọn đồi chơ vơ hiu quạnh, mênh mông đầy cỏ tranh và sim mua tím.

ĐẶNG HOÀNG THÁM (TP Cần Thơ)