Phải chống lợi ích nhóm trong xây dựng luật

Cập nhật, 07:20, Thứ Ba, 29/08/2023 (GMT+7)

Ngày 28/8, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4, nhằm thảo luận cho ý kiến về một số dự án luật dự kiến trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 6 tới.

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức thành công 3 hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, qua đó, tiếp thu được nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết góp phần để Quốc hội xem xét thông qua với tỷ lệ đồng thuận, thống nhất rất cao.

Tại hội nghị lần thứ 4 này, sẽ xem xét cho ý kiến về 8 dự án luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sắp tới. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về số lượng các dự án luật nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay và cũng là những dự án luật rất quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và đại biểu Quốc hội.

Vì thế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm cao, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc để bảo đảm chất lượng của hệ thống pháp luật đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển. Đặc biệt, xem xét việc thể hiện của các dự thảo luật đã bám sát các nhóm chính sách lớn, các định hướng, nguyên tắc yêu cầu đề ra khi xây dựng các dự án luật. Điều quan trọng là những chính sách đặt ra từ đầu, dự kiến hoàn thiện trong quá trình xây dựng pháp luật đã được thể hiện đủ hay chưa?

Ngoài ra, xem xét tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhất là các dự thảo có quan hệ chặt chẽ với nhau: dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu…

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mục tiêu đặt ra của hội nghị lần này là rà soát lại về cơ sở chính trị căn cứ pháp lý, tính hợp hiến hợp pháp tính đồng bộ, chất lượng của hệ thống pháp luật. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ các quy trình, các nội dung cần phải tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, rút kinh nghiệm, không được để cho những quy phạm pháp luật có sơ hở có thể tạo ra những tham nhũng, tiêu cực gây ra những thất thoát hoặc ách tắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, phải thực hiện chỉ đạo của Đảng ta về chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng pháp luật. Ngay trong Quốc hội cần phải thực hiện nghiêm những vấn đề này khi xem xét quyết định các nội dung của luật. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp tục lắng nghe để hoàn thiện, để cho không có một ý kiến nào của đại biểu Quốc hội mà không được nghiên cứu, tiếp thu và giải trình thỏa đáng.

AN NHIÊN